Ông Tập Cận Bình đã sử dụng chuyến thăm đầu tiên của mình tới khu vực ASEAN để củng cố vai trò của Trung Quốc như một đối tác thương mại và đầu tư lớn, đồng thời thúc đẩy động lực kinh tế và chiến lược với các nước ASEAN. Ngày 6/10, ông đã thu phục Malaysia bằng mối quan hệ đối tác kinh tế 5 năm và nhiều cơ hội khác mà ông đánh giá là "cơ hội cuộc đời" cho cả hai nước.

Tại thủ đô Jakarta của Indonesia, ông Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Indonesia. Bài phát biểu của ông được xem như là sự thiết lập trên phạm vi rộng chính sách Đông Nam Á của Bắc Kinh dưới chính quyền Tập Cận Bình. Tầm nhìn của ông là để Trung Quốc và các nước ASEAN cùng phát triển "Con đường tơ lụa trên biển", một sáng kiến chiến lược nhằm thúc đẩy mối quan hệ địa chính trị của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á. Yang Baoyun, giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Bắc Kinh, nói: "Cũng giống như tuyến đường lịch sử nhiều thế kỷ trước, con đường tơ lụa trên biển mới sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các nước láng giềng dọc theo tuyến đường, và sẽ là một động lực mới cho sự thịnh vượng của toàn bộ khu vực Đông Á".

Trong một bài bình luận, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã dẫn lời ông Tập Cận Bình kêu gọi các nước ASEAN cùng với Trung Quốc xây dựng một "cộng đồng có chung vận mệnh", và một Trung Quốc phát triển sẽ mang đến cho châu Á và thế giới các cơ hội chứ không phải mối đe dọa. Chuyến công du Đông Nam Á của ông Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama phải hủy chuyến thăm châu Á để ở lại Washington giải quyết vấn đề ngân sách của Chính phủ Mỹ. Ông Obama, người đang theo đuổi chính sách "xoay trục sang châu Á", trước đó đã lên kế hoạch theo bước chân của Tập Cận Bình trong tuần này tới thăm Malaysia và Philippines sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Indonesia và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Brunei.

Việc ông Obama hủy bỏ chuyến đi châu Á sẽ mang lại cơ hội và lợi thế cho Trung Quốc tại hai diễn đàn của khu vực. Nhiều chuyên gia châu Á cho rằng việc ông Obama hủy chuyến thăm châu Á chứng tỏ chiến lược Mỹ về "tái cân bằng ở châu Á" đang lâm nguy. Michael Green - cựu cố vấn phụ trách các vấn đề châu Á dưới thời chính quyền George W. Bush, hiện là Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, nói với tờ "Christian Science Monitor" rằng Washington, khi xem Đông Nam Á như một lực lượng lớn trong khối kinh tế đang phát triển ở châu Á, phải thận trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một siêu cường kinh tế. 

Chuyên gia Bantarto Bandoro thuộc Trường Đại học Quốc phòng Indonesia thì cho rằng thực tế chính trị trong nước đã cản trở Mỹ hiện diện và vươn xa hơn ra bên ngoài. Nó có thể là dấu chấm hết cho sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Trong khi đó, Kerry Brown - chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Sydney - nói với hãng tin AP rằng đó là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có một chính phủ tài năng mà Mỹ không có vào lúc này. Một dấu hiệu cho thấy Mỹ mất đi vẻ huy hoàng và mất dần vị thế của mình.

Mặc dù chuyến thăm Malaysia của ông Tập Cận Bình được coi là đặt trọng tâm vào vấn đề kinh tế (Trung Quốc gần đây đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia), song cả Kuala Lumpur lẫn Bắc Kinh đều muốn mở rộng phạm vi quan hệ ngoài lĩnh vực thương mại và kinh tế. Quan hệ hai nước sẽ được nâng lên trong các lĩnh vực như quốc phòng và giáo dục. Thực tế, Malaysia sẽ thành lập trường Đại học Trung Quốc đầu tiên bên ngoài Trung Quốc, đó là trường Đại học Hạ Môn Malaysia tại Salak Tinggi, gần thủ đô Kuala Lumpur. Năm tới, Malaysia và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (31/5/1974-31/5/2014). Thủ tướng Najib Tun Razak sẽ thăm Trung Quốc nhân dịp này.

Vũ Hiền (gt)