Một khía cạnh của chính sách đối với Iran của Trung Quốc cho thấy một nỗ lực chân thành nhằm ủng hộ chế độ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trong việc hợp tác với Mỹ. Một khía cạnh khác cho thấy Bắc Kinh tin rằng một nước Iran được trang bị vũ khí hạt nhân hoặc có khả năng được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ phục vụ cho những lợi ích địa chính trị của Trung Quốc ở vùng Vịnh Pécxích. Trung Quốc đang chơi một trò chơi kép đối với Iran chăng? Câu hỏi này không thể được trả lời một cách chắc chắn, nhưng do tầm quan trọng của nó, một nỗ lực thử nghiệm và phần nào mang tính suy đoán cần thiết để xem xét đầy đủ vấn đề này là hợp lý. 

Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã hợp tác đáng kể với Mỹ trong nỗ lực nhằm đảm bảo rằng Iran không có được các vũ khí hạt nhân vi phạm những nghĩa vụ NPT của nước này. Năm 1997, Bắc Kinh đã rút khỏi sự hợp tác hạt nhân với Iran dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ và là một phần của một nỗ lực có chủ ý nhằm mở rộng sự hợp tác của Bắc Kinh với Oasinhtơn. Từ năm 2006, Trung Quốc đã bỏ phiếu lần đầu tiên đề nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) báo cáo về vấn đề hạt nhân của Iran trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc theo Điều 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc ứng phó với các mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế. Nước này sau đó bỏ phiếu “ủng hộ” một loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an yêu cầu Iran ngừng làm giàu Uranium cũng như tái chế Plutonium, và đòi Têhêran hợp tác đầy đủ với những nỗ lực của IAEA để xác minh rằng các chương trình hạt nhân của Iran không được hướng vào việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Mỗi nghị quyết trong số những nghị quyết đó của Hội đồng Bảo an ngày càng áp đặt các biện pháp trừng phạt rộng rãi (cho dù chỉ ở mức độ không đáng kể như vậy) chống Iran về việc từ chối những yêu cầu của Hội đồng Bảo an. Khía cạnh này của sự ứng xử trong chính sách của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc đã và đang là một đối tác chiến lược đang nổi lên của Mỹ.

 Tuy nhiên, Bắc Kinh đã trì hoãn việc thông qua từng nghị quyết của Hội đồng Bảo an, đem lại có lẽ là vài năm cho Têhêran xúc tiến các chương trình hạt nhân của mình. Hoạt động ngoại giao của Bắc Kinh cũng làm giảm đáng kể mỗi biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, thu hẹp khả năng làm gián đoạn các hoạt động của Iran, làm cho các biện pháp đó mang tính tự nguyện chứ không phải bắt buộc, và quan trọng nhất, đảm bảo rằng chúng không gây khó khăn cho việc sản xuất và xuất khẩu năng lượng của Iran hoặc đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng của Iran. Tất nhiên, thu nhập của Iran từ xuất khẩu năng lượng là nguồn thu nhập chính của nước này và đã tài trợ cho các dự án hạt nhân của nước này. Khi các công ty của phương Tây và Đông Á rút khỏi sự dính líu thương mại với Iran khi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an và ngoài Liên Hợp Quốc do Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt được tăng cường, các công ty của Trung Quốc đã nắm bắt những cơ hội do một Têhêran ngày càng bị bao vây mang lại. Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng của Iran , vượt xa bất cứ nước nào khác.

 Bắc Kinh cũng đã giúp đỡ Iran trong những nỗ lực của nước này nhằm thoát khỏi sự cô lập quốc tế được Mỹ hậu thuẫn. Cuốn niên giám hàng năm do Bộ ngoại giao Trung Quốc phát hành ghi lại mức độ phát triển tương đối mạnh mẽ của các mối quan hệ qua lại cấp cao Trung Quốc – Iran khi sự lo ngại của quốc tế về các chương trình hạt nhân của Iran gia tăng trong những năm 2000. Sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với Iran trong các cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an, xu hướng của những người phát ngôn Trung Quốc coi vấn đề hạt nhân của Iran là sự va chạm giữa Mỹ và Iran, chứ không phải giữa cộng đồng quốc tế và Iran, và các chuyến viếng thăm lẫn nhau thường xuyên của các quan chức cấp cao có thể tiến được một khoảng cách nào đó trong việc giúp đỡ Têhêran hợp pháp hóa các chính sách hạt nhân của nước này đối với người dân Iran. Sự ủng hộ và mối quan hệ hữu nghị của Trung Quốc chứng tỏ rằng Iran không đơn độc. 
Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cũng báo cáo rằng Trung Quốc là nước cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Iran từ năm 2002-2009. Nhiều vũ khí trong số đó là những vũ khí hiện đại đặc biệt được chế tạo để chống lại các lực lượng hải quân và không quân Mỹ. Trung Quốc cũng đã chuyển giao một loạt công nghệ công nghiệp hiện đại cho Iran trái ngược với những quy định về kiểm soát chuyển giao công nghệ của riêng Trung Quốc (được đề ra theo sự hối thúc của Mỹ) lẫn luật pháp đơn phương của Mỹ. Trong nghiên cứu của họ về các đối tác năng lượng Trung Quốc của Iran, Mark Dubowitz và Laura Grossman đã chỉ rõ 89 trường hợp trong đó chính phủ Mỹ đã trừng phạt các doanh nghiệp của Trung Quốc (nhiều doanh nghiệp trong số đó thuộc sở hữu nhà nước) về tội chuyển giao các thiết bị bị cấm cho Iran từ năm 1997 đến năm 2010. Vào tháng 10/2010, chính quyền Obama nghe nói đã kết luận rằng các công ty của Trung Quốc đang giúp đỡ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran vi phạm các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an. Robert Einhorn, cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại giao về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, được phái đến Bắc Kinh với một danh sách công ty có liên quan và một đề nghị chính phủ Trung Quốc hành động để chấm dứt những cuộc chuyển giao này, được cho là có liên quan đến các mặt hàng như đồng hồ đo áp suất cao và sợi các bon, cả hai loại này được dùng để sản xuất máy ly tâm. Một quan chức cao cấp Mỹ nói chính quyền đã kết luận rằng chính phủ Trung Quốc không cho phép thực hiện những chuyển giao này. Mô thức hoạt động mạnh mẽ này của Trung Quốc cho thấy ít nhất một số nhà lãnh đạo của Trung Quốc tin rằng một Iran hùng mạnh, được trang bị vũ khí hạt nhân hoặc có khả năng được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ là một sự ngăn chặn có giá trị đối với ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Vịnh Pécxích và đưa thế giới đi theo hướng đa cực. 

