Thông tin về tàu nạo vét Tian Jing Hao tại Biển Đông do AISLive cung cấp cho thấy chiếc tàu này đã di chuyến giữa các đá tại Biển Đông kể từ tháng 9/2013. Nguồn: Bing/China Merchants Heavy Industry Shenzhen Co./IHS.

Việc theo dõi GPS một tàu nạo vét thông qua dữ liệu AISLive đã khẳng định tuyên bố của Philippines rằng Trung Quốc đã cho cải tạo đất tại năm địa điểm, ít nhất từ tháng 9/2013.

Nạo vét là một phần của kế hoạch cải tạo đất trên quy mô lớn được thực hiện bởi Trung Quốc trên một số rạn san hô và bãi cát ngầm mà nước này kiểm soát trong quần đảo Trường Sa. Việc xây dựng rõ ràng đã vi phạm tuyên bố ứng xử mà tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông đã ký kết, tuy nhiên phía Trung Quốc bác bỏ bất kỳ lời chỉ trích nào về các hoạt động của nước này bằng cách nói rằng các rạn san hô là lãnh thổ “không thể tranh cãi” của Trung Quốc và do đó có thể được cải tạo khi Bắc Kinh thấy phù hợp.

Tàu Tian Jing Hao là một tàu biển nạo vét hút cắt dài 127m được thiết kế bởi công ty kỹ thuật VOSTA LMG của Đức. Với trọng lượng 6,017 tấn, nó được ghi nhận là tàu lớn nhất thuộc loại này ở Châu Á. Tàu này đã hoạt động trên Đá Châu Viên/Cuarteron Reef (hay còn gọi là Calderon Reef, hoặc Huayang Jiao); Đá Gaven/Gaven Reef (hay còn gọi là Nanxun Jiao và Xinan Jiao, và Đá Lạc, Burgos); Cụm Sinh Tồn/Union Reefs (đặc biệt là ở Đá Gạc Ma/Johnson South Reef và Bãi cạn Cô Lin/Johnson North Reef), và tại Đá Chữ Thập/Fiery Cross Reef.

Theo dõi của AISLive đối với các hoạt động của tàu Tian Jing Hao ở Biển Đông kể từ tháng 9 năm 2013

Đá Châu Viên/Cuateron Reef

9-28/9/2013, 4-8/3/2014, 10/4/2014 – 22/5/2014

Cụm Sinh Tồn – phía Bắc/Union Reefs South

17/12/2013 – 3/3/2014

Cụm Sinh Tồn – phía Nam/Union Reefs North

20/3/2014 – 3/4/2014

Đá Chữ Thập/Fiery Cross Reef

7-14/12/2013, và 9-17/3/2014

Đá Gaven/Gaven Reefs

24/5/2014 – 15/6/2014

 

Được cấp giấy phép xây dựng bởi xưởng Công nghiệp nặng Trung Quốc ở Thẩm Quyến và khởi động vào đầu năm 2010, tàu Tian Jing Hao hiện vận hành dưới sự quản lý của công ty nạo vét CCCC Thiên Tân. Công ty này triển khai một máy cắt với công suất 4.200 kW dưới đáy biển, và lượng đất bùn sẽ được xử lý thông qua đường ống dẫn trên bờ để cải tạo đất hoặc cho vào xà lan chở bùn bỏ ra khơi.

Chi tiết kế hoạch được đưa ra bởi Viện Nghiên cứu và Thiết kế Số 9 của Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc mô tả một căn cứ quân sự có thể có của Trung Quốc tại các vùng đất được cải tạo trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. (Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc)

Tàu có thể triển khai máy cắt đến độ sâu 30m, với tốc độ khai thác 4.500m3 mỗi giờ, điều này khiến nó trở thành công cụ lý tưởng cho các hoạt động nạo vét quy mô lớn.

Theo số liệu của AISLive, các tàu nạo vét đã đến Đá Gaven/Gaven Reefs từ ngày 24/5. Điều này chứng thực các thông tin ban đầu từ các quan chức Philippines khi họ nói với IHS Jane rằng có ba tàu hút bùn – bao gồm tàu Tian Jing Hao và một tàu khác được gọi là Nina Hai Tuo – tại Đá Gaven/Gaven Reef cùng với một chiếc tàu kéo lớn.

Theo các quan chức Philippines, dựa trên những hình ảnh chụp trên không của hải quân về các khu vực được nhắc đến, tàu Tian Jing Hao đang vận chuyển “vật liệu dưới đáy biển đến một khu vực đang cải tạo đất”. Báo cáo của quân đội Philippines nói rằng “các hoạt động cải tạo đất tại Đá Gaven/Geven Reefs dự kiến sẽ kéo dài từ một tháng trở lên, trừ phi có những tác động cản trở từ môi trường.”

