Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tuần này tại Oasinhtơn, tiếp theo chuyến thăm châu Âu hồi đầu tháng 1 của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, người có nhiều triển vọng trở thành Thủ tướng tương lai của nước này, nhằm ký kết nhiều thỏa thuận mua trái phiếu, các loại hàng hóa và đầu tư vào các nước châu Âu.

 
Mỹ và châu Âu nhận thấy Trung Quốc đang tích cực sử dụng sức mạnh kinh tế để chia rẽ hai đồng minh xuyên Đại Tây Dương truyền thống. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc Bắc Kinh sử dụng sức mạnh như vậy để lôi kéo châu Âu chống lại Mỹ là ý đồ không mới. Những năm qua, Trung Quốc thay đổi chương trình mua máy bay dân sự từ hãng Boeing của Mỹ sang hãng Airbus, đối tác cạnh tranh châu Âu, nhằm ép Mỹ từ bỏ chính sách nhân quyền đối với Trung Quốc và các mối quan hệ với Đài Loan. Chuyến thăm châu Âu của ông Lý Khắc Cường và vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế châu Âu rõ ràng sẽ làm tăng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh đối với các nước châu Âu. Các nước này có thể một lần nữa phải đối mặt với sức ép của Bắc Kinh đòi xóa bỏ lệnh cấm bán các loại vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) cho Trung Quốc, được áp đặt sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. 


Bất chấp những động thái ngoại giao gần đây của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ ngày càng mất lòng tin về Trung Quốc và các ý đồ chiến lược của họ. Hơn nữa, mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc với châu Âu, cũng như mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Mỹ, là con dao hai lưỡi. Trung Quốc có thể đang giành được sức mạnh kinh tế, song chính Trung Quốc cũng đang gắn chặt tương lai kinh tế của họ vào kinh tế châu Âu, từ đó hạn chế các lựa chọn của Bắc Kinh. Thực tế, về lâu dài mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Trung Quốc với châu Âu có thể mang lại lợi ích chiến lược cho phương Tây, đó là các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu có thể giúp châu lục này ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ ngày càng nghiêm trọng, và các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu như mua trái phiếu, đầu tư trực tiếp... sẽ tăng cổ phần của Trung Quốc trong kinh tế châu Âu. 


Hiện nay, các bên đều có xu thế mất lòng tin lẫn nhau. Thế nhưng, các mối quan hệ của châu Âu và Mỹ với Trung Quốc trở nên đối đầu thì sẽ phá hủy các lợi ích chiến lược của tất cả các bên. May mắn thay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Mỹ và châu Âu tiếp tục nhấn mạnh họ "đang cùng hội cùng thuyền" và phải hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu. Vấn đề ở chỗ là quan điểm này không được nhiều quan chức dân sự và quân sự ở từng nước ủng hộ. Thế giới đang ở trong giai đoạn không chắc chắn, trong đó Mỹ và châu Âu đang nhận được nhiều tín hiệu khác nhau từ Trung Quốc. Điều quan trọng hơn, Mỹ và châu Âu phải phối hợp chính sách Trung Quốc của họ để giảm thiểu tác động của Trung Quốc nhằm chia rẽ hai đồng minh xuyên Đại Tây Dương này.

 
Về phần mình, Trung Quốc cũng cần sự hợp tác của Mỹ và châu Âu để thúc đẩy lợi ích của họ. Một số nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhất là trong giới quân đội, muốn sử dụng sự phát triển kinh tế của đất nước và khả năng quân sự vốn có để "hù dọa" các nước láng giềng giải quyết bất đồng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Tuy vậy, sự "hù dọa" của họ dường như không có tác dụng đối với các nước láng giềng và các nước khác trên thế giới, kể cả các nước châu Âu. Do đó Bắc Kinh không thể xa lánh châu Âu và Mỹ, trong khi Mỹ và châu Âu lại có chung lợi ích trong việc chống lại bất cứ chiến lược "chia rẽ và chinh phục" nào của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy Trung Quốc hợp tác hơn nữa với thế giới.

Theo New Atlanticist