(i) Xới lên tranh chấp chứ không phải thực sự muốn giải quyết vấn đề. Theo điều 283 của Công ước luật biển, trước khi khởi kiện, Philippines cần trao đổi trước với Trung Quốc về phương thức giải quyết này nhưng sau khi gửi tuyên bố lên Tòa trọng tài, Philippines mới công bố thông tin. Theo điều 295 của Công ước, trước khi khởi kiện, Philippines cần sử dụng hết mọi biện pháp tố tụng nội bộ nhưng Philippines không có nỗ lực đáng kể trên phương diện này, cách nói “Philippines đã dùng hết mọi biện pháp chính trị, ngoại giao mà không có kết quả” của Ngoại trưởng Philippines sai lệch nghiêm trọng so với sự thật. Philippines không hề đáp lại tích cực lập trường nhất quán của Trung Quốc là “giải quyết tranh chấp với láng giềng bằng đàm phán, hiệp thương chính trị. Theo điều 1, phụ lục 7 của Công ước, khi một bên tranh chấp đưa ra trọng tài cần thông báo bằng văn bản cho bên kia chứ không phải gửi yêu cầu lên Liên Hợp Quốc, việc Philippines gửi yêu cầu lên Liên Hợp Quốc cho thấy muốn xới lên vấn đề.

(ii) Đạt được lợi ích một cách tối đa. Nguyên nhân trực tiếp khiến Philippines khởi kiện là do lo ngại mất quyền phát ngôn trên vấn đề Hoàng Nham. Ngày 21/1, Ngoại trưởng Philippines nói đảo Hoàng Nham được Trung Quốc kiểm soát hiệu quả, trước khi mất lãnh thổ, Philippines phải có hành động. Đảo Hoàng Nham là của Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận có tranh chấp chủ quyền với Philippines tại đây. Từ khi đưa ra yêu sách chủ quyền với Hoàng Nham năm 1997, Philippines luôn có ý gây chuyện để biến Hoàng Nham thành đảo có tranh chấp. Lần khởi kiện này cũng vậy, hơn nữa còn nhắm đến chủ quyền tại một số đảo đá thuộc Trường Sa; đồng thời để Tòa trọng tài phủ định tính hợp pháp của đường 9 đoạn tại Biển Đông, xác nhận Hoàng Nham và một số vùng biển phụ cận các đảo Philippines chiếm tại “Nam Sa” nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, cuối cùng đạt mục đích khai thác tài nguyên tại các vùng biển trong đường 9 đoạn của Trung Quốc với tư cách hợp pháp.

(iii) Làm hài lòng Mỹ, tìm kiếm sự đồng tình và ủng hộ của các nước có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Năm qua, Philippines là kẻ tiên phong sốt sắng cho Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng CÁ - TBD. Có Mỹ nâng đỡ, trợ uy, Philippines không ngại gây chuyện với Trung Quốc để lấy lòng Mỹ. Việc đưa tranh chấp ra Tòa trọng tài rất hợp ý Mỹ là mong Trung Quốc làm việc theo quy tắc quốc tế, được chuyên gia luật quốc tế của Mỹ ủng hộ mạnh mẽ, sau khi công bố còn được giới chính thức của Mỹ công khai ủng hộ; Philippines cũng muốn được các nước yêu sách chủ quyền khác ở Biển Đông ủng hộ, tạo thành mặt trận thống nhất chống Trung Quốc. Không lâu sau khi Philippines ra tuyên bố, Việt Nam liền công khai tuyên bố ủng hộ Philippines.

Do luật quốc tế quy định khi kiện các tranh chấp chủ quyền phải được bên kia đồng ý, Philippines biết rõ không thể thông qua Tòa án luật biển để lấy chủ quyền tại Hoàng Nham, nên đã tránh vấn đề chủ quyền, đưa vấn đề tranh chấp trong phân định các vùng biển lên Tòa trọng tài, mà đây cũng chính là nội dung được cho phép tại phụ lục 7, điều 287 của Công ước luật biển. Hơn nữa, hiện nay chỉ có Tòa trọng tài mới có quyền tài phán cưỡng chế đối với các vụ tranh chấp liên quan đến Trung Quốc về cách giải thích hay áp dụng Công ước. Có nghĩa là Philippines đã tìm đúng cửa, kiện đúng lý do.

Trong thời gian quy định, bất luận Trung Quốc có đồng ý hay không thì Tòa trọng tài vẫn được thành lập và tiến hành theo trình tự. Dù Trung Quốc có tham gia hay không thì Tòa trọng tài cũng sẽ đưa ra phán quyết ràng buộc với cả hai bên. Nhiệm vụ đầu tiên của Trung Quốc trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản của Philippines, chỉ định 1 trọng tài trao đổi với Philippines trong vòng 60 ngày để xác định 3 trọng tài khác, cộng với 1 trọng tài của Philippines thành tòa án trọng tài 5 người, triển khai điều tra. Nếu Trung Quốc từ chối thì Thẩm phán Tòa án Luật biển quốc tế (hiện quốc tịch Nhật) chỉ định.

Do vậy Trung Quốc phải phản hồi tích cực, trong thời gian quy định, chỉ định trọng tài có lợi cho mình. Đồng thời, trong quá trình Tòa trọng tài điều tra sự thực, xác nhận Tòa án có thẩm quyền tài phán hay không để loại trừ thẩm quyền của Tòa án đối với vụ kiện này. Năm 2006, căn cứ điều 298 của Công ước, Trung Quốc ra tuyên bố không chấp nhận quyền tài phán cưỡng chế của Tòa trọng tài đối với việc phân định các vùng biển; việc Philippines nêu ra là sự bảo lưu trong tuyên bố của Trung Quốc, Philippines có khả năng sẽ tránh cách nói này và sẽ đấu mạnh về cách biểu đạt này. Đồng thời, việc Philippines khởi kiện chưa đáp ứng các điều kiện tiên quyết được quy định như không trao đổi ý kiến trước, do vậy Trung Quốc cần làm công tác thuyết phục Tòa trọng tài có phán quyết là không có thẩm quyền tài phán. Tất nhiên, trong quá trình điều tra của Tòa án, Trung Quốc có thể căn cứ theo quy định của Công ước, đạt thỏa thuận với Philippines vào bất cứ lúc nào về chuyển vụ kiện sang thỏa thuận đàm phán hiệp thương giải quyết tranh chấp nhằm chấm dứt trình tự pháp lý.

Cần đề phòng Philippines lợi dụng cơ hội đưa ra Tòa trọng tài lần này để yêu cầu Tòa trọng tài xác định địa vị pháp lý của đường 9 đoạn, từ đó xác định đảo Hoàng Nham và một số đảo bãi ở Trường Sa là đảo, bãi đá hay bãi đá ngầm. Căn cứ theo quy định của Công ước, các địa hình địa mạo khác nhau có quyền lợi biển khác nhau. Một khi Tòa án có phán quyết hoặc đưa ra sự giải thích sẽ có thể ảnh hưởng tới sự thay đổi về kết cấu quyền lợi biển giữa Trung Quốc, Philippines, thậm chí với các nước có yêu sách chủ quyền khác ở Biển Đông.

 

Tác giả Hình Quảng Ma, Tạp chí Liêu Vọng số 06 - 07

Thùy Anh (gt)