Tổng thống Barack Obama đã có kế hoạch tham dự đợt hội nghị cấp cao quan trọng tuần này ở châu Á, trong đó có Hội nghị Cấp cao thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Bali, nơi ông Obama dự kiến gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác của thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, đến phút chót, Tổng thống Obama đã buộc phải cử Ngoại trưởng John Kerry đi dự họp thay mình và ông Kerry đã đưa ra những lý do không mấy thuyết phục cho sự vắng mặt đầy ngượng ngùng của vị Tổng thống Mỹ. Tổng thống Obama cũng bỏ lỡ một Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) khác trong tuần này ở Brunei. 

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tham dự cả hai hội nghị cấp cao này, cùng với việc tiến hành các chuyến thăm cấp nhà nước tới Malaysia và Indonesia tuần trước. Các chuyến thăm tới Indonesia, Malaysia và Brunei tạo cho nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cơ hội để chi phối các tít báo, đạt được các thỏa thuận và đưa ra các cam kết. Trong khi đó, sự vắng mặt của Tổng thống Obama khiến dư luận khu vực có cảm giác rằng Mỹ có vẻ như là một đồng minh không đáng tin cậy, và rằng chính sách “xoay trục” sang châu Á có thể biến mất vào bất kỳ lúc nào nếu như Quốc hội Mỹ không xử lý được một cách thỏa đáng vấn đề trần nợ công. 

Phát biểu trong cuộc họp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC tại Bali mà Tổng thống Obama cũng đã có kế hoạch phát biểu, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng sự vắng mặt của Tổng thống Obama “là một sự thất vọng rất lớn đối với chúng tôi”. Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn một Chính phủ Mỹ hoạt động hiệu quả hơn là một chính phủ không hoạt động. Và chúng tôi muốn một vị Tổng thống Mỹ là người có khả năng công du và thực hiện những nghĩa vụ quốc tế của ông ấy, chứ không phải là một người bị vướng bận với những vấn đề ở trong nước”. 

Philippines, nước đang đối đầu gay gắt với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, lẽ ra đã nhận được một sự hỗ trợ to lớn từ chuyến thăm của một nhà lãnh đạo nước đồng minh truyền thống vào tuần trước. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Ở Indonesia, quốc gia đóng vai trò chủ chốt trong khu vực, Tổng thống Obama là một ngôi sao lớn bởi thời niên thiếu của nhà lãnh đạo này có nguồn gốc liên quan tới Indonesia. Lẽ ra ông Tập Cận Bình đã gần như là vô hình so với ông Obama ở Indonesia nếu như nhà lãnh đạo Mỹ đến quốc gia Đông Nam Á này. Thay vào đó, ông Tập Cận Bình lại trở thành ngôi sao của buổi trình diễn ở Indonesia. 

Những hội nghị cấp cao như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), và đặc biệt là APEC, thực sự là những diễn đàn để nói và hành động. Chưa có sự tổn hại không thể sửa chữa nào đối với ảnh hưởng và sức mạnh của Mỹ nhưng thực tế là việc Mỹ không thể thu xếp ổn thỏa công việc ở Washington để nhà lãnh đạo của họ có thể công du tới khu vực bùng nổ mạnh mẽ nhất trên thế giới tham dự mùa hội nghị cấp cao đã phát đi một tín hiệu nghiêm túc: Dù tốt hơn hay tồi tệ hơn, thì Trung Quốc vẫn là nước láng giềng ngay bên cạnh, còn Mỹ thì không.

Theo "Asiasentinel" (ngày 7/10)

Vũ Hiền (gt)