Lực lượng trên biển của Việt Nam và Trung Quốc đã có những va chạm trong thời gian gần đây trên Quần đảo Hoàng Sa. CNOOC, Công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc đã hạ đặt một giàn khoan vào vùng biển mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều tuyên bố chủ quyền, vụ việc buộc Việt Nam phải huy động các tàu ra ngăn cản. May mắn là đụng độ vũ trang đã không xảy ra. Thay vào đó, Trung Quốc đã chọn chiến thuật sử dụng vòi rồng và đâm vào tàu cảnh sát biển của Việt Nam. Tuy nhiên, không ai có thể lường trước được mức độ nghiêm trọng của vụ việc trong tương lai.

40 năm trước, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm lấy Hoàng Sa. Dĩ nhiên, sau đó nước này tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo và các vùng biển xung quanh. Họ cũng từ chối tham gia các nỗ lực hòa giải hay phân xử tranh chấp lãnh thổ trong những vùng biển gần Trung Quốc (Biển Hoàng Hải, Biển Đông và Biển Hoa Đông – ND). Do đó, vụ việc hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc đã kéo theo những phản ứng dữ dội của Việt Nam.

Có một điểm khó hiểu trong sự kiện lần này: đó là sự xuất hiện của các đơn vị của Hải quân Trung Quốc trong đội tàu của nước này tại Hoàng Sa. Có phải Bắc Kinh đang dần từ bỏ chính sách ngoại giao cây gậy nhỏ mà nước này đã sử dụng một cách hiệu quả trong những năm gần đây hay không? Có lẽ là như vậy. Đây không phải lần đầu mà giới lãnh đạo của Trung Quốc từ bỏ một kế hoạch ngoại giao đầy hứa hẹn (ví dụ như chính sách gây cảm tình – charm offensive) theo cách mà không ai có thể hiểu được. Không chỉ vậy, họ cũng đã từng bỏ lỡ những cơ hội cải thiện với những người láng giềng tại Châu Á (ví dụ như sự kiện bão Hải Yến). Những điều ngớ ngẩn và các kế hoạch thất sách đôi khi vẫn xuất hiện trong chiến lược của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc sử dụng tàu chiến không hẳn là một sự cố bất cẩn của phía Trung Quốc. Trung Quốc có cách hành xử theo kiểu tư duy “Hoàng đế Bá chủ” của Tôn Tử. Họ luôn muốn hăm dọa những nước láng giềng, ngăn cản các nước này liên minh với nhau chống Trung Quốc, và tận hưởng vị thế độc tôn của mình. Tuy nhiên, giới cầm quyền Trung Quốc chắc chắn vẫn nhớ về những cuộc đụng độ trước đây trên bộ cũng như trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam. Và họ chắc hẳn cũng nhớ rằng Trung Quốc đã có những lần phải chịu thất bại trước người láng giềng kiên cường của họ.

Trong suy nghĩ của giới cầm quyền Trung Quốc, họ có thể cho rằng Bắc Kinh không thể khuất phục Hà Nội chỉ với những chiếc tàu vỏ trắng của Cảnh sát biển Trung Quốc. Lực lượng hải quân chỉ được sử dụng khi một nước nào đó muốn chiếm lấy các thực thể có tranh chấp, trong khi đó lực lượng cảnh sát biển được sử dụng để thực thi luật pháp trong nước đối với các tàu nước ngoài. Bằng cách cử đi các tàu chiến, Bắc Kinh có thể đã ngầm công nhận rằng Việt Nam – khác với một Philippines với lực lượng hải quân và cảnh sát biển có năng lực kém xa so với Trung Quốc – là một đối thủ đáng gờm.

Mỹ nên làm gì trong trường hợp này? Một bài báo trên chuyên mục Hải quân của tờ Diplomat khuyến nghị cách đây không lâu rằng đã đến lúc nên chấp nhận quan điểm rằng các vùng biển ngoài khơi – vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế (EEZ) - là vùng lãnh thổ “xanh nước biển”. Việc sử dụng các tàu trên danh nghĩa chính thức để chiếm lấy một đảo san hô nào đó nằm trong vùng biển ngoài khơi của một quốc gia ven biển cũng giống như việc thiết lập một tiền đồn bên trong biên giới trên bộ của một quốc gia nào đó. Khuyến khích các tàu đánh cá hoạt động trong vùng EEZ của một nước nào đó cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích những tên đạo tặc vượt qua biên giới để lấy trộm tài nguyên thiên nguyên.

