Ngày 19/10, Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc (NBS) tuyên bố rằng nước này sẽ có các biện pháp đối phó với tác động tiêu cực về mặt kinh tế của việc đứng ngoài Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Ông Sheng Laiyun, người phát ngôn của NBS đã tham gia vào cuộc tranh luận ngày càng sôi nổi tại Bắc Kinh về cái giá của việc đứng ngoài TPP, một hiệp định do Mỹ dẫn đầu mà nhiều người thường gọi là một thỏa thuận “bao gồm tất cả chỉ trừ Trung Quốc”. Cuộc tranh cãi này dấy lên chỉ vài ngày sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận TPP với 11 đối tác thương mại, khi một nhà kinh tế của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ước tính rằng việc mất các cơ hội thương mại có thể làm nước này mất 0,5% tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Ông Sheng cho biết các biện pháp đối phó có thể bao gồm các hiệp định thương mại tự do song phương và nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình để xây dựng “Con đường Tơ lụa mới”, được chính thức biết đến với tên gọi là Kế hoạch “Một Vành đai một Con đường”, nhằm liên kết Trung Quốc và Châu Âu. ông nói thêm rằng “TPP sể có ảnh hưởng nhưng sẽ không lớn trong ngắn hạn. Những hiệp định thương mại song phương, kế hoạch “Một Vành đai Một con đường”, cũng như các khu thương mại tự do mới tại Trung Quốc có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực”.

Tuy nhiên, ông Sheng cũng nói rằng “cần phải rất coi trọng TPP”, nhất là khi 12 thành viên sáng lập của Hiệp định chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Ông cho rằng nếu TPP được thực hiện, mức thuế suất bằng 0 sẽ được áp dụng cho gần 20 loại mặt hàng, và điều đó sẽ gây áp lực nhất định đối với ngoại thương của Trung Quốc.

Trong 3 quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc giảm tương úng 1,8% và 15,1%. Nhập khẩu giảm mạnh là do giá hàng hóa toàn cầu giảm, giúp Trung Quốc duy trì được mức thặng dư thương mại lớn và cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong lúc Bắc Kinh đang cố hết sức để đạt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 7%, một vài quan chức chính phủ Trung Quốc cho rằng tham gia TPP sẽ là cơ hội để thúc đấy cải cách kinh tế và cải cách khu vực nhà nước đang gặp nhiều khó khăn. Vào cuối thập niên 1990, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã dùng việc đàm phán gia nhập WTO để thúc đẩy các chương trình cải cách đầy tham vọng của ông.

Ông Andrew Polk, một nhà kinh tế của Tổ chức nghiên cún Conference Board, chi nhánh tại Bắc Kinh nói: “Vấn đề lớn hơn là TPP có khả năng ép thực hiện cải cách từ sức ép bên ngoài. Chắc chắn những người theo đường lối cải cách trong chính phủ đang tính toán tới yếu tố này”.

ông Ma Jun, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thừa nhận tác động tích cực của “các tiêu chuẩn cao” của TPP về cạnh tranh, bảo vệ môi trường, đầu tư và lao động. Ông có bài bình luận trên tờ báo Tin tức Chứng khoán Thượng Hải nói rằng những cải cách như vậy sẽ nâng cao đáng kể tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Ngân hàng trung ương của Trung Quốc được nhiều người xem là một trong các cơ quan theo xu hướng cải cách nhất ở nước này. Tuy nhiên người đứng đầu ngân hàng này không có được sự độc lập như những người đồng cấp ở các nước khác, bởi vì Quốc vụ viện và Đảng Cộng sản Trung Quốc mới là nơi thông qua cuối cùng những quyết định lớn về chính sách tiền tệ.

Hiệp định TPP được ký kết không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đón Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ, điều này càng cho thấy vị Tổng thống Mỹ đã có một năm tốt đẹp hơn nhiều so với Chủ tịch Trung Quốc. Trong khi ông Obama đã có bước đột phá trong chính sách đối ngoại với Cuba, Iran và nay là TPP thì việc Bắc Kinh can thiệp vào thị trường chứng khoán và phá giá đồng tiền đã đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.

Thế nhưng nếu Hiệp định TPP không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn thì khó khăn của Bắc Kinh chỉ là tạm thời. Trong những người phản đối hiệp định này có bà Hillary Clinton, hiện đang là ứng cử viên tiên phong của Đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống năm 2016. Như ông Sheng nói, việc triển khai thực hiện TPP trên thực tế vẫn có sự không chắc chắn nhất định nào đó.

Theo The Financial Times

Trần Quang (gt)