Kể từ cuộc hội đàm trên, các chuyến thăm ngoại giao của ông Tập, cũng như của TTg Lý Khắc Cường, đều nhấn mạnh trọng tâm trong chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc là tập trung vào những cường quốc mới nổi và các nước láng giềng, nhất là khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, indonesia sẽ là trọng tâm trong các bước tiếp cận mới của Trung Quốc vào khu vực.

Việc đặt trọng tâm củng cố quan hệ song phương và tăng cường quan hệ chiến lược với các nước láng giềng quan trọng có lẽ là một trong những bước chuyển thực chất nhất trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc kể từ khi ông Tập lên nắm quyền. Từ khi gia nhập WTO năm 2001, Bắc Kinh luôn tăng cường sự hiện diện của mình ở cấp độ đa phương. Tuy nhiên, chủ nghĩa đa phương có xu hướng ưu đãi đặc quyền, tất cả các thành viên của một hiệp hội đa phương phải tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực nhất định. Là một cường quốc mới nổi, Trung Quốc cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn trong việc khẳng định những lợi ích ngày càng được mở rộng của mình.

Cách tiếp cận mới của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á được xác định dựa trên mối quan hệ song phương riêng biệt của từng nước với Bắc Kinh và với các cường quốc lớn khác của thế giới như Mỹ.

Khi tiếp cận với các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản và Philippines, Trung Quốc áp dụng chính sách khá cứng rắn, ít linh hoạt trong các vấn đề mang tính nguyên tắc vì nhận thấy có rất ít tiềm năng tăng cường quan hệ với các quốc gia này. Với những nước đã có quan hệ kinh tế gần gũi và có nhiều lợi ích đan xen như Ấn Độ và Việt Nam, Trung Quốc không tốn nhiều thời gian, tuy nhiên, vẫn đảm bảo để chúng sẽ không xấu đi. Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn cho mối quan hệ với Hàn Quốc, Thái Lan và Australia khi những nước này vừa cân bằng quan hệ đồng minh an ninh chặt chẽ với Mỹ và vừa thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục củng cố quan hệ với Myanmar, Campuchia, Indonesia và Malaysia trên cả bình diện song phương và đa phương do những nước này không có quan hệ đồng minh chính thức với Mỹ trong khi chia sẻ nhiều lợi ích kinh tế quan trọng với Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Indonesia như nền tảng quan trọng trong chính sách chuyển hướng về Đông Nam Á, nhấn mạnh tầm quan trọng của một mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn với Indonesia cũng như nhu cầu tăng cường quan hệ Trung Quốc-ASEAN thông qua chuyến thăm cấp cao tới các nước Đông Nam Á cuối năm 2013.

Không ngạc nhiên khi ông Tập tỏ ra rất quan tâm đến Indonesia. Một phần vì những lợi ích thương mại khi Indonesia là thị trường đang lên, ít rào cản thương mại hơn so với phương Tây, đồng thời cũng là thị trường tiềm năng rất lớn đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Phần khác vì Indonesia cũng có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng hỗ trợ Trung Quốc triển khai thành công chính sách xoay trục sang Châu Á. Bắc Kinh muốn tranh thủ sự ủng hộ của Jakarta khi xảy ra tranh cãi với Mỹ về vấn đề Biển Đông hay những bất đồng về các cuộc tập trận quân sự.

Đối với Trung Quốc, ve vãn Indonesia không chỉ đơn thuần nhằm kiểm soát Mỹ mà còn giúp thắt chặt hơn quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á, ngăn cản các nước trong khu vực không theo đuổi đồng thời các cam kết an ninh với Mỹ và quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu này, ông Tập bắt buộc phải dự thảo một chiến lược khu vực mới nhằm củng cố những lợi thế, lợi ích của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Zhao Kejin, Trung tâm Chính sách toàn cầu, Bắc Kinh. Bài viết được đăng trên Carnegie-Tsinghua.

Văn Cường (gt)