Các nhà quan sát nước ngoài thật khó biết được liệu Bắc Kinh có chơi một trò chơi kép ở Iran hay không. Rất ít người thực sự biết điều đó, vì sự lý giải đáng tin cậy theo cách này hay cách khác sẽ đòi hỏi việc tiếp cận với những cân nhắc ở các cấp cao nhất của ban lãnh đạo Trung Quốc. Hệ thống chính trị của Trung Quốc là không minh bạch, các vấn đề về chính sách đối ngoại và an ninh được bảo đảm tốt, và hình thức quyết định chiến lược ở cấp vĩ mô này sẽ đặc biệt được giữ kín. Thay vào đó, sự hướng dẫn của trung ương về nhân sự ở cấp thấp hơn có thể trình bày điều nên nói với những người nước ngoài tò mò. Một giả định tốt ban đầu sẽ là đừng có nhìn nhận những phủ nhận về sự lừa dối cố ý theo giá trị bề ngoài. Những hành động của Trung Quốc nói lên nhiều hơn những lời nói. 

 

Dầu lửa hay cũng chống lại sự bá quyền của Mỹ?

Có một lý giải mang tính kinh tế đơn giản, tuy nhiên rõ ràng, về hành vi ứng xử kép hoặc nước đôi của Trung Quốc đối với các chương trình hạt nhân của Iran . Trung Quốc có những lợi ích trái ngược nhau ở vùng Vịnh nói chung, và liên quan cụ thể đến vấn đề hạt nhân của Iran, và cân bằng những lợi ích trái ngược đó trong một nỗ lực bảo vệ cả hai. Một mặt, Bắc Kinh muốn tiếp cận nguồn dầu lửa và khí đốt dồi dào không thể tưởng tượng được nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác của Iran để đáp ứng những nhu cầu tăng vọt của Trung Quốc về năng lượng nhập khẩu. Mức độ ủng hộ của Trung Quốc đối với Têhêran tại Hội đồng Bảo an mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy để tiếp cận các nguồn dầu lửa dồi dào của Iran và thâu tóm mối quan hệ cung cấp năng lượng vào nhiều tầng hợp tác chính trị, mà Bắc Kinh hy vọng sẽ khiến bảo vệ nguồn năng lượng đó trong trường hợp có những cú sốc khác nhau. Mặt khác, Bắc Kinh phải hợp tác về mặt chiến lược với Mỹ nhằm duy trì không khí vĩ mô có lợi cho đường hướng phát triển của Trung Quốc.

Sự giải thích này về “những lợi ích xung đột” là rõ ràng và đi một chặng đường dài tiến tới hiểu rõ đường hướng dường như kỳ cục của Bắc Kinh, nhưng các chiến lược quốc gia hiếm khi dựa vào một loạt duy nhất các mục tiêu và những tính toán. Hàng loạt bằng chứng mang tính suy diễn cho thấy trên thực tế, có một khía cạnh “chống bá quyền” đối với chính sách của Trung Quốc. Sự lý giải về việc tiếp cận nguồn dầu lửa không nhất thiết trái ngược với lý giải này.

Một phần của bằng chứng là sự chỉ trích rõ ràng đối với những dụng ý mang tính bá quyền của Mỹ được thấy trên cả các phương tiện truyền thông của Trung Quốc lẫn trong những bài phân tích mang tính học thuật của Trung Quốc. Quan điểm chi phối trong các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng cơ sở cốt lõi của chính sách của Mỹ ở vùng Vịnh Pécxích, kể cả các chính sách của nước này đối với Iran và Irắc, là giành quyền kiểm soát nguồn dầu lửa của khu vực đó để gây sức ép với các nước tiêu thụ nguồn dầu lửa đó (châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, và tất nhiên, Trung Quốc) như một phần của nỗ lực lâu dài để chi phối thế giới. Chẳng hạn, vào tháng 9/2002, Báo Quân giải phóng của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã giải thích cuộc chiến của Mỹ đang hiện hữu lúc đó ở Irắc bằng cách lập luận rằng “dầu lửa của Irắc sẽ có một tác động trực tiếp đến … nền kinh tế thế giới trong 30 năm tới và (sẽ là) một công cụ quan trọng để quyết định liệu Mỹ có thể kiểm soát được sợi dây cứu đắm của nền kinh tế thế giới hay không”.

 Theo quan điểm chi phối của Trung Quốc, sự sụp đổ của Liên Xô tạo ra một tình hình quốc tế cực kỳ mất cân bằng mà Mỹ đã lợi dụng để đưa dầu lửa của vùng Vịnh Pécxích vào vòng kiểm soát của mình. Theo quan điểm theo dòng chủ đạo này của Trung Quốc, cuộc chiến năm 1991 chống Irắc, chính sách “kiềm chế kép” Irắc và Iran vào những năm 1990, cuộc chiến năm 2003 ở Irắc, và hiện nay việc Mỹ thúc đẩy làm cho Iran phụ thuộc tất cả đều cho thấy mục tiêu bá quyền của Mỹ. Một khi chế độ “dân chủ” được dựng lên ở Têhêran, các nước chư hầu của Mỹ sẽ nắm quyền ở tất cả các nước dầu lửa lớn ở vùng Vịnh Pécxích.

