Tờ “Tuần tin tức Trung Quốc” ngày 15/5, đăng bài viết “Trung Quốc làm thế nào để tái cấu trúc trật tự tại Nam Hải (Biển Đông)?” của Tôn Hưng Kiệt, chuyên gia của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Cát Lâm (Trung Quốc), trong đó tác giả cho rằng đối đầu giữa Trung Quốc và Philíppin tại đảo Scarborough đã kéo dài hơn một tháng, xu thế này ngày càng có dấu hiệu quyết liệt. Hoạt động biểu tình chống Trung Quốc của Philíppin đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, vùng trời Biển Đông bình yên trước đây đã bị bao phủ bởi đám mây của chiến tranh. Trong bối cảnh cục diện căng thẳng cao độ, các bên đều cần duy trì sự cân bằng giữa lý trí và tình cảm, để nhanh chóng tìm kiếm một phương án phù hợp có thể làm thay đổi trật tự tại Biển Đông.

Nhìn lại một tháng đối đầu vừa qua, Trung Quốc luôn bị Philíppin dắt mũi, khi xử lý quan hệ với một nước nhỏ yếu, Trung Quốc đã lộ rõ phần nào lực bất tòng tâm. Nhìn từ cấp độ lớn hơn, tình thế khó khăn của Trung Quốc ở chỗ không có cách gì để chuyển hoá sức mạnh cứng thành sức mạnh mềm, trong thời gian ngắn không thể chuyển hoá sức mạnh quân sự hiện hữu thành mối uy hiếp quân sự. Quản lý khủng khoảng và đầu tư địa chiến lược là bài học bắt buộc cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự trỗi dậy không chỉ có nghĩa là sự lớn mạnh về thực lực kinh tế, quân sự, mà ở chỗ sự lớn mạnh này phải được các nước chấp nhận, thậm chí biến thành một dạng thói quen, lệ thuộc trong quan hệ.

Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với Trung Quốc, nó là mấu chốt để Trung Quốc trở thành một nước lớn mạnh về quyền lực trên biển. Chính vì vậy, Trung Quốc cần trở thành nhà kiến tạo và nhà bảo vệ trật tự tại Biển Đông. Nhìn từ góc độ này, tranh chấp Trung Quốc-Philíppin tại đảo Scarborough không phải là vấn đề chiến tranh và hoà bình, mà liên quan đến việc Trung Quốc làm thế nào để phá vỡ cục diện khó khăn về chiến lược tại Biển Đông, làm thế nào để xác lập quyền uy của Trung Quốc trong trật tự Biển Đông.

Một chiến lược Biển Đông hợp lý có tính khả thi cần gồm 3 phương diện: một là nhận thức khách quan đối với lịch sử và hiện trạng trật tự Biển Đông; hai là phân tích lợi ích của Trung Quốc trong trật tự Biển Đông; ba là biện pháp và sách lược đạt được trật tự như mong muốn. Tác giả cho rằng biến số lớn nhất trong trật tự Biển Đông bắt nguồn từ sự thức tỉnh về quyền lực trên biển và sức mạnh của Trung Quốc được nâng cao. Sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, Liên Xô sử dụng cảng Cam Ranh (Việt Nam), Mỹ chiếm giữ cảng Subic (Philíppin), hai siêu cường này chính là nhà kiến tạo trật tự tại Biển Đông. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng bước rút quân khỏi Philíppin, Biển Đông bước vào một thời kỳ tương đối yên bình vì xung quanh Biển Đông không có nước lớn có quyền lực trên biển. Khi Trung Quốc đang tập trung tối đa cho xây dựng kinh tế, các đảo tại Biển Đông lần lượt bị một số quốc gia chiếm đóng, mà trong “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông” ký tháng 11/2002 hoàn toàn không xây dựng một trật tự mới tại Biển Đông. Điểm yếu trong vấn đề Biển Đông ở chỗ sau khi Mỹ, Liên Xô rút đi, trong trật tự Biển Đông thiếu yếu tố quyền uy về quân sự, nói cách khác, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến xây dựng quan hệ kinh tế, mà không coi trọng tầm quan trọng của nhân tố quân sự.

Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997, hình ảnh của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể tại các quốc gia Đông Nam Á, hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN đã kết trái lớn vào năm 2010, đó là Khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN được thành lập. Năm 2011, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại và địa điểm xuất khẩu lớn nhất của ASEAN, cũng có thể nói, nhân tố kinh tế Trung Quốc đã đóng góp vai trò quan trọng trong trật tự Biển Đông. Năm 2011, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Benigno Aquino, Philíppin đã giành được một lượng lớn hợp đồng thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, hợp đồng kinh tế hoàn toàn không thể che đậy được sự thiếu sót về sản phẩm cộng đồng trong lĩnh vực an ninh.

