Tháng 4/2012, TTg Ôn Gia Bảo thăm Băng Đảo đã ký một hiệp định khung với TTg Băng Đảo về việc hợp tác ở vùng cực. TTg Băng Đảo bày tỏ sự ủng hộ TQ trở thành quan sát viên thường trực của Hội đồng vùng Cực vào năm 2013. Hiện nay, ngoài TQ, các nước Brazil, Ấn Độ, Italia, Nhật và EU cũng đang muốn trở thành quan sát viên của Tổ chức này.

Có 3 lý do để TQ nhòm ngó Bắc Cực: 1) Khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở đây, với 30% trữ lượng khí đốt thế giới, 13% trữ lượng dầu mỏ, 10% than đá và các khoáng sản khác, trong đó có cả đất hiếm;

2) Tham gia vào tuyến đường hàng hải qua vùng cực. Dự kiến đến năm 2050, vào mùa hè, 80% diện tích Bắc Băng Dương sẽ không phủ băng. Vận chuyển hàng hóa từ Thượng Hải đến Hambourg (Đức) qua đường Bắc Băng Dương và eo biển Bering sẽ giúp giảm 6.400 km hành trình so với tuyến đường qua eo Malacca và kênh đào Suez, thêm vào đó còn tránh được nguy cơ cướp biển. TQ cũng như Nhật và HQ hiện nay đều muốn tham gia vào các cuộc thương thảo về quy chế vận chuyển hàng hải qua Bắc Băng Dương. Tuyến đường qua Bắc Cực do đó có ý nghĩa chiến lược như điểm chốt khác là Suez, Singapore và Panama. Nếu tuyến đường này thành hiện thực, nhiều cảng ở Bắc Âu sẽ trở thành cửa ngõ vào Châu Âu của TQ;

3) Tham gia nghiên cứu khoa học. Việc nghiên cứu các số liệu tan băng ở Bắc Cực có ý nghĩa gián tiếp đối với chính sách công nghiệp ở các nước, trong đó có TQ do liên quan đến cam kết về giảm phát thải CO2. Công tác lập hải đồ, xây dựng quy chế khai thác tài nguyên, phân định chủ quyền và khu vực sử dụng cũng đều có ý nghĩa chiến lược đối với TQ vì khả năng tan băng ở Bắc Cực vào năm 2050 càng đẩy nhanh nhu cầu xây dựng các định chế, quy tắc liên quan đến biển ở đây.

Hiện nay trong Hội đồng vùng Cực, có Băng Đảo, Thụy Điển và Đan Mạch là đang ủng hộ TQ; Na Uy chưa quyết định vì còn vướng vụ Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba; Nga thì chống. Mỹ và Canada đặt điều kiện phải công nhận các văn bản của Hội đồng vùng Cực và chủ quyền của các nước thành viên thường trực Hội đồng. Điều này hẳn là TQ không muốn vì sợ bị mắc vào các tranh chấp về phân định biển giữa các nước trong Hội đồng (cũng có thể ảnh hưởng đến yêu sách của TQ ở Biển Đông). Do đó, TQ chỉ muốn dựa vào khái niệm tài sản chung của nhân loại và không thuộc quyền sở hữu của ai cả nêu trong Công ước về luật biển của LHQ. TQ cũng đã tuyên bố Bắc Cực là vùng lợi ích chiến lược của TQ và đòi có phần chủ quyền và quyền tiếp cận tài nguyên ở đây.

Trước nguy cơ tranh chấp đó, nhiều nước có liên quan đến chủ quyền ở đây là thành viên của NATO có thể viện dẫn đến khả năng phòng thủ tập thể khi lợi ích bị động chạm. Tuy nhiên, cũng có thể theo hình mẫu của 5 trong số các nước thành viên thường trực của Hội đồng vùng Cực khi các nước này năm 2008 ký một tuyên bố chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan đến khu vực đặc quyền kinh tế ở khu vực.

 

Theo Tạp chí Asie 21 số 49 (Pháp) 

Hương Lan (gt)