Tình trạng bạo lực tại Dải Gada, diễn ra khi Tổng thống Barack Obama đang gặp các nhà lãnh đạo châu Á tại Phnôm Pênh (Campuchia), đã đẩy Mỹ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thay vì có thể tập trung chuyển hướng chính sách đối ngoại của Mỹ sang châu Á, ông Obama đã buộc phải trò chuyện trong nhiều giờ với các nhà lãnh đạo Ai Cập và Ixraen, đồng thời cử Ngoại trưởng Hillary Clinton từ châu Á sang Trung Đông để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gada.

Trong số hai tiêu điểm địa chính trị đang yêu cầu sự chú ý của Mỹ, châu Á đại diện cho tương lai và Trung Đông đại diện cho quá khứ. Trong khi châu Á đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch vận động bầu cử tống thống Mỹ, được đánh dấu bằng việc đề cập đến sự trỗi dậy của Trung Quốc, Trung Đông đang khiến nước Mỹ sa lầy trong nhiều thập kỷ. Ngoài cuộc xung đột Ixraen-Palextin, sự bất ổn của Irắc, "Mùa xuân Arập", cuộc nội chiến tại Xyri và tranh cãi hạt nhân với Iran đều đang đòi hỏi sự chú ý của Mỹ.

Nếu cuộc khủng hoảng Iran nổ ra, sự chuyển hướng sang châu Á sẽ không còn là ưu tiên chính sách đối ngoại chủ chốt của Mỹ. Nhưng nếu vấn đề Iran được giải quyết thông qua ngoại giao, Trung Đông sẽ có tầm quan trọng thấp hơn, đúng như mong muốn của ông Obama. Vì thế, vấn đề là liệu Mỹ có để bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh nữa tại Trung Đông - khu vực mà Mỹ ngày càng ít phụ thuộc vào năng lượng hơn - hay không.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khí đốt và dầu mỏ đá phiến đang khiến Mỹ có thể trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2020 và quốc gia sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới vào năm 2030. Điều này sẽ có những tác động toàn cầu lớn. Đối với Mỹ, việc tự cung cấp được năng lượng đang là cái cớ hoàn hảo để rút lui theo từng giai đoạn khỏi Trung Đông. Việc thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng có thể giúp Mỹ tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương.

Mặc dù việc duy trì giá năng lượng toàn cầu ổn định và liên minh với Ixraen đồng nghĩa với việc Mỹ không thể hoàn toàn quay lưng lại với những khó khăn tại Trung Đông, nhưng sự chuyển hướng trục chiến lược sang châu Á được bắt đầu ngay từ đầu nhiệm kỳ đầu của ông Obama. Và sau khi tái đắc cử, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Obama là tới Mianma, Thái Lan và Campuchia, một lựa chọn khiến Trung Quốc quan ngại do cả ba quốc gia trên đều là thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Châu Á đang có mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhưng việc xử lý những căng thẳng chủ nghĩa dân tộc của khu vực đang đòi hỏi việc thành lập các cấu trúc an ninh cùng với sự liên kết kinh tế chặt chẽ hơn. Nhân tố làm phức tạp vấn đề hơn nữa là sự "không tin tưởng chiến lược". Tạo dựng sự tin tưởng chiến lược giữa các cường quốc hàng đầu của thế kỷ 21 sẽ là nền tảng cho sự vận hành hòa hợp của hệ thống quốc tế.

Sau các cuộc bầu cử vào tháng 1/2013 tại Ixraen, Iran sẽ lại trở thành nhân tố hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của ông Obama. Sự can thiệp quân sự tại Iran sẽ châm ngòi không chỉ bất ổn khu vực mà còn bất ổn toàn cầu. Thế giới Arập, Nga và Trung Quốc sẽ buộc phải chọn phe, khiến các mối quan hệ toàn cầu giữa các cực quyền lực khác nhau cũng như tình hình tại Thái Bình Dương trở nên căng thẳng. Vì thế, Trung Quốc có lợi ích chiến lược lớn trong việc hợp tác với Mỹ để tránh một cuộc chiến Iran.

Giải pháp hòa bình cho vấn đề Iran sẽ giúp Mỹ hoàn toàn chuyển hướng sang châu Á. Trung Quốc có thể không mong muốn kết quả này, nhưng lợi ích sống còn của Bắc Kinh trong việc đảm bảo an toàn các nguồn cung cấp năng lượng tại Trung Đông có thể buộc Trung Quốc phải hợp tác. Rốt cục, một cuộc xung đột Trung Đông nữa sẽ đầu độc và bóp méo các quan hệ trong khu vực trong nhiều thập kỷ, gây ra những hậu quả tồi tệ nhất cho cả Mỹ và Trung Quốc.

Theo Project syndicate

Trần Quang (gt)