mytrung__3_.jpg

 

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) - tổ chức nghiên cứu về quan hệ quốc tế hàng đầu của Mỹ - mới đây đã ra báo cáo đặc biệt cho rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm “tích hợp” Trung Quốc vào trật tự quốc tế đã dẫn đến mối đe dọa mới đối với tính ưu việt của Mỹ ở châu Á. Báo cáo này cũng kêu gọi chiến lược mới nhằm cân bằng sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc hơn là tiếp tục hỗ trợ uy lực của quốc gia châu Á này. Cụ thể, báo cáo của CFR kêu gọi đưa “chính sách ngăn chặn” thay thế “chính sách can dự” vốn có kể từ chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Báo cáo khẳng định mục tiêu của Trung Quốc là nhằm thay thế Mỹ như sức mạnh chính ở châu Á.

Trong khi đó, theo "Nhật báo Phố Wall", chính quyền Tổng thống Obama đang xem xét thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách tuần tra trên biển và trên không tại các vùng lân cận đảo nhân tạo của Trung Quốc. Trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng “cho dù có chất bao nhiêu cát lên các rạn san hô ở Biển Đông, Trung Quốc cũng không thể tạo ra chủ quyền bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) không công nhận cả các rạn đá ngập nước cũng như đảo nhân tạo”. Trung Quốc đã đáp trả nhanh chóng khả năng hành động của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “tự do hàng hải ở Biển Đông không có nghĩa các tàu và máy bay quân sự nước ngoài có thể tùy ý đi vào vùng lãnh hải và không phận của một nước”, làm rõ phạm vi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bất chấp quy định của UNCLOS.

Tại cuộc họp báo chung cuối tuần qua với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “quyết tâm của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vững chắc như đá”. Ông Kerry đã đến Bắc Kinh để thảo luận về việc sắp xếp cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như đối thoại kinh tế và an ninh hàng năm được tổ chức tại Mỹ vào tháng tới. Rõ ràng, chính quyền Obama dự định tiếp tục đối thoại cấp cao nhất với Trung Quốc. Tuy nhiên, động lực của chính phủ Trung Quốc là đáng ngờ. 

Vấn đề quan trọng là Trung Quốc không chấp nhận trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc cũng không chấp nhận quyết định của Tòa công lý quốc tế. Cách thức duy nhất Trung Quốc chấp nhận là đàm phán “một đối một”, trong đó Trung Quốc - người khổng lồ quân sự và kinh tế - giải quyết song phương với nước láng giềng nhỏ và yếu hơn. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng có nhiều cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba trên cơ sở đồng ý chung bao gồm cả trông cậy đến tòa quốc tế. Điều thú vị là Campuchia, “người bạn thân nhất” của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đã phủ nhận vai trò của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bộ trưởng Ngoại giao Camphuchia Soeung Rathchavy tuần trước cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc và cho rằng “xung đột lãnh thổ nên được giải quyết giữa các bên tranh chấp và không liên quan đến ASEAN”. Bà Soeung Rathchavy cũng cho rằng “ASEAN không thể giải quyết tranh chấp này vì tổ chức này không phải là cơ quan pháp lý, chính tòa án mới là cơ quan giải quyết ai đúng ai sai”. Có vẻ như Phnom Penh cũng cảm thấy rằng Bắc Kinh nên chấp nhận phán quyết của Tòa án quốc tế.

Tuy đã tham gia sâu vào hệ thống toàn cầu nhưng nếu tiếp tục từ chối chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp và các chuẩn mực quốc tế khác, Trung Quốc sẽ ngày càng bị xem là “người đứng ngoài”.

Duy Anh (tổng hợp)