Trong bối cảnh vấn đề căng thẳng Biển Đông đang tiếp tục diễn ra, tình hình đảo Điếu Ngư nóng lên, một loạt chuyến thăm nhằm tăng cường an ninh phòng vệ của quân đội Trung Quốc được cả thế giới quan tâm.

I- Tạo dựng môi trường an ninh hợp tác tin cậy lẫn nhau

Nhận lời mời của Tư lệnh hải quân Nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ -Thượng tướng Bill Gaelic, ngày 3/9/2012 Ủy viên Quân ủy trung ương, Tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi đã dẫn đầu đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc đi thăm hữu nghị chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Tư lệnh Ngô Thắng Lợi hội kiến với nhà lãnh đạo quân đội và hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, đi thăm một số đơn vị hải quân và trường quân sự của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời mở rộng giao lưu hợp tác, đi sâu trao đổi ý kiến thiết thực trong các lĩnh vực giao lưu cấp cao, tàu chiến thăm lẫn nhau, hợp tác hộ tống tàu biển, giao lưu giữa các trường, viện của hải quân hai nước. Trước khi Tư lệnh Ngô Thắng Lợi đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/9 Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đi thăm Ấn Độ 5 ngày, đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sau 8 năm gián đoạn. Trước đó, từ ngày 29/8 Bộ trưởng Lương Quang Liệt đã đi thăm Xri Lanca. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Xri Lanca.

Cũng trong ngày 2/9, nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng các nước Việt Nam, Mianma, Malaixia và Xinhgapo, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Mã Hiểu Thiên đã khởi hành đi thăm bốn nước nói trên, lần lượt tham gia thảo luận, bàn bạc về an ninh quốc phòng lần thứ 6 với Bộ Quốc phòng Việt Nam, thảo luận bàn bạc về an ninh quốc phòng lần đầu tiên giữa hai Bộ Quốc phòng Trung Quốc – Malaixia, đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 4 giữa Trung Quốc và Xinhgapo, đồng thời đi thăm hữu nghị chính thức Mianma. Trong tháng 8 vừa qua, hai Phó Tổng tham mưu trưởng của PLA là Ngụy Phượng Hòa và Thái Anh Đĩnh dẫn đầu đoàn đại biểu đi thăm Nga và Mỹ. Tháng 1 năm nay, các chuyến thăm cấp cao liên tục như vậy của quân đội Trung Quốc được dư luận quan tâm. Là một bộ phận quan trọng của ngoại giao tổng thể quốc gia, ngoại giao quân sự Trung Quốc gần đây lại dấy lên cao trào mới. Trong số các quốc gia mà lãnh đạo cấp cao quân đội Trung Quốc đi thăm lần này vừa có các nước láng giềng lân cận, vừa có nước lớn như Mỹ, Nga. Có ý kiến phân tích cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực thông qua giao lưu quân sự nhiều cấp độ như vậy để tạo dựng môi trường an ninh quân sự hợp tác tin cậy lẫn nhau.

II- Liên tiếp đi thăm láng giềng thúc đẩy lòng tin quân sự - Giao lưu quân sự Trung-Ấn được quan tâm

Từ hàng loạt chuyến thăm cấp cao liên tục lần này cho thấy việc Trung Quốc chú trọng tăng cường giao lưu an ninh quốc phòng với các nước xung quanh có đặc điểm rất rõ rệt. Các nước Ấn Độ, Lào do Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt đến thăm; các nước Việt Nam, Mianma, Malaixia, Xinhgapo do Phó Tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên đến thăm; nước Nga do Phó Tổng tham mưu trưởng Ngụy Phượng Hòa đến thăm, đều là các nước láng giềng của Trung Quốc.

Về phát triển quan hệ quân sự của Trung Quốc với các nước xung quanh, người phát ngôn báo chí Bộ Quốc phòng Cảnh Nhạn Sinh ngày 30/8 nhấn mạnh Trung Quốc tuân thủ phương châm ngoại giao thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là bạn, kiên trì quan điểm an ninh mới về tin cậy lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, sẵn sàng trở thành láng giềng tốt, người bạn tốt, đối tác tốt với các nước trong khu vực. Quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng cao sự tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác, chung tay đối phó thách thức, không ngừng nỗ lực bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực.

Trong các chuyến giao lưu quân sự với các nước xung quanh lần này, cuộc gặp giữa Trung Quốc và Ấn Độ thu hút sự quan tâm nhiều nhất. Chuyến thăm Ấn Độ lần này của Bộ trưởng Lương Quang Liệt là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sau 8 năm, kể từ tháng 3/2004, chuyến thăm Trung Quốc gần đây nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cũng cách đây 6 năm, vào năm 2006.
Theo lịch trình, trong thời gian ở thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Lương Quang Liệt gặp Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Anthony và các quan chức quân sự cấp cao khác của Ấn Độ, đồng thời hội kiến với Thủ tướng Ấn Độ Mamohan Singh. Bộ Quốc phòng Ấn Độ trước đó cho hay Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thảo luận, bàn bạc những công việc liên quan đến quốc phòng và an ninh, bao gồm tăng cường biện pháp giữ gìn hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới giữa hai nước, thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa lực lượng vũ trang hai nước. Hai bên cũng sẽ thảo luận vấn đề tái khởi động diễn tập quân sự hỗn hợp Trung - Ấn mang tên “ Tay nắm tay” lần thứ ba tại Trung Quốc vào năm tới.