Theo các phương tiện truyền thông và các học giả của Trung Quốc, Mỹ cũng hình dung rằng nước này có thể áp đặt những giá trị và hệ thống của mình đối với người dân vùng Vịnh Pécxích, và bắt đầu làm như vậy theo các cách khác nhau. Các nguồn tin này tin rằng sự xâm lược và can thiệp của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của các nước vùng Vịnh Pécxích, trên thực tế, là nguồn cơn lớn gây mất ổn định trong khu vực. Các nhà phân tích Trung Quốc thường cho rằng nếu Iran tự vũ trang, nước này làm như vậy trong một chừng mức đáng kể là nhằm phản ứng lại các chính sách ngạo mạn và hiếu chiến của Mỹ đối với Iran . Bản thân Trung Quốc là mục tiêu của “sự can thiệp” và nỗ lực chi phối của Mỹ trong quá khứ, và hiện nay chỉ có thể đồng cảm với sự phản đối của người dân vùng Vịnh Pécxích. Theo dòng tư tưởng này, đường hướng của Mỹ đối với vùng Vịnh Pécxích và sự bá chủ toàn cầu chắc chắn sẽ thất bại, và cuối cùng sẽ “làm suy yếu” nước Mỹ và “đưa nước này đến tình trạng suy thoái chiến lược”.

Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có tin vào sự tuyên truyền của họ không? Không nhất thiết. Trên thực tế, một câu nói được coi là của Mao Trạch Đông là “Các đồng chí, chúng ta phải thận trọng trong việc tin vào sự tuyên truyền của chính chúng ta”. Một chức năng quan trọng của các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, và cũng của các tạp chí mang tính học thuật của nước này, là động viên dư luận quần chúng ủng hộ các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Việc miêu tả một thế giới bị bao vây bởi những mưu đồ ma quỷ của Mỹ góp phần minh chứng cho sự cai trị độc đoán một đảng tiếp tục của đảng này. Nó còn góp phần làm cho người dân Trung Quốc có khả năng chống lại ảnh hưởng của các ý tưởng chính trị phương Tây. Do đó, sẽ là không đúng khi cho rằng nội dung chống bá quyền trên các phương tiện truyền thông và các tạp chí mang tính học thuật của Trung Quốc nhất thiết phải phù hợp với những quan điểm của các nhà lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc. Nhưng thật khó tin rằng chủ đề của các phương tiện truyền thông và giới học giả của Trung Quốc sẽ không phản ánh những quan điểm của ít nhất một số nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. 
Các nhà phân tích từ lâu đã lưu ý rằng, khi tư tưởng cách mạng đã phai nhạt, những tính toán về Đường lối chính trị thực dụng đã củng cố ảnh hưởng đối với tư duy chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Về Đường lối chính trị thực dụng, một số lợi thế sẽ nghiêng về phía Trung Quốc từ một nước Iran được trang bị vũ khí hạt nhân hoặc có khả năng được trang bị vũ khí hạt nhân. Trong tình huống bất trắc xa xôi nhưng thực tế về một sự va chạm Mỹ - Trung đối với vấn đề Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc Đài Loan, và trong trường hợp mà những nỗ lực nhằm kết thúc nhanh cuộc chiến tranh đó đã thất bại, Oasinhtơn có thể tìm cách cắt giảm nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc. Khả năng Trung Quốc nhập khẩu dầu lửa bằng đường bộ qua Trung Á hoặc Mianma sẽ phụ thuộc vào các nước cung cấp vùng Vịnh Pécxích sẵn sàng làm ngơ trước sự phẫn nộ của Mỹ và bơm dầu lửa vào các đường ống dẫn dầu chiến lược bằng đường bộ của Trung Quốc. Một Iran được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ là một ứng cử viên tốt để hợp tác với Trung Quốc trong một tình hình thái quá như vậy, có thể là nước duy nhất do các mối liên kết ủng hộ Mỹ của tất cả các nước dầu lửa khác ở vùng Vịnh. 
Sự phản đối mạnh mẽ của Iran đối với những mệnh lệnh của Mỹ và sự xung đột với Mỹ cũng sẽ buộc Oasinhtơn phải duy trì các lực lượng quân sự lớn trong khu vực, hạn chế khả năng của Mỹ tập trung các lực lượng ở Đông Á, nơi có những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Cuộc tấn công ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ là một của trời cho bất ngờ mang tính chiến lược đối với Trung Quốc, làm cho Mỹ chuyển hướng sự chú ý ra khỏi Trung Quốc và Đông Á chuyển sang Trung Đông và thế giới Hồi giáo. Việc Mỹ đã tự sa lầy vào các cuộc chiến tranh kéo dài ở Ápganixtan và Irắc là một điều may mắn nữa đối với Bắc Kinh. Nếu hiện nay Oasinhtơn lún sâu hơn vào cuộc xung đột ở Trung Đông - lần này với Iran – thì những cơ hội để Trung Quốc trỗi dậy thành công mà không phải đối đầu với Mỹ sẽ gia tăng. Về mặt này, sẽ không có lợi cho Trung Quốc nếu giúp Mỹ buộc Iran phải phi hạt nhân hóa và tỏ ra dễ bảo hơn.

Bằng cách đứng về phía Iran vào thời điểm cần thiết, Trung Quốc cũng xây dựng một mối quan hệ chiến lược với một nước lớn trong khu vực mà có sự cố kết và tham vọng quốc gia đáng kể, mà với nước này Trung Quốc đã có một truyền thống hợp tác chiến lược lâu dài hàng thế kỷ. Không giống như Ấn Độ, Nhật Bản, và Nga, các nước lớn khác ở châu Á, Trung Quốc chưa bao giờ xung đột với Iran. Vì vậy, Têhêran có thể hết lòng hoan nghênh sự xuất hiện của Trung Quốc như một cường quốc chiếm ưu thế ở châu Á, và là đối tác lâu dài, chân thành, và chiến lược của Bắc Kinh. Sự ủng hộ đối với Iran hiện nay là một sự đầu tư vào mối quan hệ đối tác đó trong tương lai. 

