Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh sẽ "nâng năng lực chiến đấu chung của lực lượng hải quân Trung Quốc" và giúp Bắc Kinh "bảo vệ hiệu quả chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như các lợi ích”. Các nhà phân tích cho biết, trên thực tế, tàu Liêu Ninh, được tân trang từ một tàu cũ mua của Ucraina, sẽ chỉ có vai trò hạn chế, chủ yếu nhằm phục vụ công tác huấn luyện và kiểm nghiệm khả năng tự sản xuất các hàng không mẫu hạm đầu tiên ở trong nước của Trung Quốc sau năm 2015. Lầu Năm Góc đánh giá thấp sự kiện này khi Phát ngôn viên George Little chỉ nói ngắn gọn rằng Mỹ đang theo dõi những bước tiến quân sự của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng "đây không phải là điều gì đáng ngạc nhiên cả". Buổi lễ chính thức bàn giao tàu Liêu Ninh cho hải quân Trung Quốc, có sự tham dự của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, là màn phô diễn sức mạnh quốc gia đúng thời điểm căng thẳng với Nhật Bản liên quan tới các hòn đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông đang dâng cao. Hãng tin Tân Hoa Xã trích lời ông Ôn Gia Bảo phát biểu trong buổi lễ bàn giao tàu Liêu Ninh ở cảng Đại Liên: "Đưa tàu sân bay vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện đại hóa lực lượng hải quân, tăng cường sức mạnh phòng phủ và sức mạnh tổng thể của cả quốc gia". 

Quan hệ Trung-Nhật đã xấu đi nghiêm trọng trong tháng này sau khi Nhật Bản mua một số đảo mà hai bên đang tranh chấp ở biển Hoa Đông từ một chủ sở hữu tư nhân, làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc. Quần đảo tranh chấp này được Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ngày 25/9, trong cuộc gặp nhằm tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân nói với người đồng cấp Nhật Bản: "Trung Quốc sẽ không bao giờ nhân nhượng đối với bất kể hành động nào của Nhật Bản làm tổn hại tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Nhật Bản phải từ bỏ những ảo tưởng, cam kết sẽ suy ngẫm và có những hành động cụ thể để sửa chữa sai lầm của họ, quay trở lại với những đồng thuận và thỏa thuận sơ bộ giữa các nhà lãnh đạo của hai nước". Các nhà ngoại giao Nhật Bản có mặt tại Niu Yoóc để tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) nói rằng việc chính phủ của họ mua lại các hòn đảo từ những chủ sở hữu tư nhân là nhằm hạn chế cuộc tranh cãi hiện nay (với Trung Quốc). Naoki Saiki, Phó Thư ký phụ trách báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nói: "Chính phủ Nhật Bản đã truyền đạt và giải thích ý định mua lại các hòn đảo này cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, chúng ta lại rơi vào tình thế hiện nay". Bà Saiki không cho biết liệu các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng diễn ra hôm 25/9 với Trung Quốc có đạt được tiến bộ nào hay không. Tuy nhiên, bà nói: "Điều quan trọng đó là cả hai bên đã đồng ý tiếp tục liên lạc và trao đổi với nhau".

Nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự giữa hai nước là không cao, song căng thẳng chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này có thể trở nên trầm trọng hơn, dẫn tới lo ngại xảy ra các vụ việc trên biển không phải theo chủ ý của hai bên. Koichi Kato, một nghị sỹ đối lập và là người đứng đầu Hội Hữu nghị Nhật-Trung, nói với hãng tin Reuters: "Nếu xảy ra đổ máu, mọi người sẽ hành động thiếu lý trí".Đối với hải quân Trung Quốc, việc tăng cường các hàng không mẫu hạm là một trong những ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh họ đang tiến tới xây dựng một lực lượng có khả năng hoạt động ở xa Trung Quốc Đại lục. Tháng này, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ, đặc biệt là chính sách hướng tới châu Á của Tổng thống Barack Obama, rằng Oasinhtơn không nên can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ, ví dụ như Philíppin. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thúc giục Trung Quốc và các nước láng giềng tại khu vực Đông Nam Á giải quyết các tranh chấp "mà không được cưỡng ép, hăm dọa, và đặc biệt là không sử dụng vũ lực".

