Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10/2014

 

Bắc Kinh đã đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản và tinh lọc dầu ở đất nước mà ít có nhà đầu tư nào chịu bỏ ra một xu. Họ cũng đã gây sức ép với đồng minh của mình là Pakistan về việc chấm dứt hậu thuẫn Taliban. Theo tờ "Nhật báo Phố Wall", Trung Quốc thậm chí còn tiếp một phái đoàn quan chức Taliban Afghanistan vào tháng 12/2014 để "thảo luận khả năng đàm phán với chính phủ Afghanistan". 

Điều này rất quan trọng cho các nước phương Tây vốn đang trong giai đoạn "triệt thoái chiến lược" khỏi khu vực cho dù chủ nghĩa khủng bố quốc tế vẫn là một mối đe dọa. Trung Quốc trước đó chưa từng đảm nhiệm vai trò ngoại giao nào như vậy ở bên ngoài biên giới nước này và thành công ở Afghanistan có thể khuyến khích Bắc Kinh đóng một vai trò tích cực hơn với Triều Tiên.

Nhưng liệu Trung Quốc có động lực và sức bền để nhận một vai trò khó khăn từng khiến cả Liên Xô (cũ) và Mỹ bó tay hay không? Theo ông Sun Yuxi, Đặc phái viên Trung Quốc về Afghanistan và Pakistan thì Bắc Kinh không hề thiếu tham vọng. Ông này nói: "Afghanistan đang đối mặt một thời kỳ đặc biệt. Chúng tôi sẵn sàng làm hơn nữa và đóng vai trò lớn hơn nữa. Chúng tôi sẵn sàng tiếp đón Taliban tại một địa điểm trung lập như ở Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các cuộc thương lượng diễn ra nhưng tiến trình này phải do người Afghanistan dẫn đầu và làm chủ".

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã tới thăm Bắc Kinh hồi tháng 10/2014 và đề nghị Trung Quốc đóng một vai trò như vậy. Trong một phát biểu tại Bắc Kinh, ông Ghani đã nêu rõ: "Chúng tôi tin tưởng vào sự can dự tích cực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong việc thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định tại Afghanistan và trong khu vực". Ông Ghani cũng bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc có đủ ảnh hưởng để thuyết phục Pakistan buộc ban lãnh đạo Taliban cát cứ tại Pakistan đàm phán với chính quyền Kabul.

Trung Quốc đã gây dựng một sự đồng thuận khu vực trong vấn đề Afghanistan thông qua một loạt cuộc gặp nhóm, thiết lập kênh đàm phán ba bên giữa Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan, và một cuộc nữa với Mỹ. Các quan chức Mỹ nói rằng Washington không phản đối Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn tại Afghanistan, nếu như nước này có thể làm trung gian cho các cuộc hòa đàm, đẩy lui khủng bố và giúp nền kinh tế Afghanistan phát triển.

Trong các khía cạnh này, Bắc Kinh có lợi ích trùng khớp với Washington. Mối quan ngại đặc biệt với Trung Quốc là đe dọa an ninh quốc gia tại "khu tự trị" Tân Cương ở Tây Bắc nước này vốn gần đây xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố. Một số phần tử Hồi giáo cấp tiến thuộc nhóm thiểu số Uighur đã tham gia huấn luyện với Taliban ở Pakistan và Afghanistan. Bắc Kinh muốn đảm bảo rằng những phần tử đó sẽ không bao giờ nhận được sự đào tạo cũng như bảo vệ tại các vùng do Taliban chiếm giữ trong tương lai. 

Tài nguyên khoáng sản và năng lượng của Afghanistan cũng là yếu tố lôi kéo mạnh mẽ. Theo đánh giá của Mỹ, phần lớn các tài nguyên này chưa được khai thác do nội chiến dai dẳng ở quốc gia này. Chiến lược rộng lớn hơn của Bắc Kinh là phát triển kinh tế - bao gồm việc xây dựng "Con đường Tơ lụa". Trung Quốc đang đầu tư hàng tỉ USD vào mạng lưới đường bộ và đường sắt trải dài từ miền Tây Trung Quốc đến Đức, đi qua hàng chục nước. Trung Quốc muốn xây dựng một tuyến đường sắt tại Afghanistan để chuyên chở khoáng sản sang Trung Quốc và một tuyến đường cao tốc 4 làn từ cảng Gwadar trên Vịnh Arab qua Pakistan đến biên giới Trung Quốc.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã ký các dự án "hành lang kinh tế" với Trung Quốc trị giá tới 45 tỉ USD trong vòng 10 năm. Điều này có thể làm thay đổi bản đồ khu vực, nhưng nó cũng hàm ý rằng quân đội Pakistan sẵn sàng trấn áp các nhóm "thánh chiến" đang chiến đấu tại Afghanistan và Kashmir.

Viện trợ kinh tế và tiền bạc là mồi nhử hấp dẫn nhất đối với cả Pakistan và Afghanistan, và chính điều này tạo cho Trung Quốc cơ hội ổn định khu vực từng nhiều năm bị tàn phá bởi chiến tranh. Mỹ đã thất bại cả trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững ở Afghanistan lẫn thuyết phục quân đội Pakistan ngừng hậu thuẫn chủ nghĩa cực đoan. Các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc cũng như nhu cầu về nguyên vật liệu thô của nước này đem lại nguồn thu tài chính cho cả Afghanistan và Pakistan.

Theo Financial Times

Văn Cường (gt)