Trung Quốc từ nhiều năm nay nói đi nói lại là tất cả các đảo ở Biển Đông là của họ. Và Trung Quốc đánh lận giữa khái niệm vùng nước lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế. Tham vọng xác lập vị trí ở Biển Đông của Trung Quốc không phải là mới, nhưng tham vọng đó đang có bước chuyển đáng lo ngại, thể hiện qua các hành động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough, nơi chỉ cách bờ biển Philippines có 120 hải lý. Báo chí và dư luận Trung Quốc còn kêu gọi hãy tỏ chứng tỏ sức mạnh và hãy dùng vũ lực chiếm lấy khu vực này. Những vụ việc như thế này rất dễ dẫn đến xung đột. Nguy cơ không chỉ xuất phát từ những xung đột có chủ ý mà còn cả từ những va chạm không được giải quyết ổn thỏa, ví dụ như từ việc các ngư dân Trung Quốc vốn thường có thói quen sử dụng phương tiện đánh bắt ít mang tính hợp pháp: dùng thuốc nổ, đánh bắt các loài hải sản trong danh sách bảo vệ…. Trong khi đó, lực lượng quân sự các nước, kể cả Trung Quốc và các nước khác, chưa thật sự đạt được sự chín chắn cần thiết trong tác chiến.

Bên cạnh đó, cần đặt những gì diễn ra ở Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu rộng hơn. Từ vài năm nay, Trung Quốc ngày càng gây sức ép nhiều hơn, thậm chí ngạo nghễ hơn, trong một vùng biển mà Trung Quốc vẫn coi hoàn toàn là ao nhà của họ. Điều đó đẩy các nước ít nhiều đều muốn có được ủng hộ rõ rệt hơn của Mỹ và bản thân Mỹ cũng đang cố gắng tăng cường hiện diện quân sự ở đây. Ngoài các động thái ở Philippines, Mỹ cũng đang thương thảo với Việt Nam để sử dụng cảng Cam Ranh. Tuy nhiên, những mâu thuẫn sâu sắc trong ASEAN đã làm cho Hội nghị đầu tháng 7 này Phnom Penh lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN không ra được được Tuyên bố cuối cùng.

Tuy vậy, những động thái của Trung Quốc có vẻ như rất trái ngược nhau vì Trung Quốc càng hành động càng đẩy các nước ASEAN vào trong vòng tay Washington. Nhưng không loại trừ đó là những phép thử để xem Mỹ có thể đi đến đâu, trong khi biết rằng Mỹ đang bước vào giai đoạn tranh cử kéo dài trong nhiều tháng, do đó rất khó phản ứng cho dù các sự kiện có thể diễn ra trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, cũng không thể quên việc Trung Quốc đang ở trong thời kỳ thay đổi lãnh đạo. Những cuộc đấu tranh nội bộ của Trung Quốc có vẻ rất căng thẳng, thể hiện qua việc Trung Quốc trở lại thắt chặt kiểm duyệt. Trong khi đó, phương Tây vẫn thường ít quan tâm đến những vấn đề này so với những vấn đề của các nhân vật bất đồng chính kiến, những vấn đề lại không có mấy tác động ở Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, tất cả những động thái có thể gắn kết dân chúng Trung Quốc chống lại một “kẻ thù” bên ngoài rất được hoan nghênh.

Theo “Afaires-stratégiques” (ngày 20/7)

Viết Tuấn (gt)