 

Quan hệ thân thiện và sự hợp tác với Mỹ

Trong bối cảnh có những lo ngại này, các nhà vạch quyết định của Trung Quốc không nghi ngờ gì nữa đang cân nhắc những lợi ích cực kỳ quan trọng của sự hợp tác với Mỹ. Bản thân Mỹ, trong khi lập luận rằng Mỹ và Trung Quốc cần tạo dựng sự hợp tác chiến lược đích thực về vấn đề hạt nhân của Iran, đã tuyên bố rằng hai nước chia sẻ những lợi ích chung và cần hợp tác trên cơ sở đó. Có hai lợi ích chung chủ yếu, theo quan điểm của Mỹ: 1) duy trì dòng dầu lửa không ngừng chảy với giá cả ổn định và phải chăng từ vùng Vịnh, và 2) ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Không may, dường như là Trung Quốc nói chung không chấp nhận lập luận thứ nhất. Vào năm 2008, tác giả bài viết này và một đồng nghiệp đã dành 10 ngày ở Bắc Kinh để phỏng vấn khoảng 40 chuyên gia Trung Quốc, và cố tình đưa ra câu gợi ý rằng bằng cách hợp tác với Mỹ, Trung Quốc có thể đảm bảo nguồn dầu lửa vùng Vịnh của mình. Trong số những nhà phân tích này, chúng tôi nhận thấy chỉ có một hoặc hai người đồng ý với gợi ý đó. Phản ứng chung hơn cho rằng lập luận này chẳng khác gì việc Mỹ mời Trung Quốc trở thành một đối tác cấp dưới trong những mưu đồ bá quyền của Mỹ, một điều mà đôi khi Trung Quốc không ưa thích. Các nhà phân tích Trung Quốc có xu hướng tin rằng các chính sách trừng phạt của Mỹ cũng như mối đe dọa và việc sử dụng vũ lực (chẳng hạn, trong “cuộc chiến tàu chở dầu” Iran – Irắc trong những năm 1980, và cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, và cuộc chiến với Irắc năm 2003) đã gây ra những mối nguy hiểm chủ yếu đối với dòng chảy không ngừng của dầu lửa từ vùng Vịnh. Chứ không phải là Iran. 

Về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc, với tư cách là một nước có vũ khí hạt nhân theo NPT, tất nhiên mong muốn rằng số quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ ít hơn. Nhưng những lợi ích của việc không phổ biến vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ở vùng Vịnh không có tầm quan trọng đáng kể so với những lợi ích của Mỹ. Trung Quốc không có binh lính, tàu chiến, căn cứ, hay các đồng minh ở vùng Vịnh Pécxích; Mỹ có tất cả những thứ đó. Bắc Kinh không thực hiện các biện pháp để đảm bảo dòng chảy của dầu lửa từ vùng Vịnh; Oasinhtơn thì có. Có ít nhất hai trường hợp khác – Pakixtan và Bắc Triều Tiên – nơi Bắc Kinh rõ ràng đã quyết định rằng việc phổ biến vũ khí hạt nhân phục vụ cho những lợi ích quan trọng của Trung Quốc. Trong trường hợp Pakixtan, Trung Quốc đã giúp Pakixtan phát triển vũ khí hạt nhân và từ chối những đòi hỏi của Mỹ vào khoảng năm 1997 về việc ngừng hợp tác hạt nhân với Pakixtan. Sau đó, sau vụ thử hạt nhân của Ấn Độ và Pakixtan năm 1998, Bắc Kinh đã tìm cách chuyển hướng sự tức giận của Mỹ ra khỏi Pakixtan và hướng vào Ấn Độ, vì sợ rằng Ixlamabát sa thêm vào sự cô lập quốc tế nguy hiểm có thể đảo lộn cán cân quyền lực Nam Á đang kiềm chế Ấn Độ. 

Trong trường hợp Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh dường như đã quyết định rằng việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên không quan trọng bằng sự tiếp tục tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng và sự ổn định – tức là tiếp tục chia cắt – trên bán đảo này. Lập trường của Trung Quốc về Iran có thể theo đúng lôgích này – những thành quả về địa chính trị từ một Iran có vũ khí hạt nhân đơn giản quan trọng hơn những thiệt hại đối với Trung Quốc từ việc làm cho chế độ NPT trở nên căng thẳng. Theo một nghiên cứu gần đây, thậm chí chính Mỹ đã đôi khi chấp thuận các hoạt động về vũ khí hạt nhân vì một ưu tiên cao hơn trong các mục tiêu khác (chẳng hạn, làm ngơ với các hoạt động của A.Q. Khan – được sự ủng hộ hoàn toàn nhưng bí mật của giới quân sự Pakixtan - vì sự ủng hộ của Pakixtan đối với cuộc thánh chiến của Ápganixtan). Ấn Độ là một ví dụ nữa về sự chấp thuận của Mỹ đối với việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Trung Quốc, giống như Mỹ, đôi khi bao dung việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Phí tổn của Trung Quốc đối với việc phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran là ít hơn đáng kể so với việc phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. 

Có khả năng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu tất cả rằng những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran chỉ thông qua “các cuộc thương lượng và đối thoại” sẽ để cho Iran có thời gian xúc tiến các kế hoạch của mình về vũ khí hạt nhân hoặc khả năng có vũ khí hạt nhân. Năm 1991, họ chắc chắn hiểu rằng việc họ phản đối cuộc chiến để xóa bỏ sự chiếm đóng Côoét của Irắc có nghĩa là chấp nhận để cho Irắc thôn tính vĩnh viễn đất nước đó. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản đối một cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo và được Hội đồng Bảo an ủy quyền nhằm khôi phục chủ quyền của Côoét, thay vào đó ủng hộ các cuộc thương lượng tiếp tục. Bắc Kinh cho rằng cuộc chiến tranh năm 1991 là một cuộc xung đột giữa sự “bá quyền toàn cầu” (Mỹ) và sự “bá quyền khu vực” (Irắc). Việc họ muốn hơn một giải pháp hòa bình cho vấn đề đó trên thực tế là một sự lựa chọn chấp nhận hành động thôn tính Côoét ít ma quỷ hơn của Irắc thay vì chấp nhận sự bá quyền được củng cố của Mỹ ở vùng Vịnh. Tương tự, thái độ khăng khăng của Trung Quốc từ năm 2003 về một giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran chỉ thông qua các cuộc thương lượng và đối thoại, loại trừ các biện pháp gây sức ép mạnh mẽ, trên thực tế có thể là sự chấp thuận hạt nhân hóa Iran.

