Chuyến thăm hữu nghị cảng Bandar Abbas của hai tàu chiến Trung Quốc diễn ra ngay trước thềm cuộc tập trận chung giữa hải quân hai nước ở Vịnh Persian. Theo ông Christian Le Mière, chuyên gia về hải quân và an ninh biển thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), động thái trên bộc lộ chiến lược ngoại giao hải quân của Trung Quốc ở Vịnh Persian. Chuyến thăm hữu nghị của hai tàu chiến Trung Quốc tới Iran cho thấy mối quan hệ quân sự khá hữu hảo giữa hai nước. Đây cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh thừa nhận về mối quan hệ quân sự với Iran. Hồi tháng 5/2013, Iran đã cử một đội tàu nhỏ tới Trung Quốc, đánh dấu chuyến đi đầu tiên của hải quân nước này tới phía Đông Eo biển Malacca. Chuyến thăm đáp lễ lần này của tàu hải quân Trung Quốc là sự thừa nhận công khai về mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tehran vốn được xây dựng nhiều năm nay dựa trên việc Trung Quốc chuyển giao bí mật công nghệ tên lửa cho Iran. 

Iran có được hệ thống tên lửa chống hạm là nhờ mối quan hệ với Trung Quốc. Iran bắt đầu mua tên lửa chống hạm C-801/C-802 của Trung Quốc từ những năm 1990 và từ đó đến nay Bắc Kinh đã cung cấp nhiều loại tên lửa chống hạm cho Tehran như C-701 (Kosar 1 và Kosar 3), TL-1 (Kosar) và C-704 (Nasr). Iran cũng phải viện đến ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Trung Quốc để từng bước xây dựng ngành công nghiệp vũ khí ở nước này. Trong khi đó, Iran cung cấp nguồn năng lượng đáng kể cho Trung Quốc.

Cuộc tập trận chung giữa hải quân hai nước Trung Quốc và Iran ở Vịnh Persian lần này cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ và các nước đồng minh của Washington trong khu vực. Mặc dù cuộc tập trận không phải là một cam kết hay sự đảm bảo an ninh giống như Mỹ có thể mang lại cho các nước đồng minh trong vùng Vịnh, nhưng việc này cũng nhấn mạnh đến một thực tế rằng Iran đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước ở bên ngoài khu vực. Những nước sẵn sàng cung cấp công nghệ và kỹ thuật cho Tehran để tăng cường khả năng quân sự của nước này và đối phó với những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào các ngành công nghiệp chủ chốt của Iran.

Có thể nói hình thức ngoại giao hải quân này sẽ ngày càng được Trung Quốc sử dụng nhiều hơn như một chiến thuật để tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn, tăng cường các mối quan hệ quân sự và chiến lược, và đảm bảo sự hiện diện của quân đội nước này ở các khu vực khác bên ngoài Đông Á. Trong thời gian tới, chắc chắn các tàu chiến Trung Quốc sẽ còn ghé thăm nhiều cảng biển trên thế giới để gửi thông điệp tới cho các đồng minh cũng như các đối thủ về những ý đồ cũng như khả năng quân sự của nước này.

Theo “IISS

Mỹ Anh (gt)