RFI đưa tin, vụ cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 chưa lắng, Trung Quốc lại tiếp tục quấy nhiễu một chiếc tàu khảo sát khác của Việt Nam. Theo tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 1/6, vụ sách nhiễu mới xảy ra sáng 31/5 tại khu vực thểm lục địa phía Nam, thuộc chủ quyền Việt Nam, không xa mỏ Đại Hùng, cách Vũng Tàu khoảng 270 km. Một chiếc tàu khảo sát địa chấn mang tên Viking 2 do Việt Nam thuê để thăm dò vùng biển thuộc khu vực này, khi đang làm việc thì bị hai chiếc tàu không rõ quốc tịch đến quấy rối. Theo báo Tuổi Trẻ, mặc dù được gặng hỏi bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nhưng hai chiếc tàu nói trên không trả lời.

Một viên chức thuộc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam PTSC, đơn vị đã thuê chiếc Viking 2, đã xác nhận với báo Tuổi Trẻ vụ sách nhiễu, và cho biết thêm là tàu bảo vệ của Việt Nam tháp tùng theo chiếc Viking 2 đã áp sát được một chiếc tàu quấy rối và ghi nhận được tên chiếc tàu đó là Fei Sheng 16. Còn chiếc thứ hai không thấy tên, chỉ có một số hiệu là BI 2549.

Nguồn tin trên còn tiết lộ là các chiếc tàu lạ kể trên đã bắt đầu xuất hiện để quấy rối tàu Viking 2 từ tối 29/5, buộc tàu này phải điều hai tàu bảo vệ đến hiện trường và thậm chí phải bắn pháo hiệu cảnh báo.

Theo báo Tuổi Trẻ, tàu Viking 2 treo cờ Na Uy, nhưng thuộc tập đoàn Pháp CGG Veritas. Riêng Tàu Viking 2 thì đang thực hiện khảo sát địa chấn cho hãng IDEMITSU của Nhật, đã ký hợp đồng khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tại lô 05-1D. Ngày 20/5 vừa qua, CGG Veritas đã loan báo việc ký kết thỏa thuận với PTSC để thành lập liên doanh chuyên thăm dò địa chất ngoài biển khơi mang tên PTSC CGG Veritas Geophysical Survey Company Limited, với PTSC nắm 51% phần hùn, và CGGVeritas giữ 49% còn lại. Lãnh vực hoạt động của liên doanh này là khảo sát địa chấn 2D và 3D, phục vụ các hãng dầu khí chủ yếu hoạt động tại VN và trong khu vực. Theo bản thông cáo báo chí của CGG Veritas, trong liên doanh này, phía Pháp đóng góp chiếc tầu khảo sát 3D Amadeus, còn phía VN là chiếc tàu khảo sát 2D Bình Minh 2.

Trong khi đó, theo RFA, chiều 31/5 thêm bốn tàu đánh bắt cá ngừ đăng ký ở Phú Yên đã bị 3 tàu hải quân Trung Quốc nổ súng uy hiếp ở vị trí gần đảo Đá Đông Quần đảo Trường Sa thuộc Tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể khu vực đánh bắt của ngư dân ở tọa độ 8 độ 56 phút vĩ độ bắc, 112 độ 45 phút kinh độ đông.

Cùng ngày 31/5 Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 cho biết 1 tàu cá Quảng Bình đã bị tàu hàng không rõ xuất xứ đâm chìm. Tàu cá lúc đó đang họat động ở gần đảo Cồn Cỏ Tỉnh Quảng Trị. 5 Trong số 6 ngư dân trên tàu đã được cứu sống.

Đồng thời, cũng trong chiều 31/5 một thuyền trưởng tàu cá tỉnh Quảng Ngãi khi về bến đã báo cáo có thêm một tàu cá của huyện đảo Lý Sơn đang bị Trung Quốc bắt giữ cùng với 10 ngư dân. Vụ việc xảy ra từ ngày 15/5, tàu cá bị bắt là của anh Huỳnh Công Nhiệm ở Xã An Hải. Như vậy trong tháng 5 đã có bốn tàu Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ trong khi đánh bắt trên Biển Đông thuộc khu vực chủ quyền Việt Nam.

