Ông Hatoyama không còn là nghị sĩ quốc hội, và đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của ông hiện là đảng đối lập, nhưng các tin tức và bức ảnh về chuyến thăm của ông tới khu tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh đã được đăng trên trang nhất của tất cả các báo xuất bản bằng tiếng Anh lẫn tiếng Trung ở Trung Quốc. “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc dẫn lời ông Hatoyama nói: “Tôi xin lỗi vì những tội ác mà các binh sĩ Nhật Bản đã gây ra trong chiến tranh”. Còn cổng thông tin điện tử “Sina” bằng tiếng Trung dẫn lời cựu Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama nói: “Là một người Nhật, tôi cảm thấy có trách nhiệm về thảm kịch này và tôi ở đây để bày tỏ lời xin lỗi chân thành”. 

“Thời báo Hoàn cầu” hoan nghênh nhiệt liệt những phát ngôn của cựu Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama, đặc biệt là quan điểm thừa nhận sự tồn tại của cuộc tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Báo này khẳng định: “Những lời nói và hành động của ông Hatoyama cho thấy bất chấp tình hình căng thẳng, các thế lực thân thiện với Trung Quốc không hề biến mất. Ngoài việc không bao giờ nhường bước trước Nhật Bản cả ở vùng biển lẫn vùng trời quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc có thể phải tìm ra nhiều cách thức để đối phó với Nhật Bản”.

Trước phát ngôn này của ông Hatoyama, hãng tin “Jiji” của Nhật Bản dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera gọi cựu Thủ tướng Hatoyama là “kẻ phản bội” vì ông Hatoyama đã nói rằng Nhật Bản cần phải thừa nhận tồn tại tranh chấp pháp lý với Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, trong các cuộc gặp ở Trung Quốc ngày 16/1, ông Hatoyama cho rằng điều quan trọng là phải thừa nhận quần đảo này là “khu vực tranh chấp”.

Theo mạng tin “Sankei” (Nhật Bản) ngày 17/1, sau khi tuyên bố “quần đảo Senkaku là khu vực tranh chấp” tại cuộc gặp với các quan chức cấp cao Trung Quốc, ông Hatoyama đã đi thăm khu tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh. Mạng tin "Sankei" cho rằng trong bối cảnh tình trạng đối đầu Trung-Nhật liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gia tăng, ông Hatoyama đã thể hiện “tinh thần huynh đệ” mà cá nhân ông đề xướng, và điều đó xem ra đã đáp ứng được “mong mỏi” của Trung Quốc, nhưng lại làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia của Nhật Bản.
Mạng tin "Sankei" cho rằng ông Hatoyama đã bị chính quyền Trung Quốc lợi dụng. Về cơ bản, việc Trung Quốc tiếp đón ông Hatoyama vào thời điểm này không phải là nhằm khôi phục quan hệ Nhật-Trung. Rõ ràng, Trung Quốc thừa hiểu ông Hatoyama không có bất cứ ảnh hưởng nào đối với chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, và một khi Trung Quốc muốn đối thoại với Chính phủ Nhật Bản, sẽ có nhân vật khác ở Nhật Bản - không phải ông Hatoyama - đảm nhận trách nhiệm “nói chuyện phải trái” với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc - vốn không giấu giếm quan điểm cứng rắn đối với Nhật Bản - được cho là đang sử dụng quân bài mang tên “Hatoyama” để vô hiệu hóa chính sách đối ngoại nhằm vào Trung Quốc mà Chính quyền Abe đang triển khai.

Thủ tướng Abe vừa có chuyến công du các nước Đông Nam Á nhằm tranh thủ sự ủng hộ đối với Nhật Bản trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Xét về mặt thời điểm, khi một nhân vật từng giữ chức thủ tướng Nhật Bản tỏ ra “đồng cảm” với các luận điệu của Trung Quốc thì vô hình chung, cộng đồng quốc tế sẽ có ấn tượng rằng Nhật Bản đang có hai luồng dư luận trái chiều về cùng một vấn đề và điều này có nghĩa là những nỗ lực thương thuyết ngoại giao của Thủ tướng Abe có thể bị giảm sút.

Cùng lúc đó, Bắc Kinh dường như đặt mục đích là làm gia tăng trở ngại cho đối thoại Nhật-Trung. Chính phủ Nhật Bản đã cử Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Tự Do (LDP) Masahiko Komura tới Trung Quốc với tư cách đặc phái viên. Trước đó, với việc tổ chức cuộc hội đàm với ông Hatoyama - người được Trung Quốc đánh giá là “ba phải” - Bắc Kinh tung hoang tin rằng “Nhật Bản đã tiếp nhận yêu cầu của Trung Quốc”. Động thái này dường như nhằm gây áp lực đối với ông Komura, buộc Tôkiô phải nhượng bộ trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.

Đồng thời, Trung Quốc cũng loan tin tiếp đón Chủ tịch đảng Công minh Natsuo Yamaguchi. Nhiều khả năng Bắc Kinh cho rằng đảng Công minh - vốn có quan hệ hữu hảo từ lâu với Đảng Cộng sản Trung Quốc - là đối thủ “dễ nhằn” hơn LDP. Có lẽ, Trung Quốc đang muốn tận dụng cơ hội này - tương tự như những gì đã làm với phát ngôn của ông Hatoyama - để từng bước bao vây chính quyền Shinzo Abe.

Theo The Japan Times

Trần Quang (gt)