Narushige Michishita, một chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, cho rằng thời điểm đưa hàng không mẫu hạm Liêu Ninh vào hoạt động không liên quan tới tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật. Các chuyên gia cho rằng động thái này của Trung Quốc có liên quan tới nỗ lực của nước này nhằm xây dựng một khối thống nhất yêu nước trước thềm Đại hội đảng Cộng sản, vốn được cho là sẽ quyết định thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sớm nhất vào đầu tháng tới. Ông Michishita nói: "Trung Quốc đang có bước đi nữa nhằm tăng cường khả năng của hải quân nước này. Nếu họ có một hàng không mẫu hạm được đưa vào vận hành trong thời điểm hiện nay, chúng ta không cần quá lo ngại về dụng ý cân bằng quân sự giữa một bên là Mỹ và Nhật còn bên kia là Trung Quốc". Căng thẳng trên biển Hoa Đông dâng cao tại thời điểm cả Trung Quốc và Nhật Bản đang phải đối phó với những sức ép chính trị ở trong nước. Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ đối mặt với một cuộc bầu cử diễn ra trong vài tháng tới, điều càng buộc ông không được tỏ ra yếu đuối trước Trung Quốc. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải bận tâm với cuộc chuyển giao quyền lực lãnh đạo khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ thôi giữ chức vụ của ông. 

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 25/9 có bài bình luận “Tàu sân bay của TQ không phải là mối đe dọa”. Theo đó, sau khi hoàn thành việc chế tạo và chạy thử, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc “Liêu Ninh” cùng ngày đã chính thức được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc. Cách đây gần 100 năm, thế giới có chiếc tàu sân bay đầu tiên. Trung Quốc, nước đông dân số nhất trên thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nay đã có chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình. 

Trung Quốc có hơn 18.000 km bờ biển và vùng lãnh thổ rộng 3 triệu km vuông ngoài biển. Từ cuộc chiến tranh thuốc phiện năm 1840 đến khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, dân tộc Trung Hoa đã bị xâm nhập bằng đường biển tổng cộng hơn 470 lần. Việc Hải quân Nhân dân thành lập và lớn mạnh đã kết thúc lịch sử nhục nhã có biển nhưng không bảo vệ được biển. Trải qua 63 năm xây dựng, Hải quân Trung Quốc đã bước đầu phát triển thành một lực lượng tác chiến trên biển hiện đại gồm nhiều binh chủng hợp thành, có phương pháp tác chiến bằng cả lực lượng hạt nhân và lực lượng thông thường. Tuy nhiên, từ lâu nay, trong số 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chỉ có Trung Quốc là không có tàu sân bay. Ở châu Á, một số nước cạnh Trung Quốc cũng đã có tàu sân bay trước Trung Quốc. Thế kỷ 21 là thế kỷ biển, biển đã trở thành không gian quan trọng để mở rộng lợi ích quốc gia. Đối với Trung Quốc, sự cần thiết và tính chất hợp pháp để phát triển tàu sân bay như vậy là không cần phải bàn cãi. Kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình là sự lựa chọn chiến lược của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc theo trào lưu phát triển của thời đại và lợi ích của bản thân Trung Quốc. Sự lựa chọn như vậy của Trung Quốc tuyệt đối không vì có tàu sân bay mà sẽ thay đổi. 

Bài bình luận cho biết, ngay từ ngày 23/4/2009 trong khi hội kiến các nhà lãnh hải quân các nước đến tham gia hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã trịnh trọng phát biểu rằng dù hiện nay hay trong tương lai, dù phát triển đến đâu Trung Quốc không bao giờ xưng bá, không bành trướng quân sự và chạy đua vũ trang, mãi mãi là lực lượng quan trọng bảo vệ hòa bình thế giới, thúc đẩy cùng phát triển. Bài bình luận khẳng định đó là cam kết nghiêm túc của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đối với hòa bình thế giới. Trên thực tế, ý đồ hòa bình trong xây dựng quốc phòng và quân đội Trung Quốc không chỉ thể hiện trong tuyên bố chính sách mà còn thể hiện trong hành động thực tế: Trong số các nước có vũ khí hạt nhân, Trung Quốc là nước duy nhất cam kết không sử dụng trước vũ khí hạt nhân. Trong số các nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc là nước cử số lượng binh sĩ gìn giữ hòa bình đông nhất. Hải quân Trung Quốc tích cực tham gia hộ tống tàu thuyền, lần lượt bảo vệ an ninh cho gần 5.000 tàu Trung Quốc và nước ngoài, và đã nhiều lần hoàn thành các nhiệm vụ hộ tống hỗn hợp, diễn tập hỗn hợp và đi thăm hữu nghị. Bài bình luận kết luận, khi Trung Quốc đã có một tàu sân bay, thế giới cần tự nhiên chấp nhận, vì với tư cách là nước kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, Trung Quốc trước sau như một sẽ có những đóng góp mới lớn hơn nữa cho việc thúc đẩy thế giới hòa bình và cùng phát triển. 

