Nếu Trung Quốc và Đài Loan bắt tay nhau ở Biển Đông thì tình hình sẽ thay đổi ngay. Đài Loan hiện đang chiếm giữ đảo Ba Bình lớn nhất Trường Sa, có nước ngọt và sân bay. Tuy nhiên do sợ Mỹ phản đối và lo ngại sẽ phá vỡ cục diện bố trí lực lượng của Mỹ ở Châu Á, nên Đài Loan không dám liên kết với Đại lục để bảo vệ các đảo ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc không phải không có con bài khác. Viễn cảnh trỗi dậy của Trung Quốc là rất lớn, hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam, Philippines là nhằm cân bằng với Trung Quốc. Chỉ cần Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh thì Trung Quốc sẽ có rất nhiều biện pháp cụ thể để phá vỡ “trận tuyến thống nhất” chống Trung Quốc của Mỹ, Việt Nam và Philippines. Trong cuộc tranh chấp 1-1 giữa Trung Quốc và Việt Nam, Philippines, Trung Quốc cần bỏ qua Mỹ, không coi có sự tồn tại của Mỹ. Trung Quốc không cần quan tâm đến các đề xuất chính trị liên quan đến vấn đề Biển Đông có Mỹ tham gia, cũng không chấp nhận bất cứ sự điều đình nào giữa Trung Quốc và các nước liên quan do Mỹ đề xuất, kể cả những thông tin mà Mỹ truyền đạt. Đối với Philippines và Việt Nam, Trung Quốc cần đấu tranh có lý có trình tự, trước tiên là đàm phán, nhưng cần chuẩn bị tốt cho việc đánh. Trung Quốc không nổ phát súng đầu tiên, nhưng kiên quyết tiêu diệt lực lượng hải quân tham chiến của đối phương. Nếu đối phương tiếp tục khiêu khích, Trung Quốc cần chuẩn bị nghênh đón chiến tranh leo thang. Cho dù các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ có ý đồ can thiệp vào xung đột ở Biển Đông, Trung Quốc cũng có đủ khả năng và đã chuẩn bị, quyết không khuất phục trước Mỹ.

Mỹ không chắc chắn sẽ giành thắng lợi ở vùng biển gần Trung Quốc và Mỹ cũng không có quyết tâm chiến lược để tiến hành xung đột nghiêm trọng với Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc không nên quá lo ngại nhân tố Mỹ mà không dám gây áp lực đối với Việt Nam và Philippines. Đối với Đài Loan, Trung Quốc cần tranh thủ dư luận ở Đài Loan về việc hai bờ hợp tác bảo vệ các đảo ở Biển Đông. Chủ quyền đối với Trường Sa phải là điểm đồng chính trị cao nhất giữa hai bờ. Trung Quốc cũng cần thể hiện thiện chí giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông, ủng hộ và thúc đẩy việc hình thành quy tắc “cọ sát hòa bình” ở Biển Đông. Nếu xảy ra chiến tranh, Trung Quốc không những phải ra tay đủ mạnh mà còn phải thu nắm đấm kịp thời. Leo thang chiến tranh là phản ứng đối với những khiêu khích quá mức, chứ không phải mục đích của Trung Quốc. Có phân tích của nước ngoài cho rằng, cho dù Việt Nam và Philippines có khiêu khích đến mức nào thì trước Đại hội Đảng 18 Trung Quốc cũng sẽ không đáp trả. Trung Quốc cần kiên quyết phá bỏ dự báo này, thực hiện phản kích kịp thời và trừng trị nghiêm minh những kẻ xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Trung Quốc. Hiện nay là thời kỳ cao điểm xảy ra các tranh chấp ở vùng biển xung quanh Trung Quốc, nhưng Trung Quốc có đủ lực lượng để ứng phó. Trung Quốc cần chọn một kẻ khiêu khích nghiêm trọng nhất để thực hiện đánh trả toàn diện, cần đồng thời gây áp lực trên cả lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự. Không có bên nào trong khu vực có sức chịu đựng lớn hơn Trung Quốc, cho dù tình hình có thay đổi như thế nào thì Trung Quốc đều có thể ứng phó được. Nếu Trung Quốc ngập đến đầu gối thì đối phương sẽ ngập đến cổ, chứ không thể có điều ngược lại.

Theo Thời báo Hoàn cầu (ngày 24/4)

Quang Sáng