Ngày 8/5, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình nói: "Tôi không cho đó là một cuộc đụng độ. Tôi nghĩ đó là sự khác biệt về quan điểm giải quyết tranh chấp". Tuyên bố của ông này được đưa ra ngay sau khi tàu Việt Nam và Trung Quốc đối mặt với nhau tại một khu vực tranh chấp ở Biển Đông hôm 7/5. 

Tuy nhiên, sự "khác biệt về quan điểm" có thể lại trở thành bước ngoặt quan trọng, đẩy cả Việt Nam và Trung Quốc đến chỗ đối đầu bạo lực trong suốt 25 năm qua. Việt Nam cáo buộc tàu Trung Quốc hành động hung hăng, còn Trung Quốc ngược lại cho rằng họ chỉ tự vệ khi bị tàu Việt Nam đâm. Những đoạn video do phía Việt Nam cung cấp chứng tỏ rằng tàu Hải cảnh mang số hiệu 46102, 44044 và 37102 của Trung Quốc đã chuyển hướng để nhiều lần đâm và phun vòi rồng vào một tàu của Việt Nam. 

Những vụ việc này là hậu quả của quyết định của phía Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 do Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vận hành vào vị trí cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý và cách điểm gần nhất của quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo này từ năm 1974. Việc đưa giàn khoan khổng lồ vào khu vực này thể hiện rõ ý định của Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng ở Biển Đông nhằm phục vụ cho chiến lược khai thác tài nguyên của họ.

Căng thẳng ở Biển Đông lại leo thang do tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Năm 2012, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough cũng lên đến đỉnh điểm. Trung Quốc đã thực thi chủ quyền và ngăn cản tàu cá Philippines tiếp cận bãi cạn này. Năm 2014, Trung Quốc đã hai lần tìm cách ngăn cản Philippines tiếp tế cho lực lượng lính thủy đánh bộ đồn trú trên boong tàu BRP Sierra Madre bị chìm một nửa ở bãi Cỏ Mây. Giờ đây, trong một động thái đã được tính toán kỹ lưỡng, Trung Quốc cử đội tàu 80 chiếc gồm cả dân sự, bán vũ trang và quân sự đến hộ tống cho giàn khoan Hải Dương 981. Động thái này chứng tỏ Trung Quốc muốn khẳng định ý đồ và khả năng khai thác tài nguyên ở vùng biển mà họ coi là nằm trong tuyên bố chủ quyền của mình. 

Mặc dù tình hình vẫn leo thang, nhưng dường như không bên nào có ý định sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Việt Nam chỉ triển khai các tàu bán vũ trang thuộc lực lượng cảnh sát biển và tàu kiểm ngư. Quyết định tránh đối đầu trực diện bằng tàu hải quân có thể là sự lựa chọn thích hợp của cả hai phía vào thời điểm hiện nay. Nhìn tổng thể, các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều nghiêng sang hướng sử dụng tàu dân sự và bán vũ trang tại những vùng biển tranh chấp. Điều này không chỉ giúp họ khẳng định tuyên bố chủ quyền, mà còn tránh nguy cơ đẩy bạo lực leo thang nhanh chóng.

Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á vẫn tiếp tục đầu tư mạnh nhằm tăng cường sức mạnh quân sự. Tàu ngầm và hệ thống tên lửa chống hạm là những hạng mục được quan tâm nhiều nhất với mục tiêu ngăn chặn sự xâm lăng của Trung Quốc. Tranh chấp hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương 981 là một minh chứng rõ ràng nhất cho xu hướng này ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng triển khai chính sách xây dựng mối quan hệ vững chắc hơn với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... nhằm tìm kiếm sự can dự.

Tác giả Christian Le Mière - chuyên gia về an ninh hàng hải và hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh)

Thuỳ Anh (gt)