Trung Quốc sẽ là nước chủ trì Hội nghị G20 năm 2016. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đóng vai trò nước chủ nhà tổ chức một trong những diễn đàn hợp tác kinh tế lớn nhất thế giới. Diễn đàn G20 là nơi để Trung Quốc, với vai trò là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, hình thành một phương thức mới quản trị nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc hiện đang mong muốn thay đổi hình thức quản trị nền kinh tế toàn cầu “truyền thống” bằng tiến trình tại diễn đàn các nền kinh tế BRICS và việc hình thành Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á.

Ngay tại thời điểm này, Trung Quốc sẽ không tiến hành theo kiểu “để tất cả trứng vào cùng một giỏ” mà sẽ theo khuynh hướng thực dụng, vừa tranh thủ các lợi ích hiện hữu đồng thời vẫn duy trì các mục tiêu lâu dài. Hội nghị G20 là cơ hội tốt để Trung Quốc nâng cao vị thế của mình đối với việc xây dựng nền quản trị kinh tế toàn cầu mới trong khi vẫn duy trì những thành tố cơ bản của nền quản trị hiện hữu.

Có ba yếu tố chính thúc đẩy sự tham dự ngày càng tăng của Trung Quốc trong quản trị kinh tế toàn cầu. Đầu tiên, đó là làm gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc (cũng như một số nền kinh tế mới nổi) trong nền kinh tế thế giới. Các cấu trúc quản trị hiện nay không còn phù hợp khi so sánh với thực tế phân phối trọng lượng kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI. Do đó cần có một sự điều chỉnh để tạo cân bằng thực tế hơn với thực trạng kinh tế hiện đại.

Thứ hai, việc có nhiều quốc gia đại diện và có ảnh hưởng đến nền kinh tế, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều khả năng điều chỉnh sự phát triển trong tương lai của quản trị kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ là mối đe dọa tiềm ẩn đến lợi ích của Trung Quốc trong tương lai.

Thứ ba, việc tham gia xây dựng nền quản trị mới sẽ chứng tỏ “thiện chí” của Trung Quốc như một thành viên có trách nhiệm, thuyết phục các quốc gia khác về sự trỗi dậy hòa bình về cả kinh tế và chính trị, thực hiện cam kết luôn ủng hộ các nước đang phát triển. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang nỗ lực nhằm nâng năng lực quốc gia trong ngoại giao kinh tế và quản trị.

Không có câu trả lời đơn giản về việc Trung Quốc làm thế nào để có thể điều chỉnh hướng phát triển hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu. Trung Quốc có ba lựa chọn chính: thông qua việc gia tăng sự tham gia với các thành viên quản trị “truyền thống”, hoặc tập trung nhiều hơn hoạt động tại diễn đàn BRICS hoặc tương tự; hoặc có thể không tham gia bất kỳ mộ mô hình quản trị nào. Tuy nhiên, với tính chất phụ thuộc và ràng buộc chặt chẽ hiện nay giữa các nền kinh tế, lựa chọn cuối cùng này tất nhiên ít có khả năng xảy ra. Và tất nhiên, Trung Quốc sẽ không chọn theo hẳn một lựa chọn nào mà sẽ theo từng thời điểm và tính lợi ích để có thể kết hợp các lựa chọn trên trong cách tiếp cận của mình.

Một diễn đàn quốc tế có tiềm năng để là một công cụ quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực đóng vai trò lớn hơn trong quản trị kinh tế toàn cầu, đó chính là G20. G20 được thành lập để thúc đẩy sự hòa nhập tích cực hơn của các nền kinh tế mới nổi trong kiến trúc quản trị kinh tế toàn cầu hiện tại. G20 cũng cung cấp Trung Quốc một số cơ hội để định hình nền quản trị kinh tế toàn cầu. Đầu tiên, đối với G20, Trung Quốc là một thành viên cũ với đầy đủ vai trò và chức năng kể từ năm 1999. Bên cạnh đó, tại Hội nghị G20, Trung Quốc được tham gia với các thành viên G20 để phát triển “vai trò lãnh đạo quan trọng hơn” đối với nền kinh tế toàn cầu. Một thách thức đặc biệt đối với Trung Quốc là làm thế nào định hướng và hình thành nền quản trị mới trong khi vẫn duy trì tạm thời hệ thống quản trị đã phục vụ chủ yếu là Trung Quốc trong ba thập kỷ qua.

Giới chức Trung Quốc rất ý thức về các mối quan tâm quốc tế xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc và câu hỏi liệu đây thật sự có phải là một sự trỗi dậy hòa bình hay không. Do đó, việc sử dụng diễn đàn G20 với sự “mở rộng” không gian đa phương, Trung Quốc đang tranh thủ xây dựng lòng tin với các nền kinh tế lớn. Thế hệ lãnh đạo của Tập Cận Bình đã chứng tỏ sự sẵn sàng để được tham gia tích cực hơn trong chính sách ngoại giao kinh tế. Cao Hổ Thành, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, đã viết về sự cần thiết theo đuổi chính sách ngoại giao kinh tế ở “cấp cao hơn” nhằm có “những điều kiện thuận lợi bên ngoài”, góp phần xây dựng “giấc mơ Trung Quốc” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc có động lực phát triển để theo đuổi quy luật kinh tế toàn cầu thuận lợi hơn cho nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, không nên mong đợi một sự thay đổi nhanh chóng và ngay lập tức với các tổ chức và nền quản trị hiện có. Quá trình BRICS còn đóng góp khiêm tốn nhưng đây là biểu tượng của sự thay đổi tiềm năng do Trung Quốc dẫn đầu nhằm đa dạng hóa quản trị kinh tế toàn cầu.

G20 đã tạo cơ hội cho Trung Quốc khi kế thừa di sản của nền quản trị Bretton Woods và nhân tố mới của diễn đàn mới BRICS, vừa duy trì các thành tố cơ bản của nền quản trị hiện tại, đồng thời nâng cao năng lực để định hướng, hình thành nền quản trị mới.

Theo Lowy Institute

Trần Quang (gt)