Mỹ bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố mà thiếu sự quan tâm đến Đông Á, đây là cơ hội tốt để Trung Quốc thiết lập trật tự an ninh khu vực. Sau khi Mỹ tuyên bố quay trở lại châu Á, Trung Quốc mới chợt phát hiện, rõ ràng không có bất cứ một hiệp định hay điều ước nào về an ninh khu vực, một hiệp định duy nhất có thể nhắc đến là “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” không có tính ràng buộc mà thôi. An ninh, lợi ích và uy tín là 3 sản phẩm quan trọng nhất mà các nước theo đuổi, nếu như Trung Quốc có thể trỗi dậy hoà nhập vào trong cấu trúc khung an ninh khu vực Biển Đông, thì sự trỗi đậy của Trung Quốc sẽ không trở thành “mối đe dọa từ Trung Quốc”. Chính vì thiếu an ninh khu vực mang tính sản phẩm cộng đồng, nên việc Mỹ quay trở lại mới nhận được sự hoan nghênh của các nước trong khu vực. Khách quan mà nói, trật tự Biển Đông tồn tại xu thế Bancăng hoá, khác biệt lớn nhất với trật tự bán đảo Bancăng trước chiến tranh là đế quốc Ốttôman khi đó khác xa so với Trung Quốc ngày nay. Mấu chốt xoay chuyển Biển Đông trượt theo hướng Bancăng hoá là gây dựng quyền uy, nhất là quyền uy về quân sự của Trung Quốc vào trong trật tự Biển Đông.

Xoay quanh tranh chấp Biển Đông, giữa các nước lớn đang hình thành một trật tự cân bằng, điều này cũng là tình cảnh mà Trung Quốc không muốn nhìn thấy nhất. Sở dĩ Philíppin dám thách thức Trung Quốc, một nguyên nhân căn bản ở chỗ các chính khách Philíppin đều cho rằng Mỹ là đồng minh nên khi Trung Quốc-Philíppin xuất hiện tranh chấp căng thẳng sẽ “ra tay giúp đỡ”. Trong chính trị quốc tế, khi giữa các nước lớn hình thành thế cân bằng hoặc cục diện bế tắc, các nước nhỏ có thể không ngừng “đùa bỡn” nước lớn. Trong hội đàm quốc phòng và ngoại giao Mỹ-Philíppin lần thứ nhất, Mỹ hoàn toàn không bày tỏ thái độ ủng hộ Philíppin tại Biển Đông, nguyên nhân vì sao? Thứ nhất, bất cứ liên minh nào cũng đều là liên minh có giới hạn, nếu không nước lớn sẽ bị nước nhỏ lợi dụng, nước Đức trong Thế chiến thứ nhất chính là bị đế quốc Ốttôman lợi dụng; Thứ hai Mỹ không có tham vọng chiếm giữ lãnh thổ của Philíppin như trong chiến tranh Việt Nam; cuối cùng, Biển Đông liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Mặt khác, Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ vòng 4 đã thu được một số thành quả mang tính thực chất, nhất là trong phương diện điều chỉnh quan hệ kinh tế Trung-Mỹ, phía Trung Quốc “khiêm tốn” chấp nhận không ít kiến nghị của phía Mỹ. Đáng lưu tâm là năm nay Trung Quốc và Mỹ đều là năm chuyển đổi nhiệm kỳ chính trị, duy trì ổn định là phù hợp với lợi ích của hai bên, Obama tuyệt đối không muốn trước khi kết thúc cuộc chiến chống khủng bố lại bị cuốn vào một cuộc chiến tranh khác. Ngoài ra, việc một Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Oasinhtơn sau 9 năm gián đoạn, mặc dù không đạt được hiệp định nào về vấn đề Biển Đông, nhưng ít nhất cũng cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường lòng tin và hiểu biết quân sự Trung-Mỹ đều được hai bên thừa nhận.

Chỉ cần quan hệ Trung-Mỹ duy trì tính linh hoạt, Philíppin muốn lôi kéo Mỹ “xuống nước” cũng không phải là một việc dễ dàng. Phải biết rằng, Mỹ là nước lớn toàn cầu, trong khi Trung Quốc lại là nước lớn khu vực, còn Philíppin? Khi Trung Quốc và Mỹ có thể tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, hoặc khi Trung Quốc có đủ biện pháp chống lại việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông, một trật tự Biển Đông do Trung Quốc chủ đạo sẽ không còn xa nữa.

Ngày 9/5/2012, giàn khoan biển sâu đầu tiên của Trung Quốc đã khoan thành công tại Biển Đông, điều này đánh dấu việc Trung Quốc độc lập khai thác dầu khí tại Biển Đông đã bước vào một giai đoạn mới, điều quan trọng hơn đây là tiêu chí chính trị có tính quản lý hữu hiệu.

Đối đầu tại đảo Scarborough, rõ ràng là một lần khảo nghiệm quản lý khủng hoảng của Trung Quốc, cũng là lần thử nghiệm giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển khác trong tương lai, đặc biệt là sự kiểm nghiệm đối với việc Trung Quốc đi theo hướng nước lớn trí tuệ và có tầm nhìn xa./.

Theo Tuần tin tức Trung Quốc

Nguyễn Hùng (gt)