Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng không sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ nào được phép khoan dung, đồng thời khẳng định không quốc gia nào được phép giữ thế độc quyền trong các vấn đề toàn cầu. Những bình luận này được ông Tập Cận Bình đưa ra khi chủ trì cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Myanmar ở Bắc Kinh. Đây được coi là một cuộc công kích mang tính chất úp mở nhằm vào Mỹ, đồng thời làm nổi bật những hoài nghi giữa Bắc Kinh và Washington. 

Ông Tập Cận Bình đã cùng Tổng thống Myanmar Thein Sein và Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari tham dự lễ kỷ niệm một thỏa thuận đạt được về những nguyên tắc chung sống hòa bình từ năm 1954, thời điểm Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ sự cô lập ngoại giao đối với chế độ Cộng sản ở nước này trong những năm đầu thành lập Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông Tập Cận Bình được cho là đã tận dụng cơ hội này để nêu ra phương hướng ngoại giao của Trung Quốc khi cho rằng: "Chủ quyền là sự bảo vệ đáng tin cậy và là nhân tố nền tảng của lợi ích quốc gia. Không nên để chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm. Đây là nguyên tắc rõ ràng không thể vứt bỏ được" trong bất kỳ thời điểm nào. 

Trung Quốc đang vướng vào những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ. Washington đã nói rằng họ sẽ tôn trọng hiệp ước với Tokyo về việc sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị tấn công. Mỹ cũng đã ký với Manila một thỏa thuận theo đó sẽ cho phép Mỹ có sự hiện diện quân sự lớn hơn ở Philippines. 

Theo ông Tập Cận Bình, vị trí bình đẳng trong khuôn khổ an ninh toàn cầu và các quyền bình đẳng chung nên được trao cho tất cả các quốc gia và "bất kỳ nỗ lực nào nhằm độc quyền các vấn đề quốc tế đều sẽ không thành công. Không ai có thể hy sinh an ninh của các quốc gia khác để mưu cầu nền an ninh tuyệt đối của riêng mình". Bên cạnh đó, các quốc gia nên được phép lựa chọn con đường phát triển của riêng họ, và Trung Quốc phản đối việc lật đổ chính quyền hợp pháp của các quốc gia khác vì "những lợi ích ích kỷ". Ông này nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi phản đối việc xâm phạm các quyền lợi hợp pháp của các quốc gia khác cũng như việc phá hoại hòa bình và ổn định bằng cái cớ thực thi luật pháp quốc tế" và "một kiến trúc mới của an ninh châu Á-Thái Bình Dương" là điều cần thiết, và Trung Quốc sẽ duy trì các mối quan hệ tích cực với các cường quốc lớn, trong đó có Mỹ. 

Mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không đề cập đến những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, nhưng các chuyên gia quan sát cho rằng những phát biểu nói trên của ông Tập Cận Bình đã cho thấy Bắc Kinh cảm thấy họ không nên bị quy trách nhiệm cho những căng thẳng hiện nay. 

Nhận định về những phát biểu trên của ông Tập Cận Bình, Giáo sư Tô Hạo thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: "Thông điệp này đồng nghĩa với việc Trung Quốc không phải là nguồn gốc gây ra vấn đề, mà một số lực lượng bên ngoài đã vi phạm các nguyên tắc quan hệ quốc tế và gây ra những hỗn loạn trong khu vực". 

Trong khi đó, Phó Giáo sư Lý Minh Giang thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore cho rằng Bắc Kinh muốn đóng một vai trò an ninh lớn hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhưng điều đó lại nằm trong sự xung đột với Mỹ. Chính vì vậy, những phát biểu nói trên của ông Tập Cận Bình đã cho thấy rằng "không có nhiều nhận thức chung giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực ngoài việc tránh những cuộc xung đột lớn giữa hai cường quốc lớn này". 

Tại cuộc gặp ba bên nói trên, ông Tập Cận Bình đã nói rằng 'Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm chủ nghĩa bá quyền cho dù họ có hùng mạnh đến mức độ nào đi chăng nữa. Nhận định về phát biểu này, Phó Giáo sư Lý Minh Giang cho rằng Trung Quốc muốn "đảo ngược" hình ảnh hung hăng của họ, song các nước láng giềng của Trung Quốc có lẽ không bị thuyết phục bởi điều này. Cũng theo Phó Giáo sư Lý Minh Giang, "có một nhận thức là những điều Trung Quốc đang làm khác với những gì họ nói". 

Theo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (ngày 29/6)

Hương Trà (gt)