Sự kiện này đánh dấu việc lần đầu tiên Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng Đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác một cách bất hợp pháp. Đây là hành động bất ngờ bởi mối quan hệ giữa Trung Quốc - Việt Nam có vẻ đang tiến triển kể từ chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào hồi tháng 10 năm ngoái. Tại thời điểm đó có vẻ như hai nuớc đã đạt được một cam kết nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận về các vấn đề trên biển. Động thái này của Trung Quốc là khá bất ngờ bởi Việt Nam chưa có bất cứ một hành động mang tính khiêu khích nào để Trung Quốc có thể viện cớ đáp trả bằng những hành động chưa từng thấy này.

Việc triển khai giàn khoan của Trung Quốc mang tính khiêu khích bởi nó được hộ tống bởi hơn 80 tàu, trong đó có 7 tàu chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Khi Việt Nam đưa các tàu Cảnh sát Biển ra bảo vệ quyền chủ quyền trên vùng EEZ của mình thì Trung Quốc lập tức đáp trả  bằng cách ra lệnh cho tàu của mình sử dụng vòi rồng và cố ý đâm tàu Việt Nam. Những hành động này không chỉ rất nguy hiểm mà còn gây ra thương tích cho thủy thủ Việt Nam.

Những hành động này của Trung Quốc là không tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh đã biện minh cho những hành động của mình bằng cách tuyên bố các hoạt động của giàn khoan nằm  trong "lãnh hải" của Trung Quốc và không liên quan tới Việt Nam. Nói cách khác, Trung Quốc đã “học” Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Sensaku để áp dụng vào Biển Đông qua việc khẳng định nước này không có tranh chấp với Việt Nam.

Trung Quốc đã thể hiện quan điểm bất nhất trong giải quyết các tranh chấp. Với Nhật Bản, Trung Quốc khiêu khích bằng việc sử dụng các tàu bán quân sự và máy bay để thách thức sự kiểm soát thực tế quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Trung Quốc tìm cách để Tokyo thừa nhận rằng Senkaku là quần đảo có tranh chấp. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại hành xử giống như Nhật Bản đó là từ chối thừa nhận rằng có tranh chấp pháp lý giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vụ việc dàn khoan tại Lô 143.

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh chỉ trả lời một cách chung chung, mà không đưa ra được lập luận pháp lý cụ thể nào cho các hành động của Trung Quốc. Lập luận rằng giàn khoan HD-981 hoạt động trong “vùng lãnh hải” thuộc chủ quyền Trung Quốc là không hề có bất cứ căn cứ pháp lý nào, vì trên thực tế Trung Quốc không sở hữu thực thể nào cách Lô 143 này 12 hải lý để làm cơ sở cho khẳng định trên. Tuyên bố của Trung Quốc muốn nhắc tới Hoàng Sa chứ không phải Hải Nam như một cơ sở cho yêu sách của mình.

Sự mập mờ của Trung Quốc đã khiến giới học giả và giới phân tích suy đoán về khả năng pháp lý mà Trung Quốc vin vào. Năm 1996, Trung Quốc đã vẽ một đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa, trong đó có Đảo Tri Tôn. Giới học giả cho rằng Trung Quốc vin vào đảo Tri Tôn để mở rộng thềm lục địa cũng như vùng EEZ của mình.

Nhưng một số khác lại cho rằng đường cơ sở Trung Quốc vẽ năm 1996 không tuân theo Điều 8 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nên không thể  được sử dụng để mở rộng yêu sách pháp lý với Lô 143.

Ngay kể cả khi quan điểm đầu tiên được chấp nhận thì giả thuyết vùng EEZ của Trung Quốc đã chồng lấn với vùng EEZ của Việt Nam, do đó đây sẽ là vùng có tranh chấp pháp lý. Trong trường hợp này, luật pháp quốc tế yêu cầu hai bên cần tham gia các đàm phán để thống nhất các điều khoản, tránh dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và không được có các hành vi làm thay đổi hiện trạng. Như vậy khẳng định rằng hành vi đặt giàn khoan với đội 80 tàu hộ tống tại Lô 143 đã vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.

