Thời điểm diễn ra chuyến thăm Phnôm Pênh của ông Hồ Cẩm Đào đã khiến dư luận khu vực nghi ngờ rằng Bắc Kinh có thể "ép" Campuchia hạn chế Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thảo luận về vấn đề Biển Đông, vốn gây nhiều tranh cãi trong khu vực. Campuchia từng tuyên bố vấn đề Biển Đông đã được loại khỏi chương trình của hội nghị lần này. Các chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sẽ là nhân tố gây chia rẽ mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Một nhà ngoại giao, đề nghị giấu tên, nói với AFP: “Ông Hồ Cẩm Đào đến đây để nhắc nhở Campuchia rằng Trung Quốc là một người bạn tốt của Campuchia”. Còn theo học giả Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Xinhgapo, “Campuchia sẽ không muốn làm phật lòng Trung Quốc bằng cách nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN”. Theo tin từ đài BBC đêm 1/4, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu Campuchia "đừng thúc đẩy quá nhanh các cuộc thảo luận về các tranh chấp trên Biển Đông", đồng thời hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương (giữa Campuchia và Trung Quốc) lên 5 tỷ USD từ nay đến năm 2017 và thông báo các khoản viện trợ mới dành cho nước này. Về phần mình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nói với ông Hồ Cẩm Đào rằng nước ông chia sẻ quan điểm của Trung Quốc rằng các tranh chấp trên Biển Đông không nên được quốc tế hóa. Trong khi đó, báo "Yomiuri" (Nhật Bản) cho rằng mục đích chính của chuyến thăm Phnôm Pênh của ông Hồ Cẩm Đào là nhằm chia rẽ ASEAN. Theo nhận định của một số nguồn thạo tin quan hệ Trung Quốc-ASEAN, Bắc Kinh muốn tăng cường quan hệ với Phnôm Pênh thông qua hình thức viện trợ kinh tế là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Campuchia đối với lập trường của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á trong bối cảnh Campuchia là Chủ tịch ASEAN năm 2012, để Campuchia hạn chế tối đa việc đưa vấn đề Biển Đông ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Diễn đàn cấp cao Đông Á năm 2012. Còn theo nhận định của tờ “Asahi” (Nhật Bản), Trung Quốc hiện xác định Campuchia đóng vai trò rất lớn có thể giúp Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, trong bối cảnh Mianma đang có xu hướng thoát khỏi "cái bóng" của Bắc Kinh. Trong bối cảnh Philíppin cảnh báo sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2012, vai trò của Campuchia sẽ rất quan trọng nhằm giảm thiểu sự liên đới trách nhiệm của Chính quyền Bắc Kinh. Đây cũng là một động thái nằm trong chiến lược “chia rẽ” từng nước thành viên ASEAN và xóa bỏ trạng thái bị các nước ASEAN, với sự hậu thuận của Mỹ, cô lập trong vấn đề tranh chấp. Trả lời phỏng vấn của AFP, Giáo sư chính trị Carl Thayer của trường Đại học New South Wales (Ôxtrâylia) nói: “Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục Campuchia loại vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Tuy nhiên, điều này không ngăn được các quốc gia có liên quan như Philíppin đưa vấn đề an ninh hàng hải ra bàn bạc tại hội nghị”. Có tin cho biết Manila đang đi đầu trong nỗ lực hình thành một mặt trận đoàn kết ở ASEAN để buộc Trung Quốc phải đồng ý về một "quy tắc ứng xử" trên Biển Đông. Giáo sư Thayer nhận xét: "Chiến lược của Trung Quốc là ve vãn một hay nhiều nước thành viên ASEAN chấp nhận cách tiếp cận của họ và do đó ngăn chặn một mặt trận thống nhất của ASEAN chống Trung Quốc".

Lê Sơn (gt)