 

Có phải Trung Quốc cho rằng các biện pháp trừng phạt không phát huy tác dụng? 

Một lý do để Trung Quốc chấp thuận có thể là Bắc Kinh nghi ngờ các biện pháp trừng phạt chống Iran do Mỹ thúc đẩy. Trung Quốc coi các biện pháp trừng phạt kinh tế là một công cụ mà các nước phương Tây hùng mạnh, tiêu biểu sử dụng chống lại các nước yếu, không phải là phương Tây tiêu biểu. Chính Trung Quốc đã là một mục tiêu thường xuyên của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây – vào những năm 1950, 1960, 1970, và lặp lại sau vụ tàn sát ở Quảng trường Thiên An Môn tháng 6/1989. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt do phương Tây đưa ra thường được coi là có liên quan đến sự can thiệp vào các vấn đề trong nước của các nước có chủ quyền, và/hoặc việc áp dụng các quy tắc hoặc pháp luật dựa trên các truyền thống và giá trị của phương Tây. Nói tóm lại, việc Mỹ thường xuyên sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế được coi là một phần thiết yếu của nỗ lực bá chủ toàn cầu của Mỹ mà phải bị loại bỏ. 

Trung Quốc phản đối nhiều biện pháp trong số các biện pháp trừng phạt mà Mỹ cứ khăng khăng áp đặt vì những lý do là các biện pháp trừng phạt đó chỉ dựa trên luật pháp Mỹ và không dựa trên các hiệp định quốc tế. Từ năm 1979, Mỹ đã thực thi luật trừng phạt đối với các thực thể của Mỹ hoặc nước thứ ba chuyển giao vũ khí, tên lửa, và các công nghệ tên lửa cho Iran hoặc đầu tư đáng kể vào khu vực năng lượng của Iran. Điển hình là các công ty của nước thứ ba bị trừng phạt bằng việc áp đặt những hạn chế khác nhau đối với việc họ tiếp cận các thị trường của Mỹ. Bắc Kinh bác bỏ khái niệm cho rằng nước này bị ràng buộc bởi những quyết định đơn phương của Mỹ mà nước này không đồng tình. Những tình cảm này của Trung Quốc phải được nhìn nhận theo giá trị bề ngoài và là chân thành. Tuy nhiên các quan chức Mỹ được cho là đã cố gắng bền bỉ và khó khăn – cuối cùng không thành công – để đảm bảo có được sự nhất trí và hợp tác của Trung Quốc về các biện pháp được Mỹ ủng hộ. Tuy nhiên, chưa rõ có phải Trung Quốc đã từ chối mở rộng sự hợp tác của mình với Mỹ trong các lĩnh vực này để vận động Mỹ không ngăn chặn Iran có vũ khí hạt nhân hoặc khả năng có vũ khí hạt nhân hay không. 

Trung Quốc nói rằng nước này không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Iran vì Bắc Kinh coi các biện pháp trừng phạt này là phản tác dụng. Đặc biệt khi được nhằm chống lại các nước kiêu ngạo, theo chủ nghĩa dân tộc, Trung Quốc cho rằng các biện pháp trừng phạt dẫn đến các biện pháp đối phó và sự leo thang căng thẳng hơn nữa. Các biện pháp trừng phạt được coi là không dẫn đến việc giải quyết các vấn đề quốc tế, và thậm chí có thể là một bước tiến tới sử dụng lực lượng quân sự. Các nhà phân tích Trung Quốc thường lưu ý rằng sự tiến triển của chính sách của Mỹ chống Irắc năm 1991 và lặp lại vào năm 2003 đi từ việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế cho tới sự ủy quyền quốc tế về việc sử dụng vũ lực đối với một cuộc tấn công quân sự. Bắc Kinh khẳng định rằng chiến tranh không phù hợp với nỗ lực của Trung Quốc về việc phát triển kinh tế bền vững và với tốc độ nhanh. Chẳng hạn, cuộc chiến tranh năm 2003 ở Irắc đã dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của việc nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc từ nước đó. Một cuộc chiến liên quan đến Iran và dẫn đến việc giá dầu lửa toàn cầu tăng đến đỉnh điểm do kết quả của cuộc chiến đó sẽ tác động thậm chí mạnh mẽ hơn tới sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

 Không có lý do gì để nghi ngờ rằng sự chân thành của những niềm tin này của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ không đề cập đến vấn đề liệu ban lãnh đạo của Iran, được để mặc giải quyết vấn đề của mình và không có các biện pháp trừng phạt quốc tế mà chỉ dựa vào những nỗ lực ngoại giao thuần túy, có từ bỏ đòi hỏi của mình về vũ khí hạt nhân hay khả năng có vũ khí hạt nhân không. Sau khi chịu quá nhiều sức ép quốc tế và chịu sự lăng mạ để xúc tiến các chương trình hạt nhân của mình, có hợp lý để kết luận rằng Iran sẽ từ bỏ các chương trình đó mà không có sức ép và lên án đó hay không? Các nhà lãnh đạo thực dụng của Trung Quốc có thực sự tin điều này hay không? Chẳng phải các biện pháp trừng phạt ít nhất sẽ làm chậm lại những nỗ lực của Iran , ngay cả nếu chúng không đảo ngược được những nỗ lực này đó sao? 

Cũng có câu hỏi về lý do tại sao Trung Quốc, nếu nước này phản đối các biện pháp trừng phạt như vậy, cuối cùng và nhiều lần lại đồng ý danh sách tạm thời các biện pháp trừng phạt, mặc dù là các biện pháp trừng phạt đã được giảm nhẹ. Trung Quốc có thể phủ quyết các nỗ lực trừng phạt khác nhau tại Hội đồng Bảo an. Tại sao nước này không làm như vậy? Một câu trả lời có thể là việc không phủ quyết mà hợp tác với Mỹ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc trong việc duy trì các mối quan hệ thân thiện với Mỹ và, thậm chí hơn nữa, trong việc khuyến khích Mỹ coi Trung Quốc là một đối tác chiến lược. 