Cũng về chủ đề hàng không mẫu hạm đầu tiên của TQ, Báo “Độc lập” (Nga) ngày 26/9 có bài viết với nội dung chính như sau. Các phương tiện thông tin đại chúng tiết lộ người Trung Quốc nêu lý do mua con tàu chưa hoàn thiện này để làm sòng bạc nổi nhưng sau đó lại hoàn thiện nó theo đúng chức năng vốn có. Các nhà quan sát quân sự cho rằng việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh là sự quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh hiện nay. Sự kiện này cũng làm dư luận nhớ lại người Trung Quốc đã tài tình thế nào khi đưa được cả một hàng không mẫu hạm từ Ucraina đi qua Biển Đen, Địa Trung Hải, ra Thái Bình Dương rồi lai dắt về đến Trung Quốc chỉ với một lý do “mua về làm sòng bạc”. Ngay sau đó, các kỹ sư Trung Quốc bắt tay ngay vào đại tu, nhưng không phải thành một sòng bạc nổi mà thành một tàu sân bay thực thụ. Tháng 8/2011, tại lễ hạ thủy con tàu này, các quan chức quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu “Liêu Ninh” sẽ tăng cường khả năng tác chiến của lực lượng hải quân Trung Quốc và giúp Bắc Kinh bảo vệ chủ quyền quốc gia, an toàn và các lợi ích của Trung Quốc một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia vũ khí lại cho rằng con tàu chỉ là một thứ “hàng mã” để thị uy. Chức năng của nó chỉ giới hạn ở cấp độ huấn luyện phi công và diễn tập để chuẩn bị cho việc tiếp nhận một hàng không mẫu hạm khác do chính Trung Quốc đóng, dự kiến sẽ hạ thủy vào năm 2015. 

