Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng Đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh cho thấy kể từ tháng 10/2013, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất trên quy mô lớn, xây dựng lại bến cảng và thiết lập thêm các công trình hạ tầng khác trên đảo Phú Lâm, hòn đảo có tên quốc tế là Woody Island và người Trung Quốc gọi là Yongxing Dao.

Trung Quốc chiếm đóng Đảo Phú Lâm kể từ năm 1956, và kể từ thời điểm đó, nước này đã thành lập một đơn vị đồn trú trên đảo, xây dựng các cứ điểm phòng thủ ven biển, một đường băng, bốn nhà chứa máy bay quy mô lớn, các cơ sở thông tin liên lạc và một trụ sở chính quyền. Việt Nam và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền đối với Đảo Phú Lâm.

Những phân tích hình ảnh vệ tinh trước đây của IHS Jane cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2005-2011, chính quyền Trung Quốc đã xây dựng một bến cảng mới ở khu vực phía tây đảo Phú Lâm; từ tháng 10/2013, một con đê chắn sóng ở khu vực phía nam của bến cảng này đã bị phá bỏ và tại đó Trung Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động nạo vét.

Cụ thể, việc cải tạo đất đang được tiến hành tại hai khu vực: ở hai đầu của đường băng dài 2400m, và lấp đầy khoảng trống giữa Đảo Phú Lâm và đường đắp cao tới Đảo Đá (có tên quốc tế là Rocky Island, phía Trung Quốc gọi là Shi Dao): tại mỏm đất nhỏ này người ta cho rằng đang tồn tại một cơ sở thông tin liên lạc được bảo vệ nghiêm ngặt.

Các tàu nạo vét đắp cát vào một khu vực ở phía tây nam của đường băng; lượng đất bùn cũng được đắp vào khu vực phía đông bắc của đường băng. Nếu cả hai vùng đất mới này đều được sử dụng cho đường băng, thì độ dài của nó sẽ tăng từ 2400m lên 2700-2800m. Sự mở rộng này sẽ tăng phạm vi an toàn (khi hoạt động tại đường bay trên đảo Phú Lâm – ND) cho các máy bay ném bom của Không quân PLA như máy bay H-6 và các máy bay vận tải chiến lược như máy bay Ilyushin Il-76.

IHS Maritime, thông qua dữ liệu của AISLive, đã xác định được một trong số các tàu nạo vét đang được sử dụng là Xin Hai Tun, tàu nạo vét hút cắt được đóng bởi Nhà máy Đóng tàu Wenchong, Quảng Đông và được vận hành bởi Công ty Nạo vét và Kỹ thuật SDC Orient. Các tàu nạo vét khác đang hoạt động tại khu vực có vẻ như là các sà lan được trang bị máy xúc bùn. Cùng với đó là một số tàu container, trong đó có một tàu tên gọi là Xing He Yuan 1, thuộc sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đóng tàu Taizhou Xinghe. Trên website của mình, công ty này quảng bá rằng họ kinh nghiệm chuyên môn vững vàng trong việc xây dựng đê và bến tàu.

Phân tích

Cùng với Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa là điểm nóng của tranh chấp Biển Đông. Trong khi vị trí nằm ở phía nam Biển Đông của Trường Sa khiến Trung Quốc có những hạn chế khi hoạt động tại đây, thì vị trí tương đối gần giữa Hoàng Sa so với đảo Hải Nam cho phép Bắc Kinh mở rộng quyền tài phán và quyền quản lý đối với quần đảo này. Đảo Phú Lâm luôn được dành một sự quan tâm đặc biệt, và tháng 7/2012, được chọn là thủ phủ của cái gọi là thành phố Tam Sa - một bộ phận của tỉnh Hải Nam.

Động thái mở rộng đường băng và xây dựng lại bến cảng tại khu vực phía tây sẽ cải thiện khả năng vận hành Đảo Phú Lâm như một căn cứ quân sự, để từ đó Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh tại Biển Đông. Vị trí gần gũi chiến lược của Hoàng Sa đối với khu vực trung tâm Biển Đông cũng cho phép Trung Quốc sử dụng Hoàng Sa như là cơ sở cho các hoạt động giám sát, phục vụ mục đích thực thi các quy định về đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt hay ngăn cản các hoạt động vận tải tại khu vực trong tương lai, đây cũng là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc – đó là kiểm soát biển.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét về ngắn hạn và trung hạn, ít có khả năng Trung Quốc làm như vậy bởi các tuyến đường biển tại Hoàng Sa đang phục vụ cho hoạt động của các cảng Trung Quốc – như Hồng Kông và Thượng Hải – và việc tự do qua lại tại đây cũng nằm trong lợi ích của Trung Quốc.

Bài viết được đăng trên trang IHS Jane’s 360.

Người dịch: Quang Tiệp