304060_460.jpg

Một số chuyên gia quân sự dự đoán rằng trong vòng hơn một thập kỷ tới, Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể sẽ có nhiều tàu chiến hơn Washington. Việc Bắc Kinh củng cố quân đội là một phần trong chiến lược để kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông và để đẩy lui Mỹ. Việc duy trì sự áp đảo của quân đội Mỹ trên trường quốc tế là trọng tâm trong kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng thêm 54 tỷ USD (khoảng 9%) của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, chỉ riêng điều đó là chưa đủ để duy trì ưu thế quân sự của Washington trong khu vực. Trong hai thập kỷ qua, hầu hết mỗi năm, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lại tăng thêm hai con số, dù tốc độ này đã chậm lại đôi chút trong năm 2016. Quan trọng hơn, Bắc Kinh cũng áp dụng một loạt chiến lược khiến Washington không đưa ra được biện pháp ứng phó thực sự hiệu quả. Mặc dù cách tiếp cận của Washington ở châu Á vẫn là tập trung vào khả năng điều động các tàu sân bay di chuyển qua “sân sau” của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn làm mọi thứ có thể để thay đổi thế cân bằng chiến lược chống lại các đối thủ của họ. Chiến lược này bao gồm tăng cường các hệ thống vũ khí mới và mở rộng năng lực hải quân thông thường bên cạnh một loạt chiến thuật khác như xây dựng các căn cứ hải quân, các trạm điện nổi và các đảo nhân tạo.

Một số quan chức quân sự Mỹ đương chức và về hưu cho rằng câu hỏi đặt ra hiện nay là “Khi nào cuộc xung đột khu vực sẽ nổ ra?” thay vì “Liệu điều đó có xảy ra hay không?”. Rất có thể cuộc đối đầu kéo dài nhiều thập kỷ được kiềm chế trong ngưỡng an toàn sẽ bị kích động thành một cuộc chiến thực sự. Điều đó sẽ nằm hoàn toàn trong kế hoạch của Trung Quốc. Đây là cuộc chơi mà Bắc Kinh đã tham gia ngày một “tích cực” kể từ năm 1995, khi quân đội Trung Quốc bắn một số tên lửa và tiến hành chiến dịch quân sự quanh Đài Loan, vốn được Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai. Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó đã phản ứng bằng cách điều động hai tàu sân bay tới tuần tra vùng biển giữa Đài Loan và lục địa Trung Quốc, một động thái khiến quân đội Bắc Kinh gần như không thể làm gì để ngăn chặn, ngoại trừ việc kích động cuộc chiến mà họ biết rằng họ sẽ không thể chiến thắng.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã tập trung vào việc tăng cường khả năng để ngăn chặn các lực lượng của Mỹ, cụ thể là các tàu sân bay, ở vùng lân cận của Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho rằng hiện Trung Quốc đã sở hữu đủ các công nghệ vũ khí - như tàu ngầm, tên lửa và máy bay chiến đấu - khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ không muốn “liều mình” đưa các tàu sân bay lại gần bờ biển Trung Quốc lần nữa. Trung Quốc được cho là có hàng nghìn tên lửa đạn đạo nhằm vào Đài Loan cũng như các vũ khí hải quân để phá hủy các tàu chiến gần đó. Một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể tìm cách giành lại hòn đảo này vào một thời điểm nào đó trong vòng hai thập kỷ tới. Mục tiêu trước mắt của Bắc Kinh dường như là mở rộng năng lực quân sự tới một số rạn san hô và hòn đảo giàu tiềm năng năng lượng mà các nước khác như Philippines, Việt Nam và Malaysia cũng yêu sách chủ quyền.

Hiện không một nước nào có chiến lược để ngăn chặn Trung Quốc. Tại buổi điều trần để phê chuẩn chức ngoại trưởng Mỹ, tân Ngoại trưởng Rex Tillerson đã khiến nhiều người sửng sốt khi đề xuất rằng các lực lượng của Mỹ có thể ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo tranh chấp. Tuy nhiên, điều đó chắc chắn sẽ kích động chiến tranh và từ đó ý tưởng này chưa được đề cập lại. Nếu xét theo nhiều góc độ, những gì đang xảy ra ở Biển Đông gần giống các bước đi mà Nga, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, đã thực hiện ở Crimea trong vụ sáp nhập năm 2014, đó là sử dụng các tay súng vũ trang không mặc quân phục để thay đổi thực địa trước khi Ukraine hay các đồng minh của họ có thể phản ứng. Nga sau đó đã cho thấy họ sẵn sàng công khai sử dụng lực lượng quân sự, dù vẫn chính thức phủ nhận điều này, để kiểm soát một số vùng nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine. Câu hỏi trong vấn đề Biển Đông là liệu Bắc Kinh có đang xem xét kịch bản tương tự hay không, và điều gì sẽ xảy ra nếu họ làm vậy? Trung Quốc cũng đang ngày một tập trung để có được các vũ khí quân sự tiên tiến và có giá trị lớn mà Mỹ từng sử dụng để chống lại họ trong quá khứ. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - được xây dựng lại từ con tàu cũ của Liên Xô - đang ngày một trở nên có hiệu quả, dù nó chủ yếu được dùng cho công tác huấn luyện. Trung Quốc cũng đang tiến hành đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên và được cho là đang nghiên cứu con tàu thứ hai.

Theo một số dự đoán, trong vòng 10-15 năm tới, Trung Quốc có thể xây dựng hạm đội hải quân lên tới 500 đơn vị, gồm 4 tàu sân bay, 100 tàu ngầm và các tàu hộ tống nhỏ tinh vi, các tàu tuần tra và các máy bay chiến đấu. Trong khi đó, ông Trump có kế hoạch mở rộng Hải quân Mỹ lên tới khoảng 350 tàu hải giám, bao gồm tỷ lệ lớn hơn các tàu hải giám có năng lực cao hơn, nhưng dàn trải rộng khắp thế giới. Trong khi tuần tra ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, tàu sân bay Carl Vinson một lần nữa cho thấy sức mạnh quân đội Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra chiến tranh thực sự, hiện vẫn chưa rõ con tàu lớn như vậy có thể chống chọi được bao lâu trước khi bị đánh chìm. Bất luận thế nào, tàu Carl Vinson cũng sẽ rời đi, dù các lực lượng khác vẫn ở lại, và Trung Quốc sẽ vẫn tiến hành hoạt động xây dựng ở đây.

Theo “Reuters

Vũ Hiền (gt)