Trao đổi với tờ “Độc lập”, Ykov Berger - chuyên viên cao cấp Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga - lại cho rằng không nên xem thường ý nghĩa của “Liêu Ninh” vì chiếc tàu này chính là hình mẫu để Trung Quốc tự đóng các hàng không mẫu hạm khác trong tương lai. Việc có một lực lượng hải quân hùng mạnh là yêu cầu cấp thiết đối với Bắc Kinh vì nền kinh tế nước này phụ thuộc rất lớn vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu và thị trường tiêu thụ bên ngoài. Lợi ích của Trung Quốc có ở cả Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh nên nếu các tuyến đường biển bị phong tỏa thì nước này không còn đường phát triển. Nói cách khác, lợi ích chiến lược của Trung Quốc hiện nay là đảm bảo an toàn các tuyến đường biển. Thực tiễn đã chỉ ra rằng cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh đều không thể trở thành cường quốc nếu không nắm được quyền kiểm soát được các vùng biển. Ngay từ thế kỷ XV, người Trung Quốc cũng đã tính đến việc này song cả thế và lực chưa cho phép. Lễ bàn giao tàu “Liêu Ninh” diễn ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ Nhật-Trung đang vào hồi căng thẳng. Cả hai phía đều chưa tỏ thái độ nhân nhượng. Việc Trung Quốc phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình trung ương lễ bàn giao này có giá trị cổ vũ lòng yêu nước rất lớn. Tuy nhiên, chuyên gia về an ninh thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị Tôkiô Narushire Michisita lại cho rằng sự kiện này không có ảnh hưởng nào đối với tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật. Mặc dù con tàu là thành công lớn của Trung Quốc trong việc tiến ra biển, song chỉ được trang bị công nghệ và vũ khí đã lạc hậu nên không thể gây ra mối đe dọa nào cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Theo báo chí Hồng Công và Trung Quốc Đại lục dẫn lời giới chuyên gia quân sự nhận định rằng con tàu này cần phải tiến hành thêm các hoạt động thử nghiệm và huấn luyện trong ít nhất 3 năm nữa trước khi có thể sẵn sàng chiến đấu. Nhật báo "Quân Giải phóng", cơ quan ngôn luận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), ngày 26/9 đưa tin tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, tàu "Liêu Ninh", sẽ tiến hành giai đoạn chạy thử trên biển dài hơn giai đoạn chạy thử vừa qua trước khi con tàu này có thể huấn luyện với các máy bay, tàu ngầm và các tàu chiến. Tàu sân bay trên đã được bàn giao cho lực lượng hải quân PLA hôm 25/9 vừa qua trong tình trạng chưa có máy bay trên tàu. Nhật báo "Quân Giải phóng" cũng tìm cách cam kết với cộng đồng quốc tế rằng tàu sân bay này sẽ không gây ra một mối đe dọa nào đối với thế giới và chiến lược quân sự của Trung Quốc vẫn tập trung vào khả năng tự vệ. Ông Trương Quân Xã, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân, nói rằng tàu "Liêu Ninh" cần phải mất thêm 3 năm hoặc có thể là lâu hơn nữa trước khi con tàu này có thể chiến đấu. 

Trong khi đó, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phòng Binh thuộc Học viện Quốc phòng PLA cho biết tàu sân bay "Liêu Ninh" sẽ tiến hành một loạt chuyến chạy thử trên biển để kiểm tra lại những kết quả của 10 chuyến thử nghiệm được tiến hành bởi Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc - đơn vị đã sửa chữa và nâng cấp tàu "Liêu Ninh" từ tàu "Varyag" mua lại của Ucraina. Theo Phó Giáo sư Phòng Binh, hải quân PLA sẽ tập trung vào việc đảm bảo vận hành trơn tru các thiết bị trên tàu và tiến hành thêm các chuyến chạy thử nghiệm liên quan tới các mục đích quân sự. Sau đó con tàu sẽ huấn luyện với các tàu ngầm, tàu chiến và máy bay để đạt mục tiêu cuối cùng là thành lập một đội tàu chiến. Mặc dù vậy, tàu sân bay này vẫn sẽ là một con tàu dùng vào mục đích huấn luyện. Ông Mạnh Tường Thanh, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc nói với phóng viên của nhật báo trên rằng tàu sân bay "Liêu Ninh" mang số hiệu 16 để ám chỉ rằng tàu này đơn thuần chỉ dùng vào các mục đích huấn luyện. Hai tàu mang số hiệu có hai chữ số còn lại của PLA là hai tàu huấn luyện ở Đại Liên. 

Phó Giáo sư Phòng Binh nhận định rằng việc sửa chữa lại tàu sân bay cũ từ thời Liên Xô (mất 7 năm) là một biện pháp giúp Trung Quốc đóng các tàu sân bay của riêng nước này trong tương lai. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Tôi luôn luôn sử dụng phép suy luận này. Nó giống như chúng ta mua một ngôi nhà chưa hoàn thiện bởi vì trước đó chúng ta chưa bao giờ xây một ngôi nhà. Khi chúng ta biết về cấu trúc của ngôi nhà, chúng ta có thể học cách xây những ngôi nhà của riêng mình”. Theo báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hồng Công) số ra ngày 27/9, bài bình luận trên trang nhất của nhật báo "Quân Giải phóng" mới đây nhấn mạnh rằng tàu sân bay "Liêu Ninh" là một biểu tượng cho vị thế “nước lớn” của Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ tàu sân bay "Liêu Ninh" sẽ mang theo loại máy bay nào. Phát biểu trên báo điện tử "Nhân dân Nhật báo", Đại tá Đỗ Văn Long, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cho rằng loại máy bay cũ J-11 sẽ là một sự lựa chọn tốt.

 

Lê Sơn (gt)