Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa lâu nay vẫn nhất trí mục tiêu tham vọng có được một Trung Quốc hòa bình ở một khu vực châu Á thịnh vượng mang các giá trị nhân quyền được Mỹ ủng hộ. Họ cũng thường bác bỏ ý tưởng theo đuổi một chiến lược ngăn chặn Trung Quốc và thay vào đó tiếp tục ủng hộ chiến lược can dự toàn diện và cân bằng đã được các Chính quyền Cộng hòa và Dân chủ theo đuổi từ thời Chiến tranh Lạnh. Mặc dù Trung Quốc thường được Mỹ và phương Tây coi là đối thủ cạnh tranh ngang hàng nhất, nhưng viễn cảnh về một cuộc xung đột quân sự Mỹ-Trung Quốc trong thời gian tới vẫn không đáng kể. Trong lịch sử, các cường quốc đã xác lập vị thế khó có thể nhượng bộ một cường quốc đang lên. Vì vậy, các quan chức Mỹ rất lo ngại trước những tác động của sự phát triển ở Trung Quốc đối với cán cân sức mạnh toàn cầu và khu vực cũng như hiệu quả của các tổ chức được Mỹ hậu thuẫn. Trên một số lĩnh vực, Trung Quốc tạo ra cho châu Á một số thách thức giống như Đức tạo ra cho châu Âu từ năm 1870-1945. Dân số khổng lồ và nền kinh tế mới năng động khiến Trung Quốc có khát vọng trở thành bá quyền khu vực. Nếu Trung Quốc xây dựng được sức mạnh quân sự tiềm tàng, chắc chắn các nước láng giềng của Trung Quốc không thể bảo vệ lợi ích của họ nếu không có sự giúp đỡ của một cường quốc bên ngoài. Trong thế kỷ 20, các nhà lãnh đạo chính trị của Trung Quốc dường như không hài lòng với vị thế của Trung Quốc trong trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này trở nên phức tạp bởi thực tế Trung Quốc chưa giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng Thái Bình Dương của họ. Sức mạnh quân sự tiềm tàng và chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho thấy các nước láng giềng của Trung Quốc và Oasinhtơn phải xem xét khả năng Trung Quốc trở thành bá quyền khu vực và làm sao để ngăn chặn tham vọng đó của Bắc Kinh. Các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi chính quyền hai nước phát triển một hình thức quan hệ mới nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh nữa trong thời kỳ quá độ từ cường quốc đang lên thành cường quốc được xác lập vị thế. Trong nỗ lực này, các nhà hoạch định chính sách Mỹ có một số ưu thế so với Trung Quốc. Trước hết, Mỹ có nhiều đồng minh quốc phòng và các đối tác an ninh, trong khi Trung Quốc chỉ có một số ít. Thứ hai, Trung Quốc đang cố gắng thâm nhập hệ thống các tổ chức khu vực và toàn cầu do Mỹ xây dựng trên cơ sở các giá trị của Mỹ. Các nguyên tắc tự do mở của trật tự này đã giúp Bắc Kinh dễ dàng thâm nhập, nhưng sự giàu có, hiệu quả và tính phổ biến rộng rãi của hệ thống khiến Trung Quốc không thể thay thế nếu không có một cuộc chiến tranh lớn. 

