Biển Đông đang trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng của 2 thế lực là Mỹ - Cường quốc quân sự lớn nhất thế giới và TQ đang là nước có tốc độ phát triển quân sự nhanh nhất hiện nay. Từ nhiều năm nay, TQ không ngừng nêu yêu sách về những vùng nước vốn được họ coi là lợi ích chiến lược sống còn, không chỉ vì giầu có về dầu lửa, khí đốt, nguồn lợi thủy sản, mà vì còn là tuyến đường biển huyết mạch. Thái độ trịnh thượng vô lối của TQ đã xem thường yêu sách chủ quyền của các nước lân cận, chọc tức Hoa Kỳ vốn từ trước đến nay tiến hành chính sách kiểm soát quyền lực từ các căn cứ hải quân trong khu vực.

Hiện TQ vẫn duy trì quân đội lớn nhất thế giới với 2,3 triệu binh sĩ, nhưng từ khi Mỹ tiến hành chiến dịch “Bão táp sa mạc” tiến đánh I - rắc với phương pháp chiến tranh công nghệ cao thì Bắc Kinh cũng ý thức được là không chỉ trông chờ vào sức người và do đó đầu tư khá nhiều cho hệ thống vũ khí hiện đại, gồm lực lượng phòng không, không quân, được trang bị tên lửa thông thường và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, đáng kể nhất phải tính đến sự phát triển những “hạm đội đỏ” gồm tầu ngầm nguyên tử, pháo hạm và rất nhiều tầu chiến khác. TQ cũng nhanh chóng xác định “kẻ thù” của mình là tất cả những ai xâm phạm lợi ích quốc gia của họ và những đối tượng này sẽ phải nếm đòn phủ đầu của TQ. Học thuyết chính thức của TQ nêu rõ là quân giải phóng nhân dân TQ luôn phải sẵn sàng cho đòn phủ đầu với tên lửa Đông phong 21D có thể bắn và huỷ diệt mục tiêu di động ở cự ly xa. Phía Mỹ đánh giá tên lửa Đông Phong là loại vũ khí có tính cách mạng làm thay đổi cả luật chơi của một cuộc chiến trên biển vì nó có thể nhanh chóng huỷ diệt cả tầu sân bay của Mỹ vốn được coi là yếu tố quan trọng bậc nhất trong chiến lược thuỷ chiến của Mỹ.

Mặc dầu vậy thì những nhà phân tích thuộc các “think tank” của Mỹ lại không báo động về việc chạy đua số lượng vũ khí của TQ, cho dù ngân sách quốc phòng của nước này đã tăng từ 30 tỷ USD năm 2000 lên 160 tỷ năm vừa qua (ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn cao gấp 4 lần). Điều làm phương Tây lo ngại là chiến lược của TQ dùng lực lượng hải quân, với sự hỗ trợ của không quân và vũ khí điều khiển từ xa lúc nào cũng sẵn sàng tác chiến để bảo vệ lợi ích của họ trong khu vực. Với tư cách là cường quốc thế giới Mỹ phải phân tán lực lượng và tài lực của mình trong khi TQ tập trung xử lý các nước láng giềng dám cạnh tranh lợi ích với họ, ngăn cản Mỹ tiến vào các khu vực nằm trong lợi ích chiến lược của TQ.

Đáng chú ý là trong khi tìm kiếm tài liệu cho đề án chiến lược biển, các nhà hoạch địch chính sách quân sự TQ đã tìm thấy nó trong thư viện của chính “kẻ thù ý thức hệ” là Mỹ. Tướng Chen Zhou, một trong những cha đẻ của chiến lược quân sự biển của TQ coi Andrew Marshall, nhà hoạch định chiến lược quân sự nổi tiếng của Mỹ là “anh hùng vĩ đại” và cho biết TQ đã dịch từng chữ của ông này.

Ngoài ra, hai nhà nghiên cứu quân sự thuộc Học viện Hải quân ở Newport đã phát hiện là người thực sự có những ý tưởng vốn bị TQ sao chép làm thành chiến lược biển của họ là đô đốc hải quân Alfred Thayer Mahan, thế kỷ 19 giảng dạy tại Học viện Hải quân Mỹ ở Newport và vốn được coi “Clausewitz trên biển”, là chiến lược gia biển có ảnh hưởng nhất ở Mỹ. Đô đốc Mahan một mặt vẫn coi trọng yếu tố chính trị hơn là chuẩn bị chiến tranh, nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng lực lượng hải quân đóng vai trò quyết định cho việc giữ cán cân quyền lực của một quốc gia ; chỉ quốc gia nào có lợi thế trên biển mới có khả năng kiểm soát các đường giao thông biển và đẩy kẻ thù ra xa bờ biển của mình.

Các nhà phân tích chiến lược phương Tây cũng cho rằng mặc dù có những ồn áo xung quanh TQ thời gian qua, nhưng chắc chắn TQ sẽ không chọn con đường chiến tranh, nhất là gây hấn quân sự với Mỹ; mục tiêu thực tế của TQ là bảo vệ các lợi ích thiết thực và có khả năng thực hiện của mình trong khu vực. TQ luôn cố gắng tạo dựng hình ảnh về một cường quốc mới yêu chuộng hòa bình ; tàu của hải quân TQ tuần tiễu chống hải tặc, cứu hộ người dân ra khỏi khu vực có chiến tranh ở Libya v.v… Nhưng nhiều người cũng cho rằng qua đó hải quân TQ cũng “diễn tập” cho trường hợp xung đột vì từ năm 1979 đến nay hải quân TQ chưa hề có kinh nghiệm chiến tranh.

 

Theo Focus (Đức)

Hiểu Minh (gt)