Sự đóng góp của Trung Quốc trên toàn thế giới là không giới hạn thông qua việc đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa. Hiện tại, Trung Quốc đứng trên Mỹ về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo tỉ giá sức mua tương đương. Trung Quốc đang tìm cách đóng vai trò hàng đầu trong các tổ chức quốc tế như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và các quan hệ song phương. Sớm muộn, Trung Quốc sẽ tung ra gói kích thích kinh tế có thể sánh ngang với chương trình nới lỏng định lượng do Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ thực hiện. 

Mỹ hiện rất lo ngại về khả năng tái lập quan hệ giữa Trung Quốc, Nga và một số nước thành viên trong EU. Phóng viên nổi tiếng người Brazil Pepe Escobar đánh giá Trung Quốc hiện có nhiều tàu hỏa vận chuyển hàng hóa từ bờ biển Thái Bình Dương đến Madrid. Tuyến đường thương mại mới là dự án đầy hứa hẹn đã được hoạch định nhằm thúc đẩy thương mại thế giới. Tuyến đường này nối liền các vùng lãnh thổ Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Ba Lan, Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Tuyến đường Nghĩa Ô - Madrid chạy suốt khu vực Á-Âu chứng tỏ sự khởi đầu một chiều hướng thay đổi trò chơi địa chính trị mới và một ví dụ sinh động về sự hội nhập Á-Âu năng động. Theo Pepe Escobar, chiến lược “Con đường tơ lụa” được thực hiện trong bối cảnh hợp tác được tăng cường giữa các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và hợp tác được thúc đẩy trong các nước thành viên SCO. Không ngạc nhiên khi xuất hiện quan điểm ở khu vực Nam Mỹ rằng trong lúc Mỹ bị kéo vào cuộc chiến tranh bất tận của mình thì thế giới đang chuyển hướng sang phía Đông. Escobar cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hợp tác quân sự, năng lượng Nga-Trung. Nhà báo này nhận định Nga đang quay trở lại học thuyết an ninh tập thể ở châu Á “như một trụ cột tiềm năng cho quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga”. 

Chắc chắn Trung Quốc sẽ tạo ra động lực mới cho những nỗ lực ngoại giao của mình ở châu Âu. Tháng 11/2011, Trung Quốc đã đề xuất một sáng kiến mới về vấn đề này. Trước năm 2008, hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở châu Âu chủ yếu tập trung vào việc mua các công ty, tập đoàn, kể cả thị trường chứng khoán trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Chính sách này được bổ sung thêm bằng sáng kiến mới được đưa ra vào mùa Thu năm 2011 khi Bắc Kinh đề nghị với Brussels về khoản cứu trợ tài chính trị giá 100 tỷ USD để đổi lấy một số nhượng bộ. Những nhượng bộ đó bao gồm tăng cường vị thế của Trung Quốc trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc (hiện lệnh cấm vận của châu Âu vẫn còn hiệu lực với sự ủng hộ mạnh mẽ của Anh, Thụy Điển, Hà Lan trong khi Đức, Pháp thể hiện chính sách linh hoạt hơn trong vấn đề này). Cùng với gói viện trợ tài chính, Bắc Kinh cam kết mở cửa thị trường của mình cho các nhà sản xuất châu Âu như một cách để hỗ trợ ngành công nghiệp của Lục địa già trong thời điểm khó khăn. 
Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận ít nhất một trong những nhượng bộ đã được liệt kê. Sáng kiến gộp đồng nhân dân tệ vào SDR (Quyền rút vốn đặc biệt, tài sản dự trữ ngoại hối bổ sung được quy định và duy trì bởi IMF) là vấn đề nổi bật. Hiện nay, thành phần của Quyền rút vốn được xác định bằng bốn loại tiền tệ chính: đồng USD, đồng euro, đồng bảng Anh và đồng yên Nhật. Với việc bổ sung thêm đồng nhân dân tệ vào thành phần này, Trung Quốc muốn “mua lại” quyền phủ quyết trong IMF, định chế tài chính phục vụ như một công cụ chính trong việc bảo vệ lợi ích trên toàn thế giới của Mỹ. 
Rõ ràng, châu Âu đã tham khảo Mỹ về vấn đề này. Phản ứng trước đề nghị cứu trợ tài chính là tiêu cực. Brussels cho rằng đề xuất của Bắc Kinh là điều “xấu hổ” và nguy hiểm và EU bắt đầu một vòng chiến tranh thương mại mới với Trung Quốc. Tháng 6/2013, Ủy ban châu Âu tăng thuế đối với các tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc từ 8,6% lên lên mức 47,6%, trong hai tháng. Hàng năm, Trung Quốc xuất khẩu các tấm pin mặt trời trị giá 20 tỷ USD cho EU. Theo số liệu năm 2013, công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng xanh Yingli và Công ty trách nhiệm hữu hạn năng lượng Trina là những công ty hàng đầu trong sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Cuộc chiến tranh thương mại đi ngược lại lợi ích của EU, đặt 20.000 công ăn việc làm và 27,2 tỷ euro vào vòng nguy hiểm. 

