Cuộc tập trận chung lần đầu tiên trong lịch sử giữa lực lượng đặc nhiệm của Quân Giải phóng Trung Quốc và Lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia, mang tên “Sharp Knife 2011”, bắt đầu hôm 4/6 và kết thúc hôm 17/6.

Trong phát biểu tại lễ bế mạc, Phó TTMT Quân đội Trung Quốc Hou Shusen nói rằng cuộc tập trận chung và quan hệ giữa hai nước là rất quan trọng, cho dù cuộc tập trận chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có quy mô khá nhỏ.

Ông Hou nói rằng, Trung Quốc có quan hệ quân sự tương tự với các nước khác và mối quan hệ đó giúp củng cố sự tin cậy lẫn nhau. “Cuộc tập trận này đã mở rộng sự hợp tác quân sự của chúng ta và mở ra một kênh giao lưu mới”, “có ý nghĩa đối với công cuộc hiện đại hóa của cả hai quân đội. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục các giao lưu như thế trong tương lai”. Cuộc diễn tập đã nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng đặc nhiệm của cả hai bên, và chiến thuật mà họ học được có thể áp dụng trong các cuộc chiến đấu trên thực tế chống khủng bố trong tương lai. “Trung Quốc là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và chính phủ Trung Quốc giành ưu tiên to lớn cho hợp tác quốc tế chống khủng bố”.

Thiếu tướng Dudiman, Phó TTL Lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia nói rằng cuộc diễn tập chung lần đầu tiên là “sự lựa chọn đúng đắn” của hai nước và hai quân đội. “Mặc dù quân đội hai nước có những truyền thống khác nhau nhưng cuộc tập trận này có tầm quan trọng to lớn trong việc tăng cường hợp tác về an ninh, giúp nâng cao tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”.

50 chỉ huy và binh sĩ của Quân Giải phóng Trung Quốc đã tham gia 3 giai đoạn của cuộc tập trận gồm giao lưu và thao diễn, huấn luyện khả năng phối hợp và diễn tập tổng hợp. Phần chính của tập trận là các tác chiến chống khủng bố, giải cứu con tin.

Cuộc tập trận này nhằm mục đích tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa hai quân đội.

Indonesia nằm ở giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, góp phần tạo nên Eo biển Malacca, con đường biển tối quan trọng cho hàng hải quốc tế ở Biển Đông. Đây cũng là nước có số dân theo đạo Hồi và Hoa kiều lớn nhất.

Ông Su Hao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quản lý xung đột thuộc ĐH Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, nhiều nguồn cung ứng của Trung Quốc, trong đó có nhập khẩu dầu, được vận chuyển qua Eo biển Malacca. Trung Quốc muốn hợp tác nhiều hơn với các nước khác để bảo đảm an ninh ở Biển Đông và an ninh ở eo biển này. Indonesia hiện là Chủ tịch ASEAN và sẽ là địa điểm của hội nghị ASEAN trong năm 2011. Indonesia hy vọng đóng vai trò tích cực và xây dựng trong khu vực để thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc hiếm khi tham gia tập trận chung với các nước Đông Nam Á, và cuộc tập trận mới đây với Indonesia là trường hợp đầu tiên giữa hai nước. Trung Quốc đã tham gia cuộc Tập trận cứu hộ thảm họa của ARF do Indonesia và Nhật tổ chức ở Bắc Sulawesi, Indonesia hồi tháng 3/2011. Cuộc tập trận đó rất quan trọng. “Cả hai hoạt động này sẽ đóng góp nhiều cho việc cải thiện hình ảnh của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á”.

Theo China Daily

Hoàng Nam (Tổng Hợp)