Chủ đề bình luận nữa của Trung Quốc là các biện pháp trừng phạt chống Iran là không có hiệu quả và sẽ thất bại. Tuy nhiên, một mục tiêu quan trọng của chính sách ngoại giao của Trung Quốc về các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc là đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt là ở trong phạm vi hẹp, thường là tình nguyện, và quan trọng nhất, không cản trở việc đầu tư của Trung Quốc hoặc của các nước khác vào các khu vực dầu lửa và khí đốt của Iran. Nói cách khác, có thể tin là những nỗ lực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã được nhằm để đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không có hiệu quả và sẽ thất bại.

 Phải chăng các biện pháp trừng phạt thực sự là vấn đề? Trong các trường hợp khác, Trung Quốc đã không miễn cưỡng sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế như một sự đe dọa hoặc thực sự áp dụng chúng đối với các nước chà đạp lên những lợi ích của Trung Quốc. Chẳng hạn, tháng 9/2010, sau khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc trong một vụ việc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã có một số hành động phản ứng. Nước này đã hoãn các cuộc đàm phán hợp tác về than đá và hàng không với Nhật Bản, chỉ thị cho các công ty lữ hành của Trung Quốc hoãn các chuyến du lịch của Nhật Bản, trì hoãn các cuộc kiểm tra hải quan đối với hàng hóa của Nhật Bản, có thể đã ra lệnh bắt giữ 4 giám đốc điều hành Nhật Bản, và có thể cắt giảm xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản. Việc Bắc Kinh bắt giữ và cáo buộc các nhân viên của Rio Tinto vào đầu năm 2010 ngay sau khi công ty này đóng một vai trò trong việc áp giá quặng sắt cao hơn đối với Trung Quốc, hoặc nước này đôi khi trừng phạt các nước và các công ty vì các mối quan hệ của họ với Đài Loan, là những ví dụ nữa về việc Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt tự chúng dường như không phải là vấn đề. Vấn đề đối với Bắc Kinh là liệu các biện pháp trừng phạt có phục vụ cho những lợi ích của Trung Quốc hay không. Trong trường hợp Iran, Bắc Kinh dường như đã kết luận rằng chúng không phục vụ cho những lợi ích của Trung Quốc, và sử dụng những lập luận đạo đức cao cả để nói lên lập trường của Trung Quốc.

 Chắc chắn rõ ràng rằng một lý do để Trung Quốc ủng hộ Iran trong các cuộc tranh luận ở IAEA và UN là để đảm bảo sự tiếp cận các nguồn năng lượng dồi dào của Iran . Bằng cách bày tỏ sự ủng hộ ngoại giao đối với Iran, Bắc Kinh đã chứng tỏ cho Têhêran thấy rằng Trung Quốc là một nước thân thiện, hiểu biết, và có năng lực. Điều đó có nghĩa là để Têhêran nhận thấy một quốc gia như vậy là một đối tác đáng tin cậy trong quá trình khai thác các nguồn năng lượng của Iran . Những nỗ lực của Bắc Kinh đã mang lại kết quả vào năm 2009 khi Bắc Kinh đã trở thành một đối tác nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Iran. 

Tuy nhiên, vấn đề này có thể được tuyên bố thậm chí rộng rãi hơn. Bắc Kinh thừa nhận rằng Iran là một cường quốc khu vực quan trọng và tìm cách xây dựng một mối quan hệ đối tác ổn định với nước đó, tương tự như mối quan hệ mà Trung Quốc có được với Pakixtan. Bắc Kinh làm việc này bằng cách giúp đỡ chính phủ của Iran – cho dù hình thái có thể ra sao - với các mục tiêu quốc gia mà Têhêran chỉ rõ. Nếu chính phủ Iran đã quyết định ủng hộ vũ khí hạt nhân hoặc khả năng có vũ khí hạt nhân, thì Trung Quốc tìm cách đưa ra bất cứ sự giúp đỡ nào mà nước này có thể - trong phạm vi giới hạn nghĩa vụ của Trung Quốc theo NPT và không gây phương hại cho các mối quan hệ Trung - Mỹ. Nói cách khác, lợi ích lâu dài của Trung Quốc nằm trong mối quan hệ đối tác với Iran, dù Iran có khả năng về hạt nhân hay không. 

Nhưng liệu có người nào trong giới tinh hoa vạch quyết định của Trung Quốc tin rằng một nước Iran được vũ trang hạt nhân sẽ liên kết với lợi ích của Trung Quốc trong việc đưa thế giới tiến tới đa cực, làm cạn kiệt sức mạnh của Mỹ có lợi cho Trung Quốc? Các chính sách thường được thông qua bởi các liên minh bao gồm những người với những lý do hoàn toàn khác nhau ủng hộ các chính sách đó. Các học giả nước ngoài về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc tin rằng, vào nhiều thời điểm trong hai thập kỷ qua, các cuộc tranh luận đã diễn ra bên trong giới tinh hoa Trung Quốc về sự chú trọng vào việc chống bá quyền trong chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ. Thay vào đó, các nhà chỉ trích về chính sách theo dòng chủ đạo tránh sự đối đầu với Mỹ đã yêu cầu có những chính sách quyết đoán hơn phản ứng cái được hiểu là sự xâm phạm của Mỹ đối với những lợi ích của Trung Quốc. Có thể các chính sách nước đôi của Trung Quốc đối với Iran phản ánh một giới tinh hoa có thái độ nước đôi của Đảng này?

 

Tiến trình vạch quyết định của Trung Quốc: các hoạt động chính trị hay chiến lược quan liêu?