Các nhà phân tích đang xác định động cơ cũng như mục tiêu hiện tại của Trung Quốc cho hành vi hiếu chiến này. Theo đó có ba giải thích được đưa ra.

Một, việc đặt giàn khoan HD981 trong Lô 143 thuộc thềm lục địa của Việt Nam là hành động đáp trả của Trung Quốc đối với bộ Luật biển được Việt Nam ban hành năm 2012. Trước khi Quốc Hội Việt Nam thông qua bộ Luật này, Trung Quốc đã nhiều lần tạo sức ép chính trị lên chính quyền Hà Nội để ngăn chặn sự việc nhưng không thành. Kết quả là ngay sau khi bộ luật được đưa vào thực thi, Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã công bố một danh sách thầu gồm nhiều lô trên Biển Đông chồng lấn với các lô thuộc vùng EEZ hợp pháp của Việt Nam.

Theo cách giải thích này, tình hình hiện tại chính là hệ quả của việc CNOOC bám trụ và khai thác các lô theo kế hoạch đặt ra ban đầu. Theo quan điểm của CNOOC, Lô 143 thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Quan điểm của Trung Quốc cho rằng các hoạt động khai thác thương mại ở Lô 143 sẽ làm vô hiệu hóa tuyên bố của Việt Nam về quyền tài phán và quyền chủ quyền của mình tại vùng biển này. 

Giả thuyết này đặt ra câu hỏi về quy mô cũng như thành phần của hạm đội 80 hộ tống gian khoan. Rõ ràng, đây không phải mục tiêu kinh tế đơn thuần mà là hành động phủ đầu để ngăn cản Việt Nam bảo vệ vùng Đặc quyền kinh tế của mình.

Các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cũng đã dẫn lời quan chức CNOOC tiết lộ rằng họ được lệnh đặt giàn khoan tại Lô 143, bất chấp mối nghi ngại của công ty đối với mục đích thương mại. Các quan chức CNOOC đã tính đến cái giá để duy trì giàn khoan hoạt động cho tới giữa tháng 8 theo kế hoạch. Nhiều nhà quan sát cũng nhận định rằng rằng tiềm năng khai thác thăm dò thành công kho dầu khí trong khu vực này là khá thấp. 

Giả thuyết thứ hai đó là, Trung Quốc đang hành động nhằm vào hoạt động khai thác của ExxonMobil, công ty khai thác dầu khí khổng lồ của Mỹ được Việt Nam giao cho quản lý và khai thác các lô dầu khí gần đó.

Nhưng giả thuyết này cũng khó xảy ra. ExxonMobil đã hoạt động tại Lô 119 từ năm 2011. Cho dù Trung Quốc từng phản ứng tiêu cực trước việc ExxonMobil giành hợp đồng khai thác khu vực dầu mỏ trên, nhưng nước này không hề có những động thái phản đối trong những tháng gần đây. 

Cũng chưa thể sáng tỏ được việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Lô 143 sẽ cản trở như thế nào đối với hoạt động của ExxonMobil ở các khu vực lân cận.

Sau cùng, hành động của Trung Quốc có vẻ cũng không phù hợp và rất có thể sẽ phản tác dụng. Lô 143 có vẻ không trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ. Nhưng nếu Trung Quốc cản trở ExxonMobil thì đây sẽ là một thách thức trực tiếp đến tuyên bố của Chính quyền Obama rằng lợi ích quốc gia của Mỹ bao gồm "thương mại hợp pháp không bị cản trở".

