Theo Reuters, tại Hội nghị quốc tế đang diễn ra tại thủ đô Manila PLP, giới ngoại giao, viên chức an ninh cùng các nhà phân tích cho rằng TQ và các nước ĐNÁ cần tiến đến một thoả thuận pháp lý có tính ràng buộc về cung cách hành xử trên vùng Biển Đông nhằm tránh va chạm và mâu thuẫn.

Dù không trông mong sự căng thẳng trở nên gay cấn hơn, các chuyên gia và viên chức tham dự hội nghị vẫn bày tỏ quan ngại rằng sự cố vẫn có thể xảy ra do sự tăng cường hoạt động quanh khu vực Trường Sa mà TQ, Đài Loan, Brunei, PLP, Malaysia và Việt Nam đang tranh chấp chủ quyền.

Chuyên gia ĐNÁ, Giáo sư Carle Thayer, đại học New South Wales ở Australia, cho rằng tình hình trên Biển Đông đang trở thành khẩn trương mà nếu không có cách ứng phó thì sẽ dẫn đến bất ổn. Tuần trước, chính chuyên gia này đã cảnh báo rằng những sự kiện bất ổn trên biển Biển Đông có thể đưa tới một cuộc chiến ở châu Á.

Tờ Yomiuri ngày 7/7 đưa tin Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đang đến gần, tuy nhiên các nước ASEAN đang bộc lộ sự không thống nhất trong đối phó với TQ về vấn đề Biển Đông. ASEAN thực hiện nguyên tắc quyết định trên cơ sở đồng thuận. Trong thời điểm hiện tại, về vấn đề đối phó với TQ ở Biển Đông, sự đồng thuận có thể là “thúc đẩy sự cạn dự của Mỹ vào khu vực và giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đàm phán đa phương”. Tuy nhiên, trong đối phó với TQ ở Biển Đông, ASEAN đang thể hiện sự chia rẽ. Trong ASEAN, các nước có tranh chấp lãnh thổ với TQ ở Biển Đông như VN trong tháng 5/2011 bị tàu Hải giám TQ xâm phạm lãnh hải và cắt cáp tàu thăm dò (của Việt Nam) và PLP cũng bị TQ gây tổn hại, có lập trường cứng rắn với TQ muốn ASEAN khẳng định lại nhận thức chung đó và nâng “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” thành “Bộ quy tắc ứng xử”. Tuy nhiên, các nước không có tranh chấp với TQ như CPC, Lào, Myanmar và bị phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với TQ lại muốn giữ im lặng. Nguồn tin ngoại giao cho biết các nước có tranh chấp với TQ lo ngại nếu ASEAN không có sự thống nhất trong đối phó với TQ, thì có thể TQ lại có những hành động xâm phạm nữa. Sự chia rẽ trong ASEAN về vấn đề đối phó với TQ ở Biển Đông đang ảnh hưởng đến việc nâng tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông thành bộ quy tắc ứng xử.

Còn tờ Jakarta Post ngày 7/7 cho rằng Indonesia nên sử dụng diễn đàn khu vực và vị trí lãnh đạo của mình trong ASEAN để giúp giảm căng thẳng giữa TQ và các nước láng giềng ĐNÁ tại Biển Đông. Chuyên gia về ASEAN, Dewi Fortuna Anwar đã đưa ra một số ý tưởng có thể được sử dụng để xoa dịu cuộc xung đột tại quần đảo Trường Sa. Trước hết, tất cả các bên phải kiềm chế triển khai lực lượng quân sự để đòi ưu sách. Hai là tất cả các nước ASEAN có liên quan nên đẩy mạnh cam kết đối với các nguyên tắc chủ đạo và các văn bản liên quan đến Biển Đông và bắt đầu làm việc để có một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc (COC). Nếu không có một cam kết mang tính ràng buộc phù hợp, rất khó có thể giải quyết những căng thẳng ngày càng nóng giữa các nước ASEAN. Ngoài ra, ASEAN nên tiến hành hoặc khởi động lại các cuộc hội thảo về Biển Đông như một phần của biện pháp xây dựng lòng tin và xác định các khu vực hợp tác. Cuối cùng, tranh chấp chủ quyền nên được hoãn lại và nỗ lực tìm phương thức mới để quản lý và phát triển chung khu vực Biển Đông nên được nghiên cứu thêm. Giám đốc điều hành Habibie Center, Rahimah Abdulrahim cho rằng, Indonesia không nên đổ thêm dầu vào lửa, mà nên duy trì sự khách quan trong cuộc xung đột. Một số chuyên gia đề xuất, Indonesia nên khuyến khích TQ thảo luận đa phương thay vì song phương để thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và ngăn chặn sự hiểu nhầm.

Theo VOA ngày 7/7, những người PLP ở nước ngoài đang chuẩn bị thực hiện một cuộc phản kháng toàn cầu với các cuộc biểu tình ở nhiều nơi trên thế giới nhằm phản đối TQ. Bản tin hôm 7/7 của tờ Asia Journal ở New York cho biết các cuộc biểu tình chống TQ về vấn đề Biển Đông sẽ diễn ra vào ngày 8/7 trước các lãnh sự quán TQ ở Mỹ, Canada, Australia và PLP. Riêng tại Mỹ, các cuộc biểu tình được tổ chức tại 5 thành phố lớn là New York, Washington DC, Chicago, Los Angeles, và San Francisco.

Ngày 6/7, phát biểu tại cuộc họp báo ở New York, bà Loida Nicolas-Lewis, một trong những người đứng ra tổ chức cuộc phản kháng này nói rằng “TQ đang chèn ép PLP” nên cộng đồng người PLP ở hải ngoại phải đứng lên để bảo vệ tổ quốc. Đây sẽ là cuộc biểu tình toàn cầu đầu tiên của người PLP về vấn đề Biển Đông.

Những người tổ chức cho biết mục đích của họ là phơi bày trước công luận thế giới việc TQ không thể hiện cam kết đối với ASEAN là giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình thông qua thương lượng.

Trong khi đó, theo Đài Bắc Kinh, ngày 7/7, tại Bắc Kinh, NFN/BNG/TQ Hồng Lỗi cho biết, NT/TQ Dương Khiết Trì trong cuộc hội đàm với NT/NB mới đây đã tái khẳng định lập trường nguyên tắc của TQ trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh đường hàng hải trên vùng biển chung quanh TQ và NB cũng như chung quanh châu Á luôn luôn thông suốt, tự do hàng hải được bảo đảm. Cùng ngày, trả lời các phóng viên, ông Lỗi cho biết NB lâu nay là một trong những bên được hưởng lợi chủ yếu trong tự do hàng hải trên vùng biển chung quanh trong đó có Biển Đông, nắm rõ tình hình thực tế nhất trên vùng biển liên quan.

Văn Cường (tổng hợp)

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.