 Các nhà phân tích nước ngoài biết quá ít về tiến trình mà thông qua đó các chính sách đối ngoại và các quyết định về an ninh quốc gia của Trung Quốc được hoạch định. Một sự phỏng đoán có cơ sở cho thấy những quyết định cơ bản liên quan đến các chính sách của Trung Quốc đối với sự đối đầu Iran – Mỹ sẽ được đưa ra bởi khoảng 8 thành viên của Nhóm Nhỏ Ban lãnh đạo Các vấn đề Đối ngoại, được cố vấn bởi tham mưu trưởng của PLA, khoảng 5 cố vấn nữa từ Bộ Ngoại giao, và có thể mở rộng bao gồm các nhà lãnh đạo quân sự chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh quốc gia. 
PLA có một đặc tính tập đoàn mạnh mẽ và tự coi mình là người bảo vệ an ninh và những giá trị cốt lõi của Trung Quốc. Thế giới quan của nó có xu hướng là sự kết hợp giữa Đường lối chính trị Thực dụng và những ảnh hưởng tư tưởng còn lại từ những học thuyết chống bá quyền của Mao. Nó là một trong những thể chế ít liên quan nhất đến quốc tế đang điều hành Trung Quốc, và các nhà lãnh đạo của nó có chiều hướng lý giải tồi tệ về chính sách của Mỹ, theo đó Oasinhtơn đang tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những đại tá và tướng lĩnh PLA thường xuyên công khai nói về chính sách kiềm chế của Mỹ, việc Mỹ muốn bao vây Trung Quốc, và mối đe dọa nói chung của Mỹ, cũng như về việc Trung Quốc cần từ bỏ những ảo tưởng và đối mặt mạnh mẽ hơn với những mưu đồ chống Trung Quốc của Mỹ. Một ví dụ gần đây là một cuốn sách được ưa chuộng năm 2010 mang tên Sự bao vây hình chữ C , tác giả là một đại tá thuộc lực lượng không quân PLA, cuốn sách lập luận rằng Mỹ đang tạo dựng một vành đai kéo dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mông Cổ ở phía bắc, đi qua Biển Nam Trung Hoa, và tới Ấn Độ ở phía nam để theo đuổi việc “chia cắt và hủy hoại Trung Quốc” đến cùng.

 Có thể các tướng lĩnh của Trung Quốc nhấn mạnh giá trị của những thành quả địa chính trị giành được từ một Iran hùng mạnh và chống Mỹ. Cũng có thể các quan chức PLA đôi khi chỉ trích điểm yếu của Bộ Ngoại giao trong việc bảo vệ những lợi ích của Trung Quốc. Những quan điểm của họ đến lượt nó sẽ được chú ý thận trọng bởi các ủy viên Bộ Chính trị đầy tham vọng, những người khao khảt trở thành nhà lãnh đạo cao nhất được bổ nhiệm của Trung Quốc, khi Hồ Cẩm Đào mãn nhiệm vào năm 2012 – 2013, và những người lo ngại về thực tế nghiệt ngã của sự tồn tại của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Trong khi việc lựa chọn các ủy viên Bộ Chính trị để trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có liên quan đến các cuộc thương lượng giữa một số giới tinh hoa lên tới hàng trăm người, các nhà lãnh đạo tối cao của PLA có tiếng nói mạnh mẽ về kết quả của cuộc tranh giành quyền kế nhiệm mang tính quyết định này. Bất cứ nhà lãnh đạo CCP nào ao ước trở thành nhà lãnh đạo cao nhất đều phải chứng tỏ cho PLA tinh thần cứng rắn của mình, và một chính sách chưa đủ cứng rắn đối với Mỹ sẽ là “cái hôn của tử thần”. 

Sau sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn và sự sụp đổ của các chế độ Đông Âu và cộng sản Xôviết, các nhà lãnh đạo CCP đã chú ý nhiều tới việc đáp ứng những nhu cầu của PLA. Một trong những bài học được CCP rút ra từ sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là Đảng này rất cần duy trì lòng trung thành của quân đội. Ngân sách quốc phòng lớn và lương cao hơn đều góp phần cho việc này, cũng như việc tuyên truyền rộng rãi thông qua chế độ chính ủy của CCP trong PLA, nhưng sự chú ý đầy lo lắng của Đảng tới những quan điểm của PLA về các vấn đề cốt lõi cũng vậy. Tốc độ hiện đại hóa quá nhanh hiện nay của Trung Quốc đang tạo ra sự căng thẳng xã hội gay gắt dưới nhiều hình thức, và các nhà lãnh đạo CCP lo sợ rằng khối thuốc nổ xã hội này có thể bùng nổ gây ra một dạng thách thức nào đó đối với chế độ này. Trong tình hình đó, lòng trung thành của PLA sẽ là bức tường thành bảo vệ sự tiếp tục sự cai trị của CCP. Do PLA cho rằng Mỹ đang tìm cách bao vây, kiềm chế, và gây mất ổn định Trung Quốc, sẽ là khôn ngoan nếu Trung Quốc phản ứng bằng cách vượt ra ngoài vòng cung Đông Á và bắt đầu hành động chống bao vây ở Iran

 Quả thực nếu Bắc Kinh đang chơi ván bài kép đối với các chương trình hạt nhân của Iran, thì phải chăng điều đó xuất phát từ các hoạt động chính trị kế nhiệm này, các hoạt động chính trị quan liêu điển hình, hay một sự lựa chọn chiến lược? Có thể đây là sự kết hợp cả ba. Có thể có các nhóm ý kiến khác nhau trong ban lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề này. Một nhóm, có thể với Bộ Ngoại giao làm nòng cốt, sẽ có quan điểm ít tồi tệ hơn về nước Mỹ, và có lợi hơn đối với sự hợp tác với Mỹ. Nhóm này có thể coi việc không phổ biến vũ khí hạt nhân là một lợi ích chung với Mỹ, và coi sự hợp tác Mỹ - Trung về vấn đề này là một bảo bối giữ ổn định mối quan hệ đó. Tuy nhiên, thậm chí nhóm ủng hộ Mỹ này có thể xếp việc không phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran vào vị trí thấp hơn so với vị trí mà các bên tương ứng trong chính phủ Mỹ sẽ xếp nó, và nhận thấy những tổn thương trực tiếp tương đối ít đối với những lợi ích của Trung Quốc do hạt nhân hóa Iran mang lại.