Các nhà phân tích cho rằng những năm gần đây, động thái của Ấn Độ trong vấn đề Nam Hải đã khiến Trung Quốc lo ngại, trong khi Ấn Độ cũng có nhiều nghi kỵ về cách làm của Trung Quốc trong các công việc ở Ấn Độ Dương, lần giao lưu hiện nay giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ có ý nghĩa tích cực trong việc tăng thêm lòng tin, giảm bớt nghi kỵ, bảo vệ an ninh ở khu vực. Trong chuyến thăm Xri Lanca trước đó, Bộ trưởng Lương Quang Liệt cũng nhấn mạnh Trung Quốc phát triển quan hệ ngày càng mật thiết với các quốc gia Nam Á là nhằm đảm bảo an ninh và ổn định khu vực chứ không có ý đồ làm tổn hại cho bất cứ bên thứ ba nào.

III- Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc thăm Mỹ trong thời kỳ nhạy cảm để nhấn mạnh chủ quyền đảo Điếu Ngư, tránh hiểu lầm

Ngoài tăng cường giao lưu quân sự với các nước xung quanh, trong thời điểm vấn đề Nam Hải, đảo Điếu Ngư một lần nữa nóng lên, việc Phó Tổng tham mưu trưởng PLA Thái Anh Đĩnh đi thăm Mỹ từ ngày 20 – 28/8 cũng được dư luận chú ý. Là một bộ phận của quá trình cơ chế hóa các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau giữa hai quân đội Trung Quốc – Mỹ, chuyến thăm Mỹ lần này của phái đoàn Thái Anh Đĩnh diễn ra chỉ hơn ba tháng sau chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt đầu tháng 5/2012. Trong chuyến thăm, Phó Tổng Tham mưu trưởng Thái Anh Đĩnh đã lần lượt hội kiến với Thứ trưởng thường trực Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Vinny Rumsfeld, Phó Tham mưu trưởng lục quân Mỹ Austin, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Locklear, đồng thời tham quan căn cứ quân sự Mỹ, tọa đàm với các học giả nổi tiếng Mỹ, thăm tàu khu trục Aegis thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Về vấn đề đảo Điếu Ngư, khi trả lời phỏng vấn báo chí ông Thái Anh Đĩnh cho biết trong khi đề cập đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như chủ quyền, an ninh và trong các vấn đề lớn cần quan tâm, đoàn đại biểu Trung Quốc đã trình bày lập trường nguyên tắc của mình, nhấn mạnh ý thức chủ quyền mạnh mẽ của nhân dân và quân đội Trung Quốc, nói rõ hành vi xâm chiếm trái phép đảo Điếu Ngư của Nhật Bản không làm thay đổi được chủ quyền của Trung Quốc ở đảo này. Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối Mỹ coi đảo Điếu Ngư là đối tượng để áp dụng Hiệp ước đảm bảo an ninh Mỹ - Nhật, hối thúc Mỹ có nhiều nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bảo vệ cục diện lớn của quan hệ hữu nghị Trung – Mỹ.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ của Thái Anh Đĩnh, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 30/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta sẽ thăm Trung Quốc vào giữa tháng 9. Người phát ngôn báo chí Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho hay Trung Quốc hết sức coi trọng chuyến thăm này và đang tiến hành công tác chuẩn bị một cách nghiêm túc. Ngoài ra, ông Cảnh Nhạn Sinh cũng cho biết quân đội Mỹ - Trung sẽ còn trao đổi các đoàn và các trường viện đi thăm lẫn nhau mang tính cơ chế, mở rộng giao lưu trong các lĩnh vực chuyên môn, đồng thời còn có kế hoạch tổ chức diễn tập quân sự hỗn hợp chống cướp biển. Ngành quốc phòng hai nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ và trao đổi thường xuyên về vấn đề này.

Theo các nhà phân tích tình hình Biển Đông và tình hình Biển Hoa Đông thời gian gần đây bị chấn động, Mỹ liên tục diễn tập quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh đó, quân đội hai nước Mỹ - Trung cũng giữ liên hệ tiếp xúc chặt chẽ trên cơ sở được cơ chế hóa, đó là biểu hiện về quan hệ quân đội hai nước ngày càng tốt đẹp, có lợi cho việc nâng cao lòng tin lẫn nhau, tránh hiểu lầm và nhận định sai lệch về nhau.

Theo Mạng Tân Hoa (ngày 4/9)

Lê Sơn (Nhật Linh)