Phản ứng trước các bước đi đã được Ủy ban châu Âu thực hiện (các biện pháp chống Trung Quốc chủ yếu được vận động hành lang bởi Pháp, Tây Ban Nha và Italy), Trung Quốc đã đề xuất sáng kiến hành động áp thuế chống bán phá giá nhằm vào các nhà sản xuất rượu vang của châu Âu với cáo buộc EU trợ cấp bất hợp pháp. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đón tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Berlin. Vì một lý do nào đó, bà đã thất bại (hoặc cũng có thể là không muốn) trong việc ngăn chặn diễn biến xung đột thêm nữa. Đức là thị trường châu Âu lớn nhất cho tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Thủ tướng Đức cam kết Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Cũng vào thời điểm đó, quyết định của Ủy ban châu Âu áp đặt các khoản thuế đối với tấm pin mặt trời vẫn có hiệu lực. Châu Âu vẫn nhớ rằng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với tấm pin mặt trời không được tiến hành ở châu Âu mà tại Mỹ. Các nhà sản xuất thiết bị thuộc Tập đoàn viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc đã bị bổ sung vào danh sách các công ty phải đối mặt với điều tra của EU về hành vi bán phá giá. Rõ ràng, những sự kiện này đi ngược lại lợi ích của EU. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU chỉ sau Mỹ. Theo số liệu năm 2013, thương mại của EU với Mỹ vào khoảng 483,926 tỷ euro (chiếm 14,2% tổng thương mại) so với 428,062 tỷ euro với Trung Quốc (chiếm 12,5% tổng thương mại). Trung Quốc dẫn trước Mỹ về nhập khẩu hàng châu Âu, số lượng nhập khẩu chiếm 297,931 tỷ euro (16,6%) so với 195,964 tỷ (11,6%) của Mỹ. Nhập khẩu của Mỹ vào châu Âu cũng đứng sau Nga chiếm 206,581 tỷ euro (12,3% tổng hàng hóa châu Âu nhập khẩu). 

Về mặt chính thức, EU khẳng định sẵn sàng ký kết thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu diễn ra từ ngày 18-19/12/2014 khẳng định châu Âu sẵn sàng ký kết Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ vào cuối năm 2015. Về phần mình, Washington muốn đẩy nhanh thủ tục và khiến châu Âu ràng buộc mạnh hơn vào TTIP vì 2016 là năm diễn ra bầu cử tổng thống và chiến dịch tranh cử trước bầu cử có thể làm phức tạp quá trình đàm phán. Cần phải nhớ rằng phe phản đối thỏa thuận đang giành lợi thế ở châu Âu. Hơn một triệu người đã ký vào thỉnh nguyện thư kêu gọi ngừng đàm phán TTIP với Mỹ. Sáng kiến của Công dân châu Âu (ECI) là một trong những sáng kiến quan trọng của Hiệp ước Lisbon 2009. Sáng kiến này cho phép một triệu công dân châu Âu, là công dân của ít nhất một phần tư các nước thành viên, gọi điện trực tiếp đến Ủy ban châu Âu để đề xuất một hành động pháp lý trong linh vực mà các nước thành viên đã ủy quyền cho EU. 