 Một nhóm khác, có thể với các nhà lãnh đạo PLA làm nòng cốt, tin rằng Trung Quốc cần thực thi một đường hướng cứng rắn hơn, thực dụng hơn đối với những vi phạm của Mỹ đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc. Nhóm này có thể nhấn mạnh những lợi thế về sức mạnh sẽ gia tăng đối với Trung Quốc nếu Mỹ buộc phải giao dịch với một Iran có vũ khí hạt nhân. Sự bá quyền của Mỹ đã gây ra tình trạng lộn xộn ở vùng Vịnh Pécxích và cần phải bị ở trong tình trạng đứng ngồi không yên ở đây – có lợi cho Trung Quốc – theo quan điểm của nhóm quân sự này. Một phái dầu lửa đại diện cho các công ty dầu lửa quốc gia hùng mạnh của Trung Quốc có thể tham gia nhóm quân sự trong việc vận động hành lang để nắm bắt những cơ hội do các biện pháp trừng phạt của Mỹ tạo ra để Trung Quốc thậm chí tiến thêm nữa vào khu vực năng lượng dồi dào của Iran. 
Nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, hiện nay là Hồ Cẩm Đào, sẽ dung hòa các quan điểm khác nhau này với việc hướng tới duy trì lòng tin với PLA. Bất cứ ai mà ban lãnh đạo PLA – và thậm chí có thể các đại tá cấp trung – cho là thiếu cứng rắn – đều không thể đảm bảo hoặc duy trì được sự ủng hộ của giới quân sự. Sự hợp tác hoàn toàn với Oasinhtơn cũng sẽ cản trở những nỗ lực của các công ty dầu lửa Trung Quốc về việc mở rộng sang khu vực năng lượng dồi dào của Iran . Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ nhận thấy rằng tình trạng xấu đi của các mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ có thể gây tổn thương cho nỗ lực phát triển kinh tế của Trung Quốc, và rằng ao ước của Mỹ về mối quan hệ đối tác chiến lược mang lại những lợi thế lớn đối với Trung Quốc. Sự hợp tác không hoàn toàn với Oasinhtơn sẽ đi ngược lại việc duy trì một “không khí vĩ mô” thuận lợi cho nỗ lực phát triển của Trung Quốc và sự “trỗi dậy” mang tính ngoại giao của nước này.

 Có thể có một yếu tố mạnh mẽ về sự trì trệ trong các chính sách của Trung Quốc đối với chương trình hạt nhân của Iran. Gần như chắc chắn, quyết định cơ bản về việc hợp tác với Mỹ trong Hội đồng Bảo an bằng cách cuối cùng tán thành các nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Mỹ bảo trợ - mặc dù sau khi làm suy yếu chúng – đã được đưa ra trước khi Trung Quốc tán thành nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an về vấn đề hạt nhân của Iran vào tháng 7/2006. Những quyết định sau đó của Trung Quốc về thời điểm phản đối hoặc chống đối, và thời điểm cuối cùng tán thành những đề nghị của Mỹ có thể sẽ được đưa ra trên cơ sở quyết định trước đó. Việc thay đổi một chính sách lâu dài như vậy có thể là rất khó khăn.

 

Có thể có sự chân thành và tin cậy không?

Bằng chứng gián tiếp cho thấy Trung Quốc đang chơi một ván bài kép ở Iran. Bắc Kinh tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo Mỹ rằng Trung Quốc là một đối tác sẵn sàng và có trách nhiệm trong việc duy trì chế độ NPT, nhưng nước này cũng giúp Iran giành thời gian, không gian quốc tế, và tiếp tục có đủ tài lực kinh tế cần thiết để nước này thúc đẩy các kế hoạch hạt nhân của mình đi đến kết quả thành công. Không có bằng chứng nào cho kết luận này, và có thể có một lý giải mang tính kinh tế hợp lý về hành vi ứng xử của Trung Quốc. Nhưng lý giải mang tính kinh tế đó không phải là không phù hợp với một lý giải mang tính chiến lược. Một số phần trong bằng chứng gián tiếp nhằm vào một kết luận của Trung Quốc rằng việc hạt nhân hóa Iran sẽ phù hợp với những lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc: đường lối chống bá quyền của giới truyền thông và giới học giả của Trung Quốc; sự tính toán về sức mạnh trên thế giới hiện nay và sự theo dõi chặt chẽ của Trung Quốc về những vấn đề đó; kết quả thực tế của chính sách của Trung Quốc về việc trì hoãn và phản đối các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ; việc cung cấp mạnh mẽ công nghệ quân sự và thiết bị công nghiệp hiện đại của Trung Quốc cho Iran; và thế giới quan chống bá quyền của PLA và vai trò của nó trong các hoạt động chính trị kế nhiệm của CCP và sự tồn tại của chế độ. Bằng chứng này là mơ hồ và mang tính suy đoán, nhưng xuy xét kỹ hướng vào kết luận rằng Bắc Kinh, trên thực tế, đang chơi một trò chơi kép.

Đề nghị thường xuyên của Mỹ với Trung Quốc trong các chính quyền của George H.W. Bush (Bush cha), Bill Clinton (những năm sau), George W. Bush (Bush con), và hiện nay là Barack Obama là hai nước cần trở thành đối tác trong việc giải quyết những lợi ích chung và các vấn đề thế giới. Đây là một đường hướng vững chắc phù hợp với những lợi ích của hai nước. Đường hướng này cũng mang lại triển vọng tốt nhất để làm cho thế kỷ 21 ít bi đát hơn so với thế kỷ trước. Nhưng mối quan hệ đối tác Trung – Mỹ thực sự sẽ không thể thực hiện được nếu Trung Quốc đang và tiếp tục theo đuổi một trò chơi kép ở vùng Vịnh Pécxích. Đến một lúc nào đó, mưu mẹo của Trung Quốc sẽ được Mỹ hiểu rõ, và sẽ làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy. Trung Quốc cuối cùng sẽ phải đưa ra một sự lựa chọn về mối quan hệ của mình với Mỹ mà sẽ định hình bầu không khí vĩ mô cho sự trỗi dậy của mình trong thế kỷ 21 – sự hợp tác chân thành ở vùng Vịnh Pécxích là một phần của một mối quan hệ đối tác toàn cầu thực sự, hay đối thủ chiến lược.

 

Theo Washington Quarterly

Đinh Anh(gt)