Trung Quốc đã triển khai thêm 4 giàn khoan dầu khí tới Biển Đông trong một nỗ lực đẩy nhanh hoạt động thăm dò dầu và khí đốt tại các vùng biển giàu tiềm năng về năng lượng. Theo giới truyền thông, tọa độ mà Cục quản lý an toàn Hàng hải Trung Quốc công bố cho thấy giàn khoan Nam Hải 2 và Nam Hải 5 được triển khai ở vị trí nằm giữa tỉnh Quảng Đông ở phía nam Trung Quốc và Quần đảo Đông Sa (Pratas Islands), hiện Đài Loan đang kiểm soát. Giàn khoan Nam Hải 4 được kéo về vùng biển gần của Trung Quốc. Tọa độ của giàn khoan Nam hải 9 cho thấy giàn khoa thứ 4 này sẽ được hạ đặt ở Vịnh Bắc Bộ - cũng là khu vực Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp. Động thái này diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi Bắc Kinh đơn phương triển khai giàn khoan nước sâu khổng lồ HD 981 vào vùng biển thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, dẫn đến bùng phát làn sóng chống Trung Quốc ở Việt Nam cùng những cáo buộc từ cả hai phía. Bắc Kinh yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ yêu sách của các bên tranh chấp khác như Việt Nam, Philippines và Brunei.

Trả lời phỏng vấn kênh “Sóng Đức” (Deutsche Welle – DW), nhà phân tích Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định việc triển khai các giàn khoan lần này cho thấy Bắc Kinh quyết tâm khẳng định yêu sách chủ quyền tại Biển Đông và cộng đồng quốc tế có rất ít đối sách để ngăn chặn nước này.

DW: Có phải Trung Quốc đang cố tạo một tiền lệ bằng việc triển khai thêm nhiều giàn khoan dầu khí không thưa ông?

Ian Storey: Đúng như vậy và có khả năng chúng ta sẽ thấy Bắc Kinh triển khai thêm nhiều giàn khoan nữa trong tương lai.

DW: Vậy thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới các nước láng giềng là gì, thưa ông?

Ian Storey: Trung Quốc đang phát đi thông điệp rằng nước này kiên quyết khẳng định cái gọi là “quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên biển như dầu, khí đốt và nguồn lợi hải sản bên trong đường 9 đoạn, một yêu sách mà đa phần lớn các chuyên gia pháp lý cho rằng không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982(UNCLOS).

DW: Động thái mới nhất này thể hiện chiến lược tổng thể về lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông như thế nào, thưa ông?

Ian Storey: “Lãnh thổ” nghĩa là đất – hoặc trong trường hợp này nghĩa là các đảo san hô đang tranh chấp – và điều mà chúng ta thực sự đề cập ở đây là toan tính của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền tài phán đối với các khu vực biển.

DW: Các Quốc gia Đông Nam Á có lựa chọn gì để đối phó với những động thái của Trung Quốc?

Ian Storey: Các bên yêu sách khác ở Biển Đông có rất ít lựa chọn. Họ chắc chắn không muốn bị cuốn vào một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc khi quân đội nước này, được hiện đạo hóa một cách nhanh chóng trong hai thập kỉ qua, sẽ dễ dàng chiếm ưu thế. Họ có thể cố gắng giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao, như Việt Nam đang làm, là yêu cầu Trung Quốc rút các giàn khoan – nhưng Bắc Kinh hiện vẫn phớt lờ yêu cầu này.

Tôi nghĩ rằng lựa chọn tối ưu của Hà Nội là có hành động pháp lý chống lại việc Trung Quốc triển khai giàn khoan HD 981 tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) ở Hà Lan. Tuy nhiên thậm chí nếu Tòa Trọng tài đưa ra một phán quyết có lợi cho Việt Nam thì tôi cho rằng Trung Quốc đơn giản sẽ phớt lờ phán quyết này và chấp chận những tổn hại về danh tiếng.

DW: Cộng đồng Quốc tế và đặc biệt là Mỹ có thể làm gì để xoa dịu các căng thẳng hiện nay?

Ian Storey: Không có nhiều lựa chọn. Mỹ sẽ không mạo hiểm khơi mào một cuộc xung đột với Trung Quốc vì các giàn khoan Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục bày tỏ quan ngại rằng những hành động khiêu khích đơn phương như vậy có nguy cơ xói mòn nền hòa bình và sự ổn định của khu vực.

Cộng đồng quốc tế cũng cần tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do lưu thông hàng hải, và việc Trung Quốc cần phải đưa ra yêu sách phù hợp với UNCLOS. Xét cho cùng, cuộc khủng hoảng này chỉ có thể được giải quyết khi Trung Quốc rút giàn khoan của nước này vào ngày 15/8.

Một cuộc khủng hoảng mới sẽ xuất hiện nếu giàn khoan lại được triển khai ở các vùng nước tranh chấp khác, và rất có thể lần này là ở Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines. Điều đó sẽ là phép thử thực sự đối với giới hạn của liên minh Mỹ-Philippines.

Tiến sĩ Ian Storey là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore. Ông là tác giả của cuốn “Đông Nam Á và Sự Trỗi dậy của Trung Quốc: Tìm kiếm Môi trường An ninh” (Routledge, 2013). Bài viết đăng trên “DW” (ngày 23/6).

Người dịch: Mỹ Anh