pg_23_china_2_reuters.jpg

 

Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc mang tên "Chiến lược quân sự của Trung Quốc", do Quốc vụ viện Trung Quốc soạn thảo và công bố, thể hiện sự điều chỉnh chiến lược quân sự của nước này, trong đó cam kết tăng cường hoạt động bảo vệ chủ quyền trên biển, chuyển từ phòng không đơn thuần sang phòng không và phản công, đồng thời chỉ trích các nước láng giềng có hành vi "khiêu khích" tại các bãi cạn và đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc cũng như việc các thế lực bên ngoài can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Văn bản này cũng nhấn mạnh Trung Quốc "sẽ chỉ tấn công khi bị tấn công", đồng thời nhắc đến tầm quan trọng của việc "giành chiến thắng trong các cuộc xung đột được tin học hóa ở quy mô địa phương" trong bối cảnh các phương tiện quân sự được sử dụng ngày càng hiện đại, chiến tranh có thể diễn ra trên biển, trên vũ trụ, trên mạng và sử dụng vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, trước khi Sách Trắng quốc phòng được công bố, Trung Quốc đã có chủ trương gia tăng chi phí cho lực lượng quân đội - hiện đang có mức ngân sách đầu tư lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Sách Trắng xác định bảo vệ lợi ích trên biển của đất nước là nhiệm vụ chiến lược của quân đội Trung Quốc và đặc biệt nhấn mạnh cần phải tăng cường hợp tác bảo vệ an ninh. Nhà nghiên cứu Ôn Băng, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc phòng thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc - nhận định: "Lợi ích ở hải ngoại của Trung Quốc rải rác khắp toàn cầu, việc bảo đảm an ninh, lợi ích ở hải ngoại bao gồm cả sự an toàn của nhân viên và nguồn vốn đầu tư đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc ở nước ngoài. Đây cũng là lý do chủ chốt của việc tăng cường an ninh và bảo vệ lợi ích ở hải ngoại. Giữ gìn an ninh và ổn định ở các khu vực có liên quan là điều hết sức quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc". 

Sách Trắng còn cho biết quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế cũng như cứu trợ nhân đạo quốc tế, gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế nhiều hơn trong phạm vi khả năng của mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự ổn định và thịnh vượng chung của toàn thế giới.

Trong một cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã ví hoạt động bồi đắp và xây đảo phi pháp của nước này ở quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) tương tự như các dự án xây dựng nhà ở và cầu đường trên đất liền. Quan chức này nói: "Xét từ góc độ chủ quyền, các hoạt động này không có gì khác biệt". Nhân vật này cho rằng một số quốc gia, với các "toan tính ngầm", đã đánh giá thiếu khách quan về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và quá nhạy cảm đối với vấn đề này. Theo ông, hoạt động tuần tra trong khu vực đang ngày càng trở nên phổ biến hơn và Trung Quốc sẽ tiếp tục có những biện pháp đáp trả cần thiết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke từ chối bình luận cụ thể về Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc song cho biết Washington đã yêu cầu Bắc Kinh "sử dụng sức mạnh quân sự của mình một cách hợp lý và có lợi cho việc đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương". Ông Rathke tái khẳng định quan điểm của Mỹ cho rằng các hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang tiến hành làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và các công trình nhân tạo hoàn toàn không được công nhận về mặt pháp lý và do đó không có vùng đặc quyền kinh tế xung quanh những hòn đảo nhân tạo này.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Barack Obama coi tình hình an ninh tại Biển Đông là "cực kỳ quan trọng" đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như đối với nền kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh Washington cam kết hợp tác cùng các nước châu Á-Thái Bình Dương bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực.

Mặc dù từ chối bình luận về nội dung của Sách trắng quốc phòng Trung Quốc song người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren, cho rằng việc Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng là "bước tiến đúng đắn" trong việc minh bạch hóa và "chính là điều mà chúng tôi kêu gọi".
Sách Trắng quân sự nói trên được Trung Quốc đưa ra đúng vào lúc nguy cơ đụng độ vũ trang gia tăng tại quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng các đảo nhân tạo, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng Đông Nam Á và quốc tế, nhất là Mỹ. Tuần trước, Trung Quốc thông báo quân đội nước này đã "xua đuổi" một máy bay do thám của Mỹ khi chiếc máy bay này bay gần các hòn đảo tranh chấp. Trong khi đó, Mỹ khẳng định đường bay của chiếc Poseidon P-8 hoàn toàn nằm trong không phận quốc tế.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Trung Quốc cho biết chính quyền nước này sẽ xây thêm hai ngọn hải đăng cao 50m tại đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) và bãi Châu Viên (Cuarteron Reef), thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là hai địa điểm mà Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền. Năm 1988, Hải quân Trung Quốc đã tấn công đảo Gạc Ma của Việt Nam và chiếm đóng đảo này từ đó đến nay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng việc xây dựng hai ngọn hải đăng nói trên sẽ giúp ích cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường và an ninh hàng hải. Trong khi đó, ông Wu Shicun - Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia, một cơ quan thuộc chính quyền Trung Quốc - nói rằng đây là hai trong số những công trình dân sự đầu tiên được nước này xây dựng trong khu vực. Ông nói: "Các rạn san hô (mà Trung Quốc đang tiến hành bồi lấp) nằm gần một tuyến đường thương mại quan trọng, bởi vậy các nước liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cần thiết để đảm bảo an ninh cho các tuyền đường này".

Duy Anh (tổng hợp)