Năm 2016, cổ phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn của Mỹ về tỉ lệ ngang bằng sức mua. Đây là một diễn biến động trời: năm 1980, khi Mỹ chiếm 25% sản lượng thế giới, cổ phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu mới chỉ là 2%. Nhưng vào lúc này, sau 30 năm trong lĩnh vực địa chính trị, người Mỹ dường như đang mất dần đi sự lão luyện khi họ cần nó nhất. Các nhà lãnh đạo Mỹ còn ngây thơ khi trông cậy vào sự trỗi dậy mạnh mẽ và hòa bình của Trung Quốc. Ở một điểm nào đó, Mỹ đang tỉnh giấc sau giấc ngủ địa chính trị của họ; đã có những dấu hiệu là họ bắt đầu mở mắt. 

Trung Quốc bắt đầu có những sai lầm nghiêm trọng. Sau khi Nhật Bản chấp nhận sức ép từ phía Trung Quốc và thả tự do cho một tàu cá của Trung Quốc bị bắt giữ vào tháng 9/2010, Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn tới và đòi phải có lời xin lỗi từ phía Nhật Bản, đặt người Nhật vào tình thế khó xử. Tương tự như vậy, sau khi Bắc Triều Tiên nã pháo làm thiệt mạng người dân vô tội Hàn Quốc vào tháng 11/2010, Trung Quốc vẫn giữ im lặng. Trong một phản ứng có cân nhắc, Hàn Quốc đã cử đại sứ của mình tới lễ trao giải Nobel hòa bình cho nhà hoạt động nhân quyền bị giam giữ của Trung Quốc Lưu Hiểu Ba vào tháng 12/2010. Trung Quốc cũng gây ra mối nghi ngờ đối với người Ấn Độ bằng việc từ chối cấp visa cho các quan chức cấp cao nước này. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sau đó đã trấn an Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong các cuộc gặp song phương, nhưng sự khiêu khích không cần thiết này đã để lại mối hoài nghi trong lòng Ấn Độ. 

Nhưng tất cả những sai lầm trên không thể so sánh được với những gì Trung Quốc đã làm với ASEAN vào tháng 7 vừa qua. Lần đầu tiên trong 45 năm qua, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) đã không có được một Thông cáo chung bởi vì nước Chủ tịch ASEAN hiện nay là Campuchia không muốn Thông cáo chung liên quan tới những tranh cãi song phương ở Biển Đông. Nhưng nói tóm lại, hầu hết các nước đều hiểu rằng lập trường trên của Campuchia là do sức ép lớn từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến thắng của Trung Quốc lại phải trả giá đắt. Họ thắng trong trận chiến Thông cáo chung, nhưng họ có thể mất 20 năm khó khăn mới đạt được sự thiện chí như thỏa thuận tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc ký tháng 11/2002. Điều quan trọng hơn là các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiền nhiệm từng tính toán rằng một ASEAN thống nhất và mạnh mẽ có thể tạo ra khu đệm giá trị chống lại bất kỳ khả năng chiến lược ngăn chặn nào của Mỹ. Nhưng hiện nay, bằng cách chia rẽ ASEAN, Trung Quốc đã tạo cho người Mỹ có cơ hội địa chính trị tại khu vực này. Nếu Đặng Tiểu Bình còn sống, chắc ông ta sẽ rất lo ngại về vấn đề này. 

Có thể không công bằng khi chỉ đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì sự thất bại của ASEAN. Còn một lý do nữa là do các quan chức ít thâm niên đã sốt sắng thúc đẩy một cách cứng nhắc vấn đề Biển Đông, điều mà bất kỳ lãnh đạo Trung Quốc nào, nếu được lựa chọn, đều sẽ tìm cách phá hỏng Thông cáo chung của AMM. Nhưng thực tế những gì xảy ra đã cho thấy tầm quyết sách kém cỏi gần đây của Trung Quốc. Đường chín đoạn mà Trung Quốc đã vẽ ra trên Biển Đông có thể không chứng minh được gì, nhưng lại là trách nhiệm địa chính trị lớn trên vai của Trung Quốc. Thật không khôn ngoan khi gắn tấm bản đồ này bằng một lưu ý miệng để đáp lại việc cả Việt Nam và Malaixia cùng đệ trình lên Ủy ban LHQ về ranh giới thềm lục địa hồi tháng 5/2009. Đó là lần đầu tiên Trung Quốc công khai đưa tấm bản đồ đường chín đoạn lên Liên hợp quốc và nó đã gây ra mối lo ngại lớn trong số các nước thành viên ASEAN. 

Cơ hội địa chính trị được hiểu là việc bao gồm cả bản đồ này đã không lọt qua khỏi người Mỹ, điều này giải thích tại sao Mỹ lại bất ngờ thực hiện một nỗ lực khác thường nhằm phê chuẩn Công ước LHQ về luật biển. Việc đưa ra Liên hợp quốc bản đồ đường chín đoạn đã khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc bảo vệ quan điểm này theo luật quốc tế và thậm chí rơi vào tình trạng không thể chiến thắng. Trong nước cũng vậy, bản đồ đường chín đoạn có thể gây nhiều phiền toái cho chính phủ vì những lời chỉ trích hiện nay. Bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào cũng sẽ vạch trần những trò chơi chính trị của các quan chức. Nói một cách khác, một vài khối đá trên Biển Đông đã đặt Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. 

Không nghi ngờ là Trung Quốc sẽ phải tìm cách thỏa hiệp về đường chín đoạn. Về mặt riêng tư, họ đã bắt đầu tiến hành điều này. Mặc dù đường chín đoạn này bao trùm cả vùng nước phía Đông Bắc đảo Natuna do Inđônêxia sở hữu, Chính phủ Trung Quốc đã bảo đảm với Inđônêxia rằng Trung Quốc sẽ không tuyên bố chủ quyền đảo Natuna hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Sự đảm bảo này đã làm dịu đi mối quan hệ với Inđônêxia. Vậy tại sao lại không thực hiện một cách tương tự với các nước ASEAN khác? Gia sản của Đặng Tiểu Bình và người tiền nhiệm của ông, Mao Trạch Đông, là rất khác nhau. Nhưng hai nhà lãnh đạo quan trọng nhất này của Trung Quốc phải thừa nhận cùng có chung một điểm: là đều phải xuôi ngược để thỏa hiệp về lãnh thổ nhằm giải quyết các tranh chấp biên giới. Điều đó lý giải tại sao Trung Quốc luôn rộng rãi với Nga, ví dụ, trong việc giải quyết vấn đề biên giới của họ. 

Mao và Đặng có thể làm điều này là vì cả hai đều là lãnh đạo Trung Quốc có tầm cỡ. Thách thức đối với thế giới hiện nay là việc Trung Quốc đang trở nên đa nguyên chính trị: không có một nhà lãnh đạo nào có đủ sức mạnh để có sự nhượng bộ đơn phương một cách thông minh.

Sẽ không có gì thay đổi tại Trung Quốc cho tới khi việc chuyển giao quyền lãnh đạo được hoàn tất vào tháng 11/2012. Chính quyền mới của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ cần một thời gian để ổn định. Nhưng người Mỹ đang tỉnh giấc. Do vậy, còn một khoảng trống phía trước đến năm 2016. Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Trung Quốc với tư cách là nước rành về địa chính trị sẽ trở lại vị trí số hai vào lúc nào?./. 

Tác giả Kishore Mahbubani là Trưởng khoa chính sách công thuộc trường Đại học quốc gia Xinhgapo.

Theo Bangkokpost (ngày 2/8)

Vũ Hiền (gt)