Phản ứng và dư luận về vụ ba tàu hải giám của TQ cắt dây cáp thăm dò của tàu VN:

Tại Việt Nam, trong những ngày qua, lời kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc được truyền qua các phương tiện như Facebook và điện thoại di động. Cụ thể, lời kêu gọi này kêu gọi mọi người tham gia biểu tình vào 8 giờ sáng ngày 5/6 tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích của cuộc biểu tình là phản đối TQ xâm phạm lãnh hải Việt Nam qua vụ Bình Minh 02 của Petro Vietnam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí hồi ngày 26/5 vừa rồi.

Trong khi đó, theo VOA, ngày 1/6, DPA trích lời ông Trần Công Trục, cựu Trưởng ban biên giới chính phủ Việt Nam nói “Việt Nam phải đưa vụ việc này ra trước các cơ quan tài phán quốc tế, kể cả Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển”. Giáo sư Hoàng Việt, giảng dạy tại Đại Học Luật, thành phố Hồ Chí Minh, mô tả hành động của Trung Quốc là một sự vi phạm Công Ước Quốc tế về Luật Biển mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều đặt bút ký kết. Ông Hoàng Việt nói giải quyết vụ tranh chấp qua trung gian các tòa án quốc tế là một giải pháp khả thi.

Chuyên gia Việt Nam Carl Thayer từ Úc châu nói Trung Quốc lâu nay đã tăng cường khẳng định chủ quyền Biển Đông bằng hoạt động của các tàu hải giám. "Vụ này cho thấy sự gây hấn nghiêm trọng của tàu Trung Quốc, nhất là khi các tàu này cố tình cắt dây cáp của tàu khảo sát địa chấn Việt Nam". Theo ông Thayer, sự nghiêm trọng của vụ việc tăng lên gấp bội vì tàu Bình Minh 02 hoạt động sâu trong khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam. "Nó cho thấy Trung Quốc nay tuyên bố chủ quyền ngay trong EEZ của Việt Nam, về phía Tây của đường chín đoạn". Ông Thayer nhận định Hà Nội bị buộc phải lên tiếng về vụ này, có thể là vì sắp có hội nghị an ninh khu vực. "Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách mạnh bạo như vừa rồi, thì Việt Nam có thể sẽ buộc phải điều tàu chiến ra bảo vệ các tàu thăm dò và nguy cơ bùng nổ đụng độ vũ trang sẽ là rất lớn".

Vụ vụ tàu Việt Nam bị cắt cáp, tờ Asahi Shimbun của Nhật ngày 1/6 cho rằng hành động này coi như một cố gắng của Trung Quốc nhằm kiếm soát các vùng biển trong vòng tranh chấp, dựa trên thế mạnh kinh tế và quân sự của mình, bằng cách nới rộng các hoạt động hàng hải trên vùng Biển Đông. Tờ Asahi Shimbun trích lời ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc PVN, nói rằng vụ phá hoại thiết bị của Trung Quốc là một hành động cố ý và có chuẩn bị trước. Tờ Asahi Shimbun nói rằng cuộc tranh chấp chủ quyền vùng biển Đông có phần chắc sẽ là một đề tài lớn trong hội nghị quy tụ các Bộ trưởng Quốc phòng và các chuyên gia Nhật, Trung Quốc, Mỹ với các nước hội viên ASEAN và Liên hiệp Châu Âu sẽ được tổ chức tại Singapore, bắt đầu từ ngày 3/6. Đề tài này cũng sẽ được đưa vào nghị trình của Diễn Đàn Khu Vực ASEAN vào tháng 7, một diễn đàn để thảo luận các vấn đề an ninh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Asahi bình luận rằng Bắc Kinh muốn chấm dứt tình trạng bị cô lập trong các vấn đề chủ quyền, trong khi Mỹ ngày càng tỏ ra thân cận với các nước trong khu vực. Cứng rắn về quân sự nhưng lại tăng cường nỗ lực ngoại giao chính là chính sách "cây gậy và củ cà rốt" mà giới ngoại giao nói Bắc Kinh đang thực hiện lúc này.

 

NCBĐ (tổng hợp)

 

 

Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết này, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.