Báo cáo đánh giá chiến lược hàng năm của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản (NIDS) thường xem xét tình hình an ninh xung quanh bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Đông Nam Á, Nga và Mỹ cũng như những tác động đối với các chiến lược quốc phòng của Nhật Bản. Nhưng năm nay, báo cáo này có thêm một phụ lục nghiên cứu ảnh hưởng và sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực và rộng hơn thế.

Masayuki Masuda, một nhà nghiên cứu cấp cao của NIDS, nhận xét rằng ảnh hưởng của giới quân sự Trung Quốc đối với Đảng Cộng sản nước này đang giảm dần. Việc các tướng lĩnh quân sự gần đây “lớn tiếng” thực tế chỉ là thể hiện tự do ngôn luận rộng hơn ở Trung Quốc cũng như ở Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Nhà nghiên cứu trên cho rằng sự mạnh bạo, hùng hổ mà Bắc Kinh thể hiện ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một hành động tranh thủ thời cơ để giành lấy một phần ảnh hưởng Mỹ đã đánh mất trong cộng đồng quốc tế và giai đoạn này đã kết thúc. Trong 6 tháng qua, Trung Quốc lại trở nên “thận trọng” hơn.

Tầm quan trọng về thông tin tình báo, đánh giá các tham vọng của Trung Quốc trong khu vực đã trở nên ngày càng rõ ràng sau vụ đụng độ giữa tàu đánh cá Trung Quốc với lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) hồi tháng 9/2010. Vụ việc đã kéo theo những tranh cãi ngoại giao lớn, tác động đến quan hệ song phương. Ông Masuda cho biết báo cáo lưu ý đặc biệt đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở “những khu vực ngoại biên” như biển Đông, nhất là bởi những lực lượng không quân và hải quân đang được tăng cường mạnh mẽ, cũng như các ảnh hưởng của chúng tới Nhật Bản. Lĩnh vực khác được báo cáo tập trung đánh giá là việc PLA đẩy mạnh sử dụng ngoại giao quân sự.

Ông Masuda chỉ ra rằng trong khi nỗ lực phát triển khả năng hải quân “biển xa” của Trung Quốc có từ lâu, những hoạt động này trở nên rõ ràng hơn trong năm 2009. Kế hoạch cũng đã được Đảng Cộng sản phê chuẩn và xu hướng đó thể hiện qua những cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở biển Đông hồi tháng 7/2010.

Nhà nghiên cứu này đánh giá: “Có một sự tập trung rất rõ ràng trong những cuộc tập trận đó vào khả năng tiếp nhiên liệu trên không của PLA. Một trong những ngụ ý là nếu xảy ra tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ muốn giải quyết thông qua ngoại giao, song họ vẫn muốn thể hiện sức mạnh quân sự để hướng tới kết quả có lợi cho họ. Đặc biệt, Trung Quốc đang tập trung vào các khả năng tiếp nhiên liệu trên không vì có thể thấy rất rõ họ muốn bảo đảm việc kiểm soát không phận Biển Đông”. Nhiệm vụ này dường như vẫn chưa đạt được vì có những vấn đề trong tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu Sukhoi-30 của Trung Quốc. Nhận thấy điều đó, quân đội Trung Quốc đang phát triển các máy bay vận tải có thể biến đổi thành máy bay tiếp nhiên liệu trên không.

Về ngoại giao quân sự, ông Masuda cho rằng PLA đang tận dụng các cơ chế đa phương để thể hiện họ sẵn sàng hợp tác, ví dụ như các cuộc diễn tập quân sự chung gần đây chống khủng bố. Tuy nhiên, vẫn có một động cơ sâu xa hơn cho sự hợp tác này. Các nhà chiến lược PLA chủ trương dùng ngoại giao quân sự để đạt được sự thỏa hiệp trong các thương lượng quốc tế thông qua thể hiện sức mạnh quân sự của mình và “răn đe”, ngăn cản các đối thủ tiềm tàng.

Trong quan hệ Trung-Nhật, Masuda nhận định dường như Bắc Kinh muốn tìm kiếm một quan hệ hợp tác hơn. Dù trao đổi quân sự hai bên tăng mạnh trong những năm gần đây, dự định của Trung Quốc là hướng về xây dựng một quan hệ chính trị hơn là một quan hệ an ninh.

Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng