Dự kiến ngày 26/5, “Dầu khí Hải dương 981” bắt đầu được lai dắt từ Thượng Hải tới khu vực biển thuộc quần đảo Châu Sơn (Chiết Giang) để tiến hành lắp đặt các trang thiết bị cuối cùng. Một ngày sau khi nhận “Dầu khí Hải dương 981”, CNOOC lại được bàn giao chiếc tàu cẩu để lắp đặt đường ống dẫn dầu khí mang tên “Dầu khí Hải dương 201”. 

Sự xuất hiện của hàng loạt công trình hải dương quan trọng, đạt trình độ tiên tiến thế giới này không chỉ giúp cho ngành dầu khí Trung Quốc tiến từ thềm lục địa ra biển sâu, tăng cường an ninh năng lượng, mà còn tạo điều kiện cho Trung Quốc giành quyền chủ động trong khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Theo báo trên, hiện nay, nhiều giếng dầu lớn trong đất liền của Trung Quốc đã khai thác được hơn 30 năm và sắp rơi vào tình trạng giảm sút sản lượng. Vì thế, trọng điểm khai thác dầu khí tương lai của Trung Quốc là ngoài khơi. Thực tế cũng cho thấy gần 10 năm lại đây, một nửa sản lượng dầu mỏ tăng của Trung Quốc đến từ biển. Năm 2010, tỷ lệ này đã lên tới gần 80%.

Trong khi đó, Biển Đông là khu vực có nhiều tài nguyên dầu khí. Với diện tích 3,6 triệu km2, Biển Đông chiếm 2/3 tổng diện tích biển của Trung Quốc. Năm 1957, lần đầu tiên Trung Quốc phát hiện dầu khí ở bồn địa Oanh Ca Hải tại Biển Đông. Vào những năm 1960, Trung Quốc đã tiến hành khoan giếng dầu đầu tiên tại đây. Tới mùa hè năm 2010, ở Biển Đông đã phát hiện được hơn 200 cấu tạo chứa dầu khí và có 180 giếng dầu. Những giếng dầu này cơ bản nằm ở khu vực biển có độ sâu từ 500 mét tới 2.000 mét. 

So với Bột Hải, lượng tài nguyên dầu khí Trung Quốc khai thác được ở Biển Đông chưa nhiều, song tại đây lại liên tiếp phát hiện những mỏ dầu khí lớn. CNOOC đã tiến hành khoan thăm dò và phát hiện mỏ khí nước sâu Lệ Loan 3-1. Đây là mỏ khí trên biển lớn nhất, sâu nhất tính tới nay của Trung Quốc, có trữ lượng từ 100 tỷ đến 150 tỷ m3 khí. Với khoản đầu tư lên tới 30,5 tỷ Nhân dân tệ, dự kiến đến cuối năm 2013, Lệ Loan 3-1 sẽ đi vào sản xuất, cho sản lượng hàng năm đạt từ 5 tỷ đến 8 tỷ m3 khí. Năm 2010, CNOOC còn phát hiện được thêm 2 mỏ mới là Lưu Hoa 34-2 ở độ sâu 1.145 mét và Lưu Hoa 29-1 ở độ sâu khoảng 720 mét. Ước tính trữ lượng của mỏ Lưu Hoa 29-1 còn hơn cả trữ lượng của mỏ Lệ Loan 3-1.

Trước đây, trang thiết bị khai thác dầu khí ngoài biển do Trung Quốc chế tạo chỉ đạt trình độ thế hệ 2, thế hệ 3 của thế giới. Bị bó hẹp bởi hạn chế đó, Trung Quốc chỉ có khả năng thăm dò khai thác ở vùng biển có độ sâu từ 300 mét trở lại. 

Nhưng hiện nay, với “Dầu khí Hải dương 981” và “Dầu khí Hải dương 201”, Trung Quốc có thể tăng cường mạnh mẽ năng lực khai thác dầu khí ở Biển Đông. Dự kiến tới thời kỳ cuối của Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm lần thứ 12, lượng dầu khí mà Trung Quốc khai thác được từ Biển Đông mỗi năm có thể đạt 35 triệu tấn và Biển Đông sẽ trở thành nơi khai thác năng lượng chủ yếu của Trung Quốc

Theo Nhật Báo Ma Cao

TT(gt)