Trung Quốc dường như đang ngày càng quyết tâm tăng cường sự hiện diện và kiểm soát các khu vực trên Biển Đông, giáp Đông Nam Á - một khu vực quan trọng cả về mặt chiến lược cũng như kinh tế. Theo "Thời báo Nhật Bản", Philíppin gần đây đã tố cáo các tàu hải quân và hải giám của Trung Quốc xâm phạm một khu vực ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp nhằm khẳng định chủ quyền đối với một đảo san hô không có người ở. Bộ Ngoại giao Philíppin đã triệu Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila đến để giải thích sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại khu vực mà Philíppin khẳng định là lãnh hải của nước này.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang phô trương sức mạnh, nước này có thể sẽ cố gắng tăng cường áp lực với Philíppin chứ không phải với Việt Nam hay Malaixia. Về mặt quân sự, Philíppin là nước yếu nhất trong ba nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo và lãnh hãi ở Biển Đông. Cho đến gần đây, Philíppin vẫn không sẵn sàng đối đầu về mặt ngoại giao với Bắc Kinh bởi vì Manila biết rằng vị thế mặc cả của mình yếu như thế nào và lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ trả đũa.

Mặc dù Trung Quốc có thể coi Philíppin là mục tiêu yếu nhất trong số ba đối thủ tuyên bố chủ quyền chính ở Biển Đông, song Bắc Kinh vẫn phải tính tới phản ứng của Mỹ. Philíppin là nước đồng minh có hiệp ước với Mỹ, trong khi Việt Nam và Malaixia không phải như vậy. Phát biểu ở Cuala Lămpơ vào đầu tháng này, Đô đốc Robert Willard, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói ông quan ngại về tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông, nơi ông mô tả là “khu vực rất quan trọng và chiến lược đối với tất cả chúng ta”.

Tuyên bố chủ quyền của Manila đối với quần đảo Trường Sa mà nước này gọi là Nhóm đảo Kalayaan (KIG), bao gồm 54 đảo san hô, bãi đá ngầm và bãi cát ngầm. Các tuyên bố chủ quyền này mâu thuẫn với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Ma-lai-xi-a.

Bãi sậy ngầm và nông, nằm cách phía Tây đảo Palawan của Philíppin khoảng 100 km, là một phần của KIG, được cả Manila và Bắc Kinh coi là khu vực ngoài khơi có triển vọng lớn về dầu khí. Xa hơn về phía Bắc, Philíppin, Trung Quốc và Đài Loan đang tranh giành một nhóm các đảo san hô, đá ngầm và bãi cát ngầm mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Zongsha. Nó bao gồm Bãi ngầm Macclesfield nằm ở phía Đông của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ và được cả Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Quần đảo Zongsha cũng bao gồm bãi đá ngầm Scarborough hình tam giác, với chu vi 46 km. Chỉ cách đảo chính Luzon của Philíppin 215 km về phía Tây, bãi đá ngầm Scarborough có tiềm năng trở thành chỗ neo đậu và căn cứ tiền tiêu của Hải quân Trung Quốc. Có một tuyến đường biển quốc tế ở gần đó. Hàng ngày, có hơn 300 tàu bè qua lại khu vực gần bãi đá này. Cũng giống như Philíppin, Nhật Bản từ lâu đã là một đồng minh của Mỹ và đang sử dụng tuyến đường biển này để nhập khẩu phần lớn dầu từ Trung Đông và coi đây là tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng.

Đô đốc Willard khẳng định sự can dự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á tạo ra hai thách thức đáng kể đối với Mỹ. Một là hành động của Trung Quốc “trong nhiều trường hợp nhằm thay thế ảnh hưởng của Mỹ”. Hai là “các tuyên bố chủ quyền mang tính bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông…” 

  Theo Japan times

 Viết Tuấn (gt)