Một số nhà quan sát cho rằng một Chính phủ Trung Quốc dân chủ thực sự sẽ ít đe dọa các nước láng giềng hơn chế độ hiện nay. Họ nhận định nói chung các chế độ dân chủ thường theo đuổi chính sách đối ngoại ít hung hăng hơn các nước độc tài vì có sự kiểm soát và cân bằng nội bộ, sự do dự của dân chúng trong việc chi tiêu tiền bạc cho các cuộc xâm lược quân sự, sự tôn trọng của họ đối với quyền công dân của các nhà nước khác. Những lập luận này có thể đúng, nhưng những trở ngại kinh tế và chính trị đáng kể đang ngăn cản Trung Quốc trở thành một nền dân chủ tự do trong vài thập kỷ tới. Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền kiên quyết chống lại các cải cách dân chủ vì nhiều lý do khác nhau, từ sự bảo toàn lãnh thổ đến mối lo ngại về ổn định của đất nước. Trong khi đó, giới lãnh đạo kinh doanh Trung Quốc, kể cả khu vực tư nhân, vẫn không sẵn sàng và không thể thách thức giới lãnh đạo chính trị cũng như chế độ Bắc Kinh. Những người bảo vệ nền hòa bình dân chủ cũng xác nhận rằng hòa bình chỉ có được khi cả hai bên đều là các nền dân chủ tự do. Ngay cả khi Trung Quốc dân chủ hóa, không ai có thể bảo đảm rằng ở các nước còn lại của châu Á trong năm 2020 sẽ chỉ tồn tại các chế độ dân chủ tự do kiểu phương Tây. Vì nhiều lý do khác nhau, Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí Nhật Bản đã đoạn tuyệt với quá khứ độc tài, trong khi Mianma và Bắc Triều Tiên có thể tiếp tục không có dân chủ. Ngoài ra, mặc dù một số người cho rằng một Trung Quốc hoàn toàn dân chủ sẽ yêu chuộng hòa bình, nhưng một Trung Quốc đang trong quá trình dân chủ hóa là một câu chuyện khác. Giới phân tích của các nhà nước chuyển từ độc tài sang dân chủ cho biết các nhà lãnh đạo của họ có động cơ mạnh mẽ trong việc theo đuổi các chính sách đối ngoại tích cực để có được sự hỗ trợ chính trị từ những người dân tộc chủ nghĩa và các thể chế độc quyền như quân đội. Nhiều nhà lý luận về quan hệ quốc tế khác tin tưởng rằng sự phát triển kinh tế hơn nữa của Trung Quốc sẽ làm cho một chế độ độc tài có xu hướng ít theo đuổi các chính sách xét lại. Thậm chí các chính phủ phi dân chủ sẽ nhận ra rằng để tiếp tục được hưởng các lợi ích của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cũng như để tránh các biện pháp trừng phạt, họ phải kiềm chế các tham vọng chính sách đối ngoại. Nhưng thực tế, kinh tế càng phát triển, Trung Quốc càng lúng túng khi tiến vào nền kinh tế quốc tế. Các quan chức Trung Quốc càng ít khả năng hành động, họ càng khó tiếp cận các công nghệ, thương mại và đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, do trước đây phương Tây không có khả năng áp đặt các biện pháp cấm vận tập thể hiệu quả hoặc kéo dài chống Trung Quốc, nên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng họ sẽ chỉ phải chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế một phần và ngắn hạn khi sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hoặc thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc ở Đông Á. 

Ngoài ra, khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự do các tính toán sai lầm vẫn luôn tồn tại. Một thế hệ các nhà lãnh đạo mới chuẩn bị ra đời ở Bắc Kinh và sau khi Tổng thống Barack Obama tái cử ngày 7/11, Oasinhtơn sẽ chứng kiến ít nhất một số thay đổi vị trí chính sách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Điều này sẽ làm tăng triển vọng của các cam kết mới của Mỹ ở Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và nhiều nơi khác khi cả Mỹ và Trung Quốc đều cố gắng đánh giá ý đồ và quyết tâm của nhau. Mặc dù các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căng thẳng Trung-Mỹ như Đài Loan, các hoạt động tuần tra quân sự của hải quân Mỹ ở vùng biển gần Trung Quốc và phát triển quân sự… bị đánh giá thấp, nhưng chúng không được hai bên giải quyết. Bên cạnh đó, mặc dù động cơ bá quyền khu vực của Trung Quốc không gây nên một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ và các nước khác, nhưng nó có thể đe dọa trật tự khu vực và gây thiệt hại nghiêm trọng nền kinh tế của Đông Á. Nếu Mỹ làm ngơ trước những hành động của Trung Quốc chống các nước đồng minh và các đối tác của Mỹ trong khu vực, điều đó sẽ làm mất uy tín của Oasinhtơn như một người bảo đảm sự ổn định của khu vực Đông Á. Các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể tìm cách thúc đẩy an ninh của họ bằng nhiều cách khác, chẳng hạn mua sắm các loại vũ khí hạt nhân, từ đó sẽ làm mất ổn định hơn nữa trong khu vực. Vì tất cả những lý do đó, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải tiếp tục tìm cách ngăn chặn Trung Quốc âm mưu sử dụng vũ lực để chiếm đoạt các khu vực lãnh thổ tranh chấp. Tương tự, Mỹ phải tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy dân chủ và cải cách kinh tế ở Trung Quốc. Nhưng sức mạnh hiện nay của Mỹ trên lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực khác có hạn, Oasinhtơn phải hợp tác với các nước đồng minh khu vực kịp thời chống lại những hậu quả xấu. Oasinhtơn thường tin tưởng các giá trị của Mỹ và sức mạnh của người dân Trung Quốc có thể buộc chế độ Bắc Kinh thực hiện các cải cách tự do. Nhưng Mỹ cũng phải là người bảo đảm chống lại các khả năng mất ổn định khu vực do sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể gây nên trong tương lai. 

Richard Weitz là nhà nghiên cứu cao cấp và Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Vấn đề Chính trị - Quân sự của Viện Hudson. Bài viết đăng tại Worldpoliticsreview.


Thuỳ Anh(gt)