Việc xây dựng các đảo nhân tạo là ví dụ xác thực mới nhất và kịch tính nhất về sự cứng rắn đang gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là hệ quả từ sự khiêu khích của các nước khác. Nếu đúng vậy thì các nước khác cần xuống thang và ngừng lại nếu muốn hạ nhiệt căng thẳng khu vực. Có 3 giả thiết về hành vi của Trung Quốc với tranh chấp Biển Đông.

Thứ nhất, việc làm của Bắc Kinh hoàn toàn mang tính tự vệ: điều Trung Quốc thật sự muốn là đặt vấn đề chủ quyền sang một bên và duy trì hợp tác làm ăn, có thể bao gồm cả cùng khai thác nguồn tài nguyên. Quan chức Trung Quốc thường khẳng định đây là mục tiêu của họ. Hành động mở rộng đảo mang tính cá biệt của Bắc Kinh khi đó sẽ đơn thuần là nhằm mặc cả và Bắc Kinh cuối cùng sẽ rút lui nhường chỗ cho sự thỏa hiệp. Giả thiết này sẽ giải thích hành động của Bắc Kinh là đáp trả các bước đi đơn phương của các bên tranh chấp chính khác. Hệ quả là Trung Quốc có thể tuân thủ việc duy trì nguyên trạng nhưng không chấp nhận các bên tranh chấp khác thay đổi nguyên trạng gây tổn hại cho Trung Quốc. Nếu các nước khác không vi phạm, Trung Quốc cũng sẽ làm vậy.

Thứ hai, Trung Quốc có ý đồ gia tăng kiểm soát tại các khu vực tranh chấp và đã chuẩn bị đối phó với các bên tranh chấp khác, tuy vậy vẫn còn ngại mang tiếng “hung hăng”. Do vậy, Bắc Kinh sẽ chờ bên đối phương tạo cớ để có hành động trả đũa có chủ đích và qua đó nâng cao được vị thế lâu dài của Trung Quốc tại đây.

Thứ ba, Trung Quốc tìm cách hiện thực hóa tối đa yêu sách tại Biển Đông. Với hy vọng đạt được mục tiêu với mức độ tranh chấp ở mức thấp nhất, chính sách của Bắc Kinh là thực hiện lấn dần trong nhiều năm với mục đích là buộc các đối thủ tranh chấp buộc phải chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc (trong đó, là một bên lớn và mạnh hơn, Trung Quốc rõ ràng chiếm ưu thế). Trong trường hợp này, Bắc Kinh sẽ theo đuổi kế hoạch đơn phương thay đổi hiện trạng theo cách có lợi cho mình, bất chấp các nước tranh chấp còn lại làm gì, thậm chí Bắc Kinh còn đẩy nhanh tiến trình nhằm đảm bảo Trung Quốc luôn ở thế dẫn trước.

Thay đổi nguyên trạng

Một số phân tích cho rằng việc Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ra tòa quốc tế hay như hải quân Mỹ cử tàu tuần tra gần các đảo đá của Trung Quốc mới là nguyên nhân chính chứ không phải việc mở rộng đảo của Trung Quốc. Tuy vậy, có mấy lý do để nghi ngờ quan điểm này.

Thứ nhất, vị thế của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế dẫn đến khả năng Bắc Kinh hành động không phải để duy trì nguyên trạng mà là thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho mình. Là nước lớn đang trỗi dậy, Trung Quốc đương nhiên ngày càng coi mình là lãnh đạo khu vực, Mỹ có ảnh hưởng ngày càng suy yếu, hiện diện của Mỹ tại đây là không thể chấp nhận và bất hợp pháp. Cũng như bất kỳ cường quốc nào khác, Trung Quốc đang tìm cách tạo lập phạm vi ảnh hưởng và kiểm soát tại vùng lãnh thổ xung quanh. Các đảo tranh chấp và bản đồ được thừa kế từ chính quyền Trung Hoa Dân quốc cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc có cớ đòi hỏi sở hữu Biển Đông, đồng thời Trung Quốc cũng đang đòi hỏi được tôn trọng tại vùng biển Hoàng Hải, thậm chí tại các khu vực xung quanh quần đảo Ryukyu. Trung Quốc làm mạnh theo ý của mình, bất kể có cơ sở pháp lý hay không.

