Chương trình làm việc trong năm nay của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được công bố mới đây trước Quốc hội Trung Quốc đã cho thấy rõ sự chuyển đổi sang tốc độ tăng trưởng “bình thường mới” khoảng 7% của Trung Quốc. Sự chuyển đổi sang tăng trưởng chậm hơn cho thấy nhiều thách thức nghiêm trọng, song cũng tạo ra một cơ hội lớn cho Trung Quốc để đảm bảo phát triển kinh tế dài hạn.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã ghi nhận cơ hội này và đang hành động để hỗ trợ sự chuyển đổi sang hình mẫu tăng trưởng bền vững hơn. Bộ Tài chính Trung Quốc đã nâng mức thâm hụt ngân sách của chính phủ trung ương từ 1,8% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) trong năm nay lên 2,7% trong năm sau, và sẽ cho phép một số chính quyền địa phương được hoán đổi khoản nợ 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ đáo hạn trong năm nay sang trái phiếu với lãi suất thấp.

Tương tự như vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tức Ngân hàng Trung ương, cũng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ đồng tiền, hạ dần lãi suất và dự trữ bắt buộc. Do mức lương vẫn đang tăng cao, mục tiêu lạm phát trong năm 2015 được ấn định là 3%, cao hơn mức lạm phát thực 2% của năm 2014, thậm chí ngay cả khi lạm phát giá thành sản xuất đã ở mức tiêu cực trong 36 tháng qua. PBOC cũng dự tính xây dựng một môi trường lãi suất ổn định trong năm nay, bất chấp việc đồng yen của Nhật Bản, đồng euro và đơn vị tiền tệ của nhiều nền kinh tế đang nổi khác mất giá trước đồng USD, qua đó thúc đẩy sự ổn định toàn cầu.

Những chính sách này cũng phản ánh quyết tâm của Trung Quốc tiếp tục con đường cải cách cấu trúc, bất chấp tác động mạnh mẽ từ môi trường bên ngoài và thay đổi cơ cấu bên trong. Tóm lại, chính phủ Trung Quốc dường như đang có một tầm nhìn dài hạn rõ ràng. Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan về quỹ đạo của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Trung Quốc kì cựu David Shambaugh gần đây thậm chí cảnh báo rằng những thách thức mà hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPP) lãnh đạo đang đối mặt có thể tác động nghiêm trọng đến năng lực thực thi gói cải cách kinh tế tham vọng của chính phủ đã được công bố từ năm 2013.

Tuy nhiên, nhận định rằng phát triển kinh tế và chính trị của Trung Quốc gặp khó khăn dường như bỏ qua quá trình thích nghi của nước này, vốn định hình mọi chính sách kinh tế, ngoại giao, quân sự và xã hội. Tiến trình này - mang đặc tính thử nghiệm, đánh giá và thay đổi - bắt nguồn từ kinh nghiệm quân sự của CPP hồi thập niên 1930, đã được Đặng Tiểu Bình áp dụng vào chương trình cải cách của ông trong những năm 1980, và được các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau đó thúc đẩy. Do chưa có nền kinh tế nào trải nghiệm sự tăng trưởng nhanh chóng trên quy mô lớn như vậy, cách duy nhất để quản lí sự phát triển của Trung Quốc, như Đặng Tiểu Bình chỉ ra, là “ném đá để qua sông”.

Một số thử nghiệm không có kết quả rõ ràng, dù đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, song cũng góp phần tạo ra những vấn đề như thừa năng lực sản xuất công nghiệp, ô nhiễm, tham nhũng và cả những thành phố “ma”. Trong bối cảnh thử nghiệm, những hậu quả ngoài ý muốn đó là có thể hiểu được. Trên thực tế, những hệ quả đó được giới hạn ở mức không đẩy Trung Quốc hướng đến một thảm họa. Ngăn chặn hệ quả đó đòi hỏi những nỗ lực để điều chỉnh sự tăng trưởng “bình thường mới” của Trung Quốc. Cải cách cần phải nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển toàn diện, giữ môi trường ổn định, thúc đẩy sáng tạo và nâng cao cạnh tranh. Và đây chính xác là cách tiếp cận bốn mũi nhọn mà giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đang thực hiện.

Tuy nhiên, nền hành chính Trung Quốc cần phải thích nghi mạnh mẽ để đối phó với rủi ro, cũng như tận dụng lợi ích của công nghệ và toàn cầu hóa, với thách thức lớn nhất trong việc chuyển sang một nền tảng công nghiệp tri thức, ý thức về môi trường, toàn diện và ổn định. Chính phủ Trung Quốc cũng phải áp dụng những những biện pháp đảm bảo lực lượng thị trường sẽ đóng vai trò lớn hơn trong định hướng hoạt động kinh tế, như giảm bớt yêu cầu về cấp phép và quy định trong khu vực tư nhân.

Các lực lượng thị trường sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng sức chi tiêu của các hộ gia đình. Mức tăng lương thực tế tiếp diễn đang đẩy các ngành kém hiệu quả vốn chỉ dựa trên lao động giá rẻ ra khỏi thị trường, trong khi gia tăng cạnh tranh giữa các nhà sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng khó tính ở Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang thay đổi thị trường cổ phiếu IPO. Một thị trường IPO năng động và hiệu quả hơn sẽ cho phép các công ty đáp ứng được nhu cầu tài chính cần thiết của mình mà không có sự can thiệp của ngân hàng. Đây là một bước tiến sống còn để giúp các doanh nghiệp thoát nợ.

Trên thực tế, giảm bớt vai trò của ngân hàng có ý nghĩa then chốt để cân bằng nền kinh tế Trung Quốc. Bất chấp sự bật nảy gần đây, tỷ lệ vốn hóa thị trường cổ phiếu Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 40% GDP, trong khi tài sản ngân hàng hiện bằng 266% GDP. Ngoài ra, chỉ 10% tổng số vốn xã hội đến từ thị trường cổ phiếu. Bên cạnh đó, vẫn đang thiếu một thành tố quan trọng trong chương trình cải cách của chính phủ trong năm 2015: Cải thiện thủ tục phá sản. Nếu những cá nhân và chủ dự án không trả được tiền vay, các thị trường sẽ phải gánh chịu nợ xấu và những dự án còn dang dở.

Trung Quốc đã nhiều lần chứng tỏ năng lực chống đỡ và thích nghi của mình. Giờ đây nước này một lần nữa cần phải làm như vậy, bằng cách đảm bảo sự tăng trưởng “bình thường mới” là ổn định, bền vững và toàn diện nhất. Điều này sẽ dẫn đến việc phải củng cố các nền tảng thể chế cũng như đưa ra các quy định rõ ràng, minh bạch, để khuyến thích thử nghiệm và đổi mới, đảm bảo giải quyết êm những dự án không thành công và hậu quả của sai lầm. Thất bại có thể là mẹ của thành công, nhưng chỉ khi nào người ta rút được kinh nghiệm từ thất bại.

Theo “Today online

Vũ Hiền (gt)