Kế hoạch của CGI mô tả một đường băng, nhà chứa máy bay cho các loại máy bay phản lực nhanh, một cảng biển, tua-bin gió, và nhà kính. (Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc)

Quá trình theo dõi của AISLive đối với các hoạt động của tàu Tian Jing Hao ở Biển Đông cho thấy chiếc tàu này đã di chuyển giữa các rạn san hô kể từ ngày 17/12/2013. Hình ảnh vệ tinh cung cấp cho IHS Jane khẳng định tàu này đã hoạt động ở Đá Gạc Ma/Johnson South Reef – một phần của Cụm Sinh Tồn/Union Reefs – vào tháng 2 và tháng 3 năm 2014. Các tàu khác cũng có thể đã có mặt tại các khu vực này, nhưng không xác định được bởi nhiễu rađa và sóng bao phủ.

Nhận định

Trung Quốc đã hiện diện trên rất nhiều rạn san hô kể từ cuối những năm 1980, khi họ bắt đầu xây dựng các cơ sở nền móng dưới chiêu bài “giám sát mực nước biển”. Đá Chữ Thập/Fiery Cross Reef là một trong những ví dụ tiêu biểu, tuy nhiên kể từ đó, cơ sở nền móng tại đây đã được phát triển thành một đơn vị đồn trú hải quân Trung Quốc, với đầy đủ bến tàu, nhà kính và pháo binh ven biển.

Trong trường hợp của Đá Gạc Ma/Johnson South Reef, Trung Quốc chiếm lấy rạn san hô này từ sự kiểm soát của Việt Nam vào năm 1988 trong một cuộc giao tranh khiến hơn 70 người Việt Nam thiệt mạng. Kể từ khi những hình ảnh cải tạo đất ở các rạn san hô được công bố tháng 5 năm 2014, trên mạng internet đã xuất hiện thông tin về các kế hoạch xây dựng một đường băng, nhà chứa máy bay cho các loại máy bay phản lực nhanh, một cảng biển, tua-bin gió, và nhà kính. Kế hoạch này được công bố lần đầu vào năm 2012 và sau đó được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu và Thiết kế Số 9 thuộc Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc, tuy nhiên sau đó trang web của viện đã gỡ bỏ thông tin về kế hoạch này.

Điều quan trọng cần lưu ý đó là không chỉ có mình Trung Quốc thực hiện cải tạo đất tại các đảo mà nước này kiểm soát tại Biển Đông. Việt Nam đã thay đổi đáng kể Đảo Song Tử Tây/Southwest Cay, xây dựng thêm một bến cảng và tiến hành các hoạt động tương tự trên các thực thể khác trong 10 năm qua. Đài Loan đang kiểm soát đảo Ba Bình/Itu Aba (Taiping), đã cho xây dựng một đường băng và hiện đang nâng cấp các cơ sở hải quân của mình. Philippines cũng đã công bế kế hoạch nâng cấp sân bay và bến tàu trên Đảo Thị Tứ/Thitu (Pagasa), mặc dù nguồn lực vẫn là một vấn đề lớn đối với Manila.

Sự khác biệt chính giữa các hoạt động này so với những gì mà Trung Quốc đang làm đó là các bên khác thay đổi trên nền những vùng đất hiện có, trong khi Bắc Kinh đang xây dựng các đảo trên nền các rạn san hô phần lớn nằm dưới mực nước biển khi thuỷ triều lên.

Tác động chiến lược từ việc nạo vét và cải tạo đất của Trung Quốc đã khiến động thái này của Bắc Kinh trở thành sự thay đổi đáng kể nhất đối với tranh chấp Biển Đông kể từ năm 1988 sau trận chiến Đá Gạc Ma/Johnson South Reef. Nếu được hoàn thành như đã đề ra theo các mẫu thiết kế CGI, Trung Quốc sẽ có đường băng đầu tiên tại quần đảo Trường Sa – và một căn cứ để từ đó áp đặt cách diễn giải của mình về chủ quyền đối với các thực thể xung quanh.

Phía Philippines cũng đã nhận ra diễn biến này. Abigail Valte, Phó phát ngôn của Tổng thống đã nói với các phóng viên vào ngày 13/6 rằng người Trung Quốc đã “rất hung hăng khi theo đuổi việc mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông (Phillippines gọi là Biển Tây Philippines), và rõ ràng, các bước đó là nhằm thúc đẩy lý thuyết về đường chín đoạn của họ.”

Đáp lại, Philippines đã kêu gọi một lệnh tạm ngừng xây dựng ở các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc phản ứng lại vào ngày 16/6, bác bỏ các đề xuất và cáo buộc Manila là đạo đức giả. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ ra rằng “một mặt, Manila cho xây dựng các cơ sở tại quần đảo Trường Sa “nhưng mặt khác, lại đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về những gì hợp pháp mà Trung Quốc thực hiện trong phạm vi quyền chủ quyền của mình”, bà nói. “Điều đó hoàn toàn vô lý.”

Bài viết được đăng trên trang IHS Jane’s 360. Bản dịch tiếng Việt của Mai Xương Ngọc, đăng trên trang The Pacific Chronicle.

Quang Tiệp (gt)