Việc chấp nhận khái niệm vùng biển là vùng lãnh thổ sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Nó là cơ sở để kết luận rằng Bắc Kinh đã sai khi xâm phạm vào lãnh thổ của nước khác trong sự kiện tại Bãi cạn Scarborough hay Bãi Vành Khăn, hay khi nước này tuyên bố mời thầu các lô nằm trong vùng EEZ của Việt Nam (như đã làm vào năm 2012). Và việc ngăn chặn sự xâm phạm lãnh thổ luôn là trung tâm trong bất kỳ hiệp ước phòng thủ chung nào, cũng như luôn xuất hiện những văn bản phổ quát như Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, sự trợ giúp của Mỹ chỉ nên giới hạn tới những vùng biển nằm ngay bên ngoài lãnh thổ của các quốc gia duyên hải. Ví dụ như Mỹ nên hỗ trợ Philippines bảo vệ khu vực 200 hải lý bên ngoài đảo Luzon, hay hỗ trợ Việt Nam bảo vệ khu vực 200 hải lý tính từ lãnh thổ của họ. Những trường hợp này là rất rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề lại mập mờ hơn nhiều tại khu vực nằm giữa Biển Đông. Khó có thể hy vọng Washington sẽ hành động tại Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa trừ phi những tranh chấp ở đây được tòa án quốc tế phân định. Sẽ là viển vông nếu các đối tác của Mỹ tại khu vực hy vọng rằng hải quân Mỹ có thể tới và giải vây cho họ.

Cũng khó có thể hình dung ra việc Mỹ sẽ tham chiến vì một đảo nào đó, trừ phi chúng được hình thành một cách tự nhiên, nổi trên mặt nước khi thủy triều lên, có thể duy trì sự sống của con người và có thể có đời sống kinh tế. Đấy là những tiêu chí mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển dùng để định nghĩa thế nào là một đảo.

Chúng ta cũng nên chú ý rằng UNCLOS cũng quy định cụ thể: “Những đá không có người ở hoặc không có các hoạt động kinh tế trên đó thì sẽ không được có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.” Luật pháp quốc tế chỉ cho phép những thực thể này được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý và không cho phép các quốc gia thực thi quyền tài phán tại đây nhằm khẳng định vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các thực thể này.

Điều này giúp chúng ta có một cái nhìn khác về đường chín đoạn của Trung Quốc. Không thể yêu sách đòi vùng lãnh thổ “xanh nước biển” đối với vùng biển quanh những gì họ cho là “đảo”, nhưng không đáp ứng đủ các tiêu chí về một đảo theo luật pháp quốc tế. Một vài thực thể ở Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa có thể có vùng lãnh hải riêng. Tuy nhiên, các thực thể nửa nổi nửa chìm không đủ tiêu chuẩn để hưởng bất cứ quyền lợi gì theo luật pháp quốc tế. Điều này có thể gợi mở cho các quốc gia tại Đông Nam Á và các đồng minh bên ngoài như Mỹ xây dựng một chiến lược kép: đó là đưa vùng đặc quyền kinh tế nằm ngay bên ngoài lãnh thổ vào trong các hiệp ước phòng thủ chung đồng thời với đó là tìm kiếm phán quyết pháp lý cho quy chế của các thực thể tại Quần đảo Trường Sa và Quần đảo Hoàng Sa.

Cụ thể, gần đây Manila đã mở cuộc tấn công pháp lý hướng về Trung Quốc với việc đâm đơn kiện lên Tòa Trọng tài về Luật biển. Nhiều khả năng tòa sẽ chấp thuận rằng yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh là không có cơ sở - đặc biệt tại những khu vực mà yêu sách của Trung Quốc lại nằm trong vùng EEZ của Philippines tính từ lãnh thổ của họ. Với những thực thể nhỏ bé tại trung tâm Biển Đông, các bên có yêu sách có lẽ sẽ thất vọng với phán quyết của tòa án. Hầu như không thực thể nào ở đây đáp ứng được bất kỳ tiêu chí nào về các đảo. Cùng lắm thì chủ quyền với các thực thể này chỉ mang lại một số đặc quyền kinh tế trong một khu vực biển nhỏ bé. Một phán quyết như vậy sẽ biến hầu như toàn bộ Biển Đông trở lại là tài sản chung của thế giới, được cộng đồng đi biển tự do sử dụng.

Trung Quốc chắc chắn sẽ vô cùng tức giận đối với một phán quyết như vậy. Suy cho cùng, họ là nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ. Và theo suy nghĩ của họ, các nước nhỏ phải chấp nhận điều này. Tuy nhiên nếu như họ bác bỏ phán quyết của tòa án, thế giới sẽ coi họ như một kẻ bất tuân luật pháp. Và đây cũng sẽ là cơ hội để các quốc gia tại Châu Á – Thái Bình Dương cùng tập hợp và chống lại Trung Quốc. Chúng ta hãy cùng bắt đầu cuộc chiến pháp lý của mình.

Bài viết của tác giả James R. Holmes, nhà phân tích quốc phòng cho tạp chí The Diplomat và giáo sư về chiến lược tại Đại học Hải chiến Mỹ. Bài viết được đăng trên tạp chí The Diplomat.

Người dịch: Quang Tiệp