Năm ngoái, Trung Quốc đã gây ra cuộc tranh cãi gay gắt không đáng có bằng việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam nhằm tăng cường yêu sách tại Biển Đông. Sau đó, Bắc Kinh đã thông qua chiến lược mới về xây dựng các đảo nhân tạo để hỗ trợ cho những yêu sách biển của mình. Những thông tin mới đây khẳng định ngoài những bến cảng, thậm chí trận địa pháo đang được xây dựng, Trung Quốc đã cải tạo các đảo san hô và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Chẳng hạn, Bãi Chữ Thập cũng bị Trung Quốc phát triển thành đảo nhân tạo, trên có đường băng và các cơ sở khác có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Việc xây dựng các đảo nhân tạo này không chỉ tạo điều kiện cho lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc có thể thể hiện sức mạnh ở những nơi xa, mà còn giúp Trung Quốc củng cố những yêu sách ở Biển Đông.

Đường băng được xây dựng trên Bãi Chữ Thập dài khoảng 3 km để máy bay chiến đấu phản lực và máy bay vận tải quân sự có thể hoạt động. Một đường băng khác dài 3.000 mét đang được xây dựng trên bãi Thị Tứ cũng thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei và Malaysia có tranh chấp tại quần đảo gồm hơn 750 bãi đá, đảo nhỏ, đảo san hô, đảo chìm ở Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc đã hiển nhiên tuyên bố chủ quyền dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” mà nước này tự đặt ra, với mưu đồ biến Biển Đông thành “cái hồ của Trung Quốc”.

Việc xây dựng và cải tạo các đảo thành căn cứ quân sự là nhằm thay đổi nguyên trạng. Những hành động như vậy giúp tăng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời tạo điều kiện cho Bắc Kinh mở rộng EEZ, qua đó mở rộng khai thác các nguồn tài nguyên tại biển này. Đưa nhân sự và vật liệu lên các đảo nhân tạo cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân và những đòi hỏi về chủ quyền.

Các nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cộng đồng quốc tế nói chung tiếp tục quan ngại về chính sách quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, trái với các nguyên tắc quốc tế đã được chấp nhận. Hội nghị cấp cao ASEAN tại Malaysia ngày 26/4 đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về hành động cải tạo, bồi lấn trên Biển Đông và kêu gọi "tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động”.

Theo ước tính, tổng khối lượng thương mại quốc tế - trị giá khoảng 5.300 tỷ USD mỗi năm - được lưu thông qua Biển Đông, 90% khối lượng thương mại liên lục địa và 40% khối lượng hàng hóa thương mại của thế giới đi qua Biển Đông. Do đó, tự do hàng hải trên biển là một nguyên tắc quan trọng phải được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Tại hội nghị ở thành phố Lubeck (Đức) trong tháng 4 vừa qua, các Bộ trưởng Nhóm G-7 (Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ) và đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) đã ra Tuyên bố chung, trong đó đề cập đến tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, bày tỏ quan ngại trước “bất kỳ hành động đơn phương nào, như bồi lấn chẳng hạn, làm thay đổi nguyên trạng và làm tăng tình hình căng thẳng”.

Các thành viên ASEAN như Việt Nam và Philippines, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trước các chính sách hiếu chiến của Trung Quốc, đang tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài để đối trọng với hành động của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của mình. Philippines đã ký lại hiệp định quốc phòng với Mỹ và đang mong Washington giúp đỡ nếu bị Trung Quốc “đẩy vào chân tường”. Tương tự, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với Mỹ và trở thành một thành viên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương do Mỹ bảo trợ nhằm thích nghi với những thay đổi trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị cấp cao của các nước khu vực Caribe ở Jamaica mới đây và trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cuối tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ lo ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, Ấn Độ liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với tự do hàng hải và kêu gọi các bên hữu quan trong tranh chấp Biển Đông phải tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Các hoạt động thăm dò dầu mỏ của ONGC Videsh Limited ở ngoài khơi, nằm trong phạm vi EEZ của Việt Nam, cũng bị ảnh hưởng trước chính sách quyết đoán của Trung Quốc. Trung Quốc trước đây đã phản đối hoạt động thăm dò của Ấn Độ ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Phát biểu tại hội nghị Ấn Độ-ASEAN lần thứ 12 ở Myanmar hồi tháng 8/2014, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã bày tỏ sự ủng hộ của Ấn Độ đối với tự do hàng hải và việc tiếp cận các nguồn ở Biển Đông theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Trước thực tế như vậy, ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và các nước G-7 cần phối hợp trong việc duy trì tính nguyên trạng ở Biển Đông và buộc Trung Quốc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.

Theo “Vifindia” (ngày 5/5)

Hương Trà (gt)