Thứ hai, Trung Quốc đang ở thời kỳ hậu Đặng Tiểu Bình. Đặng luôn khuyên những người kế nhiệm không đi đầu, kiềm chế tránh xung đột, nhất là với phương Tây. Nỗi sợ về sự phản đòn của các nước khu vực lâu nay đã kiềm chế hành vi của Trung Quốc. Thế nhưng hiện Trung Quốc đã tương đối mạnh và tự tin. Lo ngại trước đây dường như không còn ảnh hưởng tới những người hoạch định chính sách đối ngoài và bị lấn át bởi tham vọng đưa Trung Quốc trở thành lãnh đạo mới của khu vực.

Thứ ba, chính sách của Trung Quốc ngày càng giống “bành trướng từ từ”. Trong khi không có hoạt động củng cố yêu sách của bên tranh chấp còn lại nào ở Biển Đông có thể gây tổn hại tới các bên khác. Nhưng hành động của Trung Quốc lại vượt quá xa việc phản ứng với các nước khác, điều này làm cho giả thiết thứ ba có vẻ là đúng nhất.

Cuối cùng, mặt tiêu cực trong các hoạt động của Trung Quốc làm tăng khả năng đối đầu quân sự. Khi các nước xung quanh Biển Đông không chấp nhận Trung Quốc kiểm soát biên giới biển của mình và khi Mỹ không chấp nhận Trung Quốc kiểm soát ở khu vực vốn được coi là hải phận và không phận quốc tế, các nước này sẽ nhanh chóng tỏ rõ quyết tâm chống lại chính sách của Trung Quốc, điều đó dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Còn nếu phản ứng chậm chễ sẽ càng làm Trung Quốc tin rằng không có trở ngại đáng kể và tiếp tục lấn tới. Nếu việc can thiệp trực tiếp để buộc Trung Quốc dừng việc san lấp mở rộng tại Biển Đông là không thể, thì Mỹ và các nước Châu Á – Thái Bình Dương cần tính đến các biện pháp gián tiếp để buộc Trung Quốc phải trả giá cao hơn cho các hành động của mình.

So với thập kỷ 80 và 90, Trung Quốc đang có bước đi nhanh chóng củng cố vị thế của mình tại Biển Đông, không chỉ qua các hành động thực tế như tuần tra hoặc bồi đắp đảo mà còn thông qua lập luận về ngoại giao và pháp lý. Các bước đi gia tăng của Trung Quốc phản ánh môi trường hoạch định chính sách đối ngoại ở Bắc Kinh đã thay đổi. Trung Quốc đang ở vị thế mới là một cường quốc, áp đặt ý chí của Trung Quốc ở các khu vực xung quanh sẽ thỏa mãn mong đợi của công chúng và giúp Tập Cận Bình hoàn thành kế hoạch “phục hưng Trung Quốc”, tăng thêm tính chính danh của Đảng Cộng sản trong con mắt công chúng và tạo yểm trợ chính trị cho cuộc tái cơ cấu kinh tế đầy khó khăn.

Lợi ích của các nước Châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị tổn hại nếu Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc, từ việc mất quyền tiếp cận nguồn tài nguyên biển, tự do hàng hải bị hạn chế đến trật tự khu vực dưới sự bảo trợ của Mỹ bị suy yếu. Sự phản kháng của các nước trước ý đồ của Trung Quốc là điều dễ hiểu. Khi sự phản kháng góp phần làm tăng việc trả giá của Trung Quốc trong việc bành trướng đơn phương, sẽ giúp các bên có cơ hội tập trung vào giảm căng thẳng và tìm kiếm cách thức hợp tác và hòa bình cho Biển Đông.

Denny Roy, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Đông – Tây, Mỹ. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Trần Quang (gt)