114413214xijinpingchannel4_FPKX.jpg

Trung Quốc cuối cùng đã giành được hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc tại Indonesia sau khi chấp thuận các yêu cầu tài chính khắt khe của chính quyền nước này. Bắc Kinh đã đánh bại Tokyo trong dự án quan trọng này. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư do Bắc Kinh kiểm soát cũng đang rất tích cực đầu tư vào các lĩnh vực như cầu cảng, năng lượng... Mục đích của Bắc Kinh là tạo dựng một khu vực kinh tế khổng lồ ở châu Á mà Trung Quốc đóng vai trò trung tâm.

Đây có thể coi là bước mở đầu thuận lợi để thực hiện ý tưởng “Một dải, một tuyến” nhằm hình thành một khu vực kinh tế rộng lớn nằm trong ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Ý tưởng từ ban lãnh đạo Trung Quốc bao gồm tuyến đường bộ nối Trung Á với châu Âu và tuyến đường biển nối từ bờ biển Trung Quốc tới Trung Đông.

Indonesia, với vị trí địa chính trị của mình, trở thành một trong những quốc gia quan trọng trong việc thực hiện ý tưởng chiến lược của ban lãnh đạo Trung Quốc. Eo biển Malacca nằm giữa Indonesia và bán đảo Malaysia trở thành điểm chốt sống còn trên tuyến đường vận tải biển mà Trung Quốc phải phụ thuộc. Vì thế, đối với Bắc Kinh, việc gây ảnh hưởng trên đất liền của Indonesia là bước đệm để có thể kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng ra biển.

Tháng 9/2015, Công ty Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, một công ty con thuộc Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) của Chính phủ Trung Quốc, đã quyết định thu mua một Công ty cảng biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, hợp tác với một loạt công ty cảng biển quốc doanh của Trung Quốc, Công ty Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài sẽ mua 65% cổ phần của Công ty Thổ Nhĩ Kỳ với giá 940 triệu USD. Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, dự án này đã được Bộ Tài chính Trung Quốc chấp thuận kim ngạch đầu tư lên tới 1 tỉ USD. Trung Quốc ngày càng ý thức được vị trí quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ với vai trò là cầu nối giữa châu Âu và châu Á.

Một quỹ trị giá 40 tỉ USD đã được thành lập từ nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc để thực hiện các dự án thuộc Con đường tơ Tụa. Dự án đầu tiên được quỹ này xuất vốn là dự án xây dựng nhà máy thủy điện tại Pakistan vào tháng 4/2015. Trong tháng 9/2015, quỹ này cũng đứng sau hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc thu mua tập đoàn sản xuất bánh xe Pireru của Italy, mua lại lĩnh vực khí đốt hóa lỏng từ một tập đoàn của Nga...

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đứng trước cơ hội mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là khu vực châu Á, nhằm mở rộng một thị trường rộng lớn mà Bắc Kinh có ảnh hưởng đặc biệt. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang thúc giục các nước Trung Á, cùng với việc ký kết các hiệp định thương mại, đầu tư là việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán. Thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng là cách Trung Quốc đối kháng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng nhằm xây dựng một khối kinh tế tách khỏi Trung Quốc.

Để thực hiện ý tưởng chiến lược, nhiều cơ quan thuộc Chính phủ Trung Quốc đã mở rộng quyền lực một cách đáng kể. Bộ Tài chính Trung Quốc là cơ quan đỡ đầu dự án mua lại Công ty cảng biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa nhiều cán bộ sang nắm giữ các chức vụ thực quyền trong Quỹ Con đường Tơ lụa. Dưới danh nghĩa thực hiện sứ mệnh quốc gia, thế và lực của các bộ ngành Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ.

Tuy nhiên, không phải mọi việc đều đi đúng quỹ đạo mà Trung Quốc vạch ra. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã được thành lập với vai trò trung tâm của Bắc Kinh. Tuy nhiên, với sự tham gia của hàng loạt nước châu Âu, chắc chắn Bắc Kinh khó có thể thao túng AIIB theo chủ ý của riêng mình.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh xuất hiện hàng loạt quỹ đầu tư sẽ dẫn tới tình trạng các quỹ này đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích quốc gia. Nhiều ý kiến tại Trung Quốc cũng cho rằng cần cải cách thể chế, cho dù coi trọng ý tưởng xây dựng "Một con đường, một vành đai" song phải tránh đầu tư không hiệu quả.

Lê Sơn (gt)