Đặc biệt, những người kiến nghị cho rằng TTIP sẽ đặt thị trường năng lượng châu Âu dưới sự kiểm soát của Mỹ. Mỹ sẽ tận dụng lợi thế độc quyền đã được tạo dựng để khiến châu Âu nhập khẩu dầu đá phiến của nước này, vốn đắt hơn khí đốt tự nhiên được Nga sản xuất. Đáng chú ý, thời điểm các nhà lãnh đạo EU quyết định khởi động Kế hoạch Đầu tư cũng sẽ “cởi trói” cho các khoản đầu tư công và tư nhân trong nền kinh tế thực tế ít nhất là 315 tỷ bảng trong ba năm liên tiếp (2015-2017). Đây là thời điểm thuận lợi để nhớ về những hứa hẹn đầy triển vọng cho các khoản đầu tư đến từ Nga và Trung Quốc. 

Nền kinh tế của EU đã không tăng trưởng trong năm 2014. Một số người gọi đó là “nền kinh tế tiêu cực”. Có lẽ sẽ là tốt hơn nếu nói rằng kinh tế châu Âu đã đạt đến độ nhất định. Theo kết quả cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu GALLUP thực hiện, 51% người dân Anh muốn London rời khỏi EU. Kết quả thăm dò trong toàn châu Âu cho thấy Anh là nước duy nhất mà hầu hết người được hỏi muốn nước mình rút khỏi EU. Hơn 1/4 cử tri Pháp, Đức, Italy muốn ra khỏi EU. 1/3 người dân Hy Lạp, 42% người Hà Lan cũng có ý muốn tương tự. Chủ yếu các ngân hàng và chủ ngân hàng bị đổ lỗi cho những vấn đề rắc rối về kinh tế của châu Âu. 

Tờ “The Guardian” của Anh đã cảnh báo đồng euro đang trên bờ vực sụp đổ mới. Biên tập viên về kinh tế Larry Elliot (The Guardian) nhận định Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ lớn phải đối mặt với những vấn đề mới. Người dân Hy Lạp đã có quá nhiều khó khăn (việc lên nắm quyền sắp tới của lực lượng cánh tả là điều chắc chắn). Mọi điều hầu như cũng không tốt hơn ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy và Bỉ. Nếu tình hình không chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn thì sau đó “doanh nghiệp và niềm tin tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Lo ngại về các khoản nợ xấu của các ngân hàng mong manh của châu Âu một lần nữa sẽ lại nhen nhóm”. 

Báo cáo do các chuyên gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng nói lên những điều tương tự. Tháng 10/2014, nền kinh tế tụt dốc trong Eurozone và ở Anh. Tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn là vấn đề nghiêm trọng. Năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp là 10,5%, giảm 0,4% so với năm 2013. Sự cải thiện là không mấy đáng kể. Yếu tố tiêu cực chính là sự khởi đầu suy thoái kinh tế mang tính kỹ thuật ở Đức. Tháng 10/2014, báo cáo chung của các viện nghiên cứu DIW, IWH, IFO, RWI đã đưa ra dự báo về kinh tế. Theo nhật báo kinh tế Handelsblatt, sự suy thoái kinh tế mang tính kỹ thuật ở Đức có thể đã bắt đầu trong quý II, III năm 2014. Ví dụ, các đơn đặt hàng đã giảm 5,7% trong khi sản lượng công nghiệp giảm 4%. Một trong những lý do đó là cuộc chiến trừng phạt với Nga. Các chuyên gia Đức nhận định đây là một cuộc suy thoái dài hạn. Theo báo cáo của ngân hàng Deutsche, sự suy thoái kinh tế Đức không chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia và tỷ giá hối đoái của đồng euro so với đồng USD với sự tụt giảm xuống 0,95 USD vào năm 2017, khiến đồng tiền chung này trở về mức dưới tỷ suất ngang bằng lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.

Không có gì ngạc nhiên khi một số nước thành viên EU thúc đẩy sự hợp tác với Trung Quốc. Trung Quốc chỉ đáp ứng một cách nửa vời. Thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch thương mại châu Âu là rất đáng kể. Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng hóa lớn thứ tư của Cộng hòa Czech, sau Slovakia và bỏ lại Nga phía sau; là nhà nhập khẩu lớn thứ ba của Hungary (đứng ngay sau Nga) và là nước cung cấp hàng hóa lớn thứ tư cho Ba Lan và Serbia. Theo số liệu sơ bộ, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Trung Âu và Đông Âu trong năm 2014 bằng 48 tỷ bảng, hay lớn hơn 3,9 lần so với năm 2013. 