Cách giải thích thứ ba - được công bố lần đầu tiên trong Báo cáo Nelson (6/5/2014) - lập luận rằng các hành động của Trung Quốc đã được lên kế hoạch từ trước nhằm đáp trả chuyến thăm gần đây của Tổng thống Barack Obama đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Trong chuyến thăm này Tổng thống Obama đã công khai phản đối việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng cách đe dọa và cưỡng chế.

Trung Quốc đã nổi giận trước những chỉ trích của chính quyền Obama đối với cái gọi là yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông và sự lên tiếng ủng hộ của Mỹ đối với Philippines trong việc quyết định khởi kiện Trung Quốc lên Toà trọng tài quốc tế. Thêm vào đó, Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm trước tuyên bố ủng hộ Nhật Bản của Tổng thống Obama trong vấn đề quần đảo Senkaku, cũng như tuyên bố cam kết tăng cường liên minh Mỹ - Philippines.

Tóm lại, cách giải thích thứ ba chỉ ra rằng Trung Quốc đã chọn hướng đối đầu trực tiếp với chính sách tái cân bằng tại Châu Á của chính quyền Obama. Trung Quốc đã cố gắng nhằm phơi bày khoảng cách giữa tuyên bố của Tổng thống Obama và khả năng thực sự của Mỹ trong việc đối phó với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Một số nhà phân tích có quan điểm nghiêng về cách giải thích thứ ba cho rằng Trung Quốc đã nắm được điểm yếu của Tổng thống Obama, khi ông không thể đối phó một cách hiệu quả với các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraina. Do đó, Trung Quốc đã tạo ra cuộc khủng hoảng giàn khoan để chứng minh với các quốc gia trong khu vực rằng Hoa Kỳ giờ chỉ là một "con hổ giấy".

Cách giải thích thứ ba có vẻ hợp lý hơn cả. Tuy nhiên, câu hỏi tại đặt ra là sao Việt Nam lại là trọng tâm trong cuộc khủng hoảng này. Thêm vào đó, các hành động của Trung Quốc có thể sẽ gây phản tác dụng, khi nó xảy ra vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc họp Thượng đỉnh tại Myanmar của các lãnh đạo Chính phủ mười quốc gia ASEAN.

Vào ngày 18/3, Trung Quốc và ASEAN đã tổ chức cuộc họp lần thứ X của Nhóm làm việc chung về việc triển khai thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại Singapore. Hoạt động tiếp sau đó là Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ VII về việc triển khai thực hiện DOC tại Pattaya, Thái Lan ngày 21/4. Mặc dù tiến độ của việc triển khai còn rất chậm, tuy nhiên một số điểm đáng khích lệ đó là các kế hoạch xây dựng lòng tin theo tinh thần DOC có thể được phát triển. Như lời một nhà ngoại giao ASEAN khi được tiếp xúc cho rằng "tiến trình [tham vấn với Trung Quốc] quan trọng hơn là điểm đến [đạt được một COC ràng buộc]."

Việc Trung Quốc triển khai các giàn khoan dầu và kèm theo hạm đội đã khẳng định một điều rằng Biển Đông sẽ là vấn đề nóng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã đưa ra tuyên bố vào ngày 10/5 bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc của họ đối với diễn biến căng thẳng vừa qua ở Biển Đông, điều này làm gia tăng căng thẳng trong toàn khu vực." Điều đáng chú ý đó là một Tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông đã được ban hành. Tuyên bố này ngầm thể hiện sự ủng hộ Việt Nam và nó tạo cơ sở cho một tuyên bố tương tự của người đứng đầu chính phủ/nhà nước các nước ASEAN.

 Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao đã không nêu đích danh Trung Quốc nhưng nó tái khẳng định chính sách căn bản của ASEAN về Biển Đông. Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, hành động kiềm chế, tránh những hành động có thể gây xói mòn hoà bình và ổn định khu vực, và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Bài viết của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện quốc phòng Úc đăng trên Tạp chí The Diplomat

 

 Nguyễn Hương (dịch & gt)