Số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) - chuyên theo dõi chi tiêu quốc phòng - cho thấy năm 2012, chi phí quân sự của Trung Quốc chiếm gần 10% chi phí quân sự toàn cầu. Theo các số liệu chính thức, số tiền mà Trung Quốc bỏ ra cho quốc phòng còn nhiều hơn cả của Nga và Anh cộng lại, mặc dù chỉ bằng 1/4 so với mức mà Mỹ dành cho các lực lượng vũ trang của nước này. 

Việc Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự đang tác động lên toàn châu Á. Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, các nước châu Á đã vượt qua châu Âu về chi tiêu quốc phòng. Các chính phủ trong khu vực đang đua nhau tăng chi tiêu quốc phòng. Ngay cả Nhật Bản, sau nhiều năm cắt giảm chi tiêu quốc phòng, cũng bắt đầu đảo ngược xu hướng này nhằm đối phó với cái mà họ cho là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc . 

"Thời báo Tài chính" cho rằng có nhiều yếu tố dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á, trong đó yếu tố lớn nhất là sức mạnh đang lên của Trung Quốc - quốc gia đang khiến những nước như Ấn Độ, Việt Nam và Philippines phải chú trọng hơn tới quốc phòng. Ngoài ra còn có một yếu tố khác, đó là mối lo ngại bị thổi phồng rằng tình trạng hòa bình tương đối của thế giới sắp đi đến hồi kết. Các căng thẳng ngoại giao như tình trạng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan hay giữa hai miền Triều Tiên... cũng là yếu tố đẩy mạnh cuộc chạy đua này. 

Năm 2013, Ấn Độ đã trở thành nước mua vũ khí của Mỹ nhiều nhất. Mục đích của hoạt động mua sắm này là nhằm thu hẹp những cách biệt về công nghệ. Hãng Dassault của Pháp cũng đang chờ New Delhi hoàn tất thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Rafale có tổng trị giá tới 20 tỷ USD. Ấn Độ cũng từng tuyên bố dành 44 tỷ USD cho quốc phòng. Ấn Độ hiện có 45 tàu chiến và tàu ngầm đang được chế tạo.

Không chỉ Ấn Độ, chi phí quốc phòng của Malaysia cũng đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2000. Còn Singapore hiện nằm trong danh sách 10 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Là quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á, nhưng Singapore đang có lực lượng không quân lớn nhất. 

Trên khắp châu Á, hoạt động mua sắm tàu ngầm đang gia tăng gấp nhiều lần. Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam đều có kế hoạch mua 6 tàu ngầm vào cuối thập kỷ này. Australia đang trong cao trào thực hiện công cuộc hiện đại hóa quốc phòng quan trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai và muốn có thêm 20 tàu ngầm nữa sau hai thập kỷ tới. Tổng cộng, các nước châu Á sẽ mua 110 tàu ngầm trong vòng 15 năm tới. Hàn Quốc cũng ráo riết không kém trong việc nâng cao năng lực quân sự và sẽ sớm lọt vào danh sách 10 nước xuất khẩu vũ khí toàn cầu hàng đầu. Ngay cả Nhật Bản, nước từng tự cấm mình xuất khẩu vũ khí kể từ khi kết thúc chiến tranh, cũng sắp nới lỏng hạn chế này để có thể tham gia các chương trình phát triển vũ khí đa quốc gia như dự án máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ phát triển cùng 8 quốc gia khác. 

Theo "Thời báo Tài chính

Thuỳ Anh (gt)