Hội nghị lần thứ ba các nhà lãnh đạo chính phủ Trung Quốc và các nước Trung Âu, Đông Âu (CEEC) được tổ chức tại Belgrade vào ngày 16-17/12/2014 là một dấu mốc quan trọng trên con đường củng cố vị thế của Trung Quốc ở châu Âu. Đoàn đại biểu Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường dẫn đầu đã nhấn mạnh lợi ích của Bắc Kinh trong việc phát triển hợp tác với các nước Trung Âu và bày tỏ sự ủng hộ đối với đồng tiền mạnh của châu Âu. Chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Belgrade là sự kiện đầu tiên với quy mô như vậy trong 28 năm qua. Đối với những dự án cụ thể, việc hiện đại hóa tuyến đường sắt Belgrade-Budapest là vấn đề chính trong chương trình nghị sự giữa Trung Quốc với Serbia và Hungary trong ký kết thỏa thuận về việc thực hiện dự án này. Việc xây dựng sẽ được hoàn thành trong hai năm để sau đó mở rộng đến Skopje (Macedonia) và xa hơn nữa là đến Athens (Hy Lạp). Tuyến đường sắt, như Thủ tướng Trung Quốc khẳng định, sẽ là một phần của “tuyến đường vận chuyển nhanh trên đất liền và trên biển” giữa Trung Quốc và châu Âu. Thỏa thuận này bao gồm các khoản đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng hải. Tập đoàn vận tải biển lớn Cosco Pacific của Trung Quốc nắm quyền kiểm soát một nửa cảng Piraeus và hiện đang mở rộng hai cảng container. 80% kim ngạch thương mại của Trung Quốc với châu Âu nằm trên tuyến đường vận tải trên biển. Tham dự cuộc họp cấp cao này có Thủ tướng Serbia Alexander Vucic, Thủ tướng Hungary Victor Orban và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh ý định xây dựng tuyến đường vận tải trên đất liền và trên biển nhanh chóng dựa trên tuyến đường sắt Budapest-Belgrade và cảng biển Piraeus của Hy Lạp để nâng cấp kết nối khu vực (dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017). Theo Chính phủ Serbia, tuyến đường sắt sẽ trở thành xương sống cơ sở hạ tầng vận tải nối phần này của châu Âu với Trung Quốc. 

Nội dung chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế của Trung Quốc ở châu Âu. Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh có đủ dự trữ để đáp ứng các nhu cầu kinh tế của Đông Âu. Cụ thể hơn, các nước tham gia hội nghị đã thảo luận về khả năng của khoản vay 7 tỷ USD do Trung Quốc đưa ra với những điều khoản thuận lợi. Tại Diễn đàn kinh tế Trung Quốc-Trung Âu-Ba Lan tổ chức vào năm 2012 ở thủ đô Wacsava (Ba Lan), Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố thành lập hạn mức tín dụng 10 tỷ USD để hỗ trợ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, năng lượng tái tạo ở Trung Âu. 

Hungary và Serbia là những nước chính nhận đầu tư của Trung Quốc ở Trung Âu và Đông Âu. Theo ước tính, Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỷ euro vào các nền kinh tế này. Tính đến năm 2013, Trung Quốc đã đầu tư 300 triệu USD vào Ba Lan, 114 triệu USD vào Romania. Đồng thời, cuối tháng 10, Trung Quốc đã quyết định cho Montenegro vay 687 triệu USD để tài trợ một phần cho tuyến đường sắt cao tốc của nước này. Bắc Kinh cũng đã ký kết thỏa thuận sơ bộ với Bosnia và Herzegovina về việc tài trợ xây dựng tuyến đường cao tốc dài 62 km. Mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên khắp khu vực Balkan. Ngoài dự án nâng cấp cảng Piraeus, lễ khánh thành cầu Danube cũng diễn đồng thời trong thời gian diễn ra cuộc họp của Trung Quốc và các nước Trung Âu và Đông Âu. Cây cầu này dài 1,5 km, chi phí xây dựng là 136,5 triệu euro. Đây là dự án đầu tiên được Trung Quốc tài trợ ở châu Âu đi vào hoạt động. Không nghi ngờ gì, quá trình này sẽ vẫn tiếp tục diễn ra./. 

Theo Quỹ Văn hoá Chiến lược, Nga 

 

Thuỳ Anh (gt)