Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 8 lần trong 20 năm qua và việc Bắc Kinh tăng cường năng lực quân sự trở thành điều ai cũng thấy. Cũng trong thời gian đó, Trung Quốc đã trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai trên thế giới. Số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) - chuyên theo dõi chi tiêu quốc phòng - cho thấy năm 2012, Trung Quốc chiếm gần 10% chi phí quân sự toàn cầu. Theo các số liệu chính thức, số tiền mà Trung Quốc bỏ ra cho quốc phòng nhiều hơn cả của Nga và Anh cộng lại, mặc dù chỉ bằng 1/4 so với mức mà nước Mỹ đang khó khăn tài chính dành cho các lực lượng vũ trang của họ. 

Tuy nhiên, điều mà ít người nhận thấy hơn là hiệu ứng Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự đang tác động lên toàn châu Á. Năm 2012, năm đầu tiên trong lịch sử hiện đại, các nước châu Á đã vượt qua châu Âu về chi tiêu quốc phòng. Từ Ấn Độ cho tới Hàn Quốc, từ Việt Nam cho tới Malaysia, các chính phủ trong khu vực đang đua nhau tăng chi tiêu quốc phòng. Ngay cả Nhật Bản sau nhiều năm cắt giảm chi tiêu quốc phòng nay cũng bắt đầu đảo ngược xu hướng này khi Tokyo thay đổi tư thế phòng vệ để đối phó với điều mà họ cho là mối đe dọa Trung Quốc ngày càng tăng. 

Trong một chừng mực nào đó, việc châu Á tăng cường năng lực vũ trang ở thời điểm Mỹ và châu Âu đang giảm bớt chi phí quân sự được coi là một sự chuyển đổi "tự nhiên" đối với một khu vực đang phát triển nhanh chóng. Khi kinh tế tăng trưởng, các nước có xu hướng hiện đại hóa năng lực quốc phòng. Mặc dù vậy, việc xây dựng năng lực vũ khí ở châu Á lại có một khía cạnh khác đáng lo ngại hơn. Đó là điều mà Desmond Ball, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học quốc gia Australia, gọi là "các động lực phản ứng hành động". Nói thẳng ra thì có một cuộc chạy đua vũ trang kiểu cũ đang diễn ra. Học giả Robert Kaplan, cũng là tác giả cuốn "Vạc chảo của châu Á", một cuốn sách mới về Biển Đông, gọi nó là "một trong những câu chuyện ít được đưa tin nhất trong truyền thông chính thống hàng thập kỷ qua".

Tờ "Thời báo Tài chính" cho rằng có nhiều yếu tố dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang này mà yếu tố lớn nhất là sức mạnh đang lên của Trung Quốc, quốc gia đang khiến các nước khác như Ấn Độ, Việt Nam và Philippines phải suy nghĩ và đầu tư nhiều hơn về quốc phòng. Ngoài ra, đó còn là mối lo ngại bị thổi phồng rằng tình trạng hòa bình quốc tế tương đối sắp đi đến hồi kết - cho dù Washington đang thực hiện chính sách "xoay trục" hay "tái cân bằng" với châu Á. Các căng thẳng ngoại giao khác như giữa Ấn Độ và Pakistan hay giữa hai miền Triều Tiên, cũng là những yếu tố góp thêm vào cuộc chạy đua này. 

Một trong những tích lũy năng lực quân sự đáng chú ý nhất diễn ra tại Ấn Độ, quốc gia năm ngoái đã trở thành nước mua vũ khí Mỹ nhiều nhất. Năm 2010, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Lượng vũ khí Ấn Độ sắm về từ Mỹ là nhằm thu hẹp cách biệt công nghệ. Hãng Dassault của Pháp cũng đang chờ New Delhi hoàn tất thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Rafale có tổng trị giá tới 20 tỉ USD. Từng tuyên bố dành 44 tỉ USD cho quốc phòng, Ấn Độ hiện có 45 tàu chiến và tàu ngầm đang được xây dựng.

Không chỉ Ấn Độ, chi phí quốc phòng của Malaysia cũng đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2000. Singapore, từng theo đuổi chiến lược "tôm độc", hiện nằm trong tốp 10 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Là quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á song Singapore đang có lực lượng không quân lớn nhất. Trên khắp châu Á, việc mua sắm tàu ngầm đang tăng mạnh. Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam đều có kế hoạch mua 6 tàu vào cuối thập kỷ này. Australia đang trong cao trào thực hiện cuộc hiện đại hóa quốc phòng quan trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, muốn có thêm 20 tàu ngầm nữa sau hai thập kỷ tới. Tổng cộng, các nước châu Á sẽ mua 110 tàu ngầm trong vòng 15 năm tới. 

Hàn Quốc cũng ráo riết không kém trong việc nâng cao năng lực quân sự và sẽ sớm lọt vào tốp 10 nước xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Ngay cả Nhật Bản, nước từng tự cấm mình xuất khẩu vũ khí kể từ khi kết thúc chiến tranh, cũng sắp nới lỏng hạn chế này nhằm có thể tham gia các chương trình phát triển vũ khí đa quốc gia như dự án máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ phát triển cùng 8 quốc gia khác./. 

Theo "Thời báo Tài chính" (ngày 2/4)

Vũ Hiền (gt)