Theo Báo cáo An ninh Trung Quốc hàng năm do Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản công bố, Bắc Kinh có thể đang tăng cường các vụ tuần tra bằng các tàu của lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển ở những vùng biển gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, nhưng ít có khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để chiếm quyền kiểm soát quần đảo này. Bản báo cáo chủ yếu tập trung vào việc tìm cách xác định rõ sự mờ ám trong quan điểm quân sự của Trung Quốc và cung cấp thông tin cho tiến trình đưa ra quyết sách về Trung Quốc. Masayuki Masuda, học giả nghiên cứu cao cấp thuộc Ban Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản, ngày 18/12 đã giải đáp một số vấn đề về những cải thiện trong các khả năng quân sự của Trung Quốc, cũng như những nâng cấp trong trang thiết bị quân sự của nước này, và khả năng liệu Bắc Kinh có liều lĩnh với một cuộc xung đột vũ trang tại vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hay không. Chuyên gia Masuda nhận xét: “Từ góc độ của Trung Quốc, mục đích chiến lược lâu dài là chấm dứt một cách hiệu quả sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku. Vì thế, trong khi Trung Quốc đang nỗ lực khẳng định chủ quyền lãnh thổ của họ, chúng tôi tin rằng lợi ích lớn hơn của Trung Quốc nằm ở sự ổn định. Và điều đó khiến Trung Quốc chưa chắc đã lựa chọn giải pháp sử dụng vũ lực”. Tuy nhiên, theo Masuda, vẫn có một chút nghi ngờ rằng Bắc Kinh đang thực hiện đầu tư nhiều hơn vào việc tăng cường sức mạnh và số lượng các đơn vị bảo vệ bờ biển của họ, và điều đó sẽ làm gia tăng mối đe dọa đối với những lợi ích của Nhật Bản trong 2 hoặc 3 năm tới. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Lực lượng Hải giám Trung Quốc thuộc quyền quản lý của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, vì vậy họ không phải là một lực lượng quân sự và không có khả năng phát động tấn công.

Tuy nhiên, trong vài năm qua chúng ta đã thấy sự gia tăng về số lượng các cuộc tập trận chung của lực lượng này với hải quân Trung Quốc, vì thế rõ ràng là họ đang chuẩn bị cho các kịch bản chiến tranh. Chúng tôi không nghĩ lực lượng Hải giám Quốc gia Trung Quốc sẽ trực tiếp tham chiến, nhưng họ sẽ cung cấp hậu cần và những hỗ trợ khác cho lực lượng Hải quân nước này”. Chuyên gia về Hải quân Nghê Lạc Hùng ở Thượng Hải nói rằng Hải quân Trung Quốc sẽ được chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản tồi tệ nhất. Tuy nhiên, theo Nghê Lạc Hùng, gần như không có khả năng Hải quân Trung Quốc sẽ thực hiện phương án chiếm quyền kiểm soát quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku từ tay Nhật Bản. Từ Quang Dụ, chuyên gia thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ Quân bị Trung Quốc, nhận định rằng việc Bắc Kinh triển khai thêm nhiều tàu chiến đến vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là nhằm “thay đổi tình hình hiện tại” - đề cập đến sự quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo này. Trong tương lai, lực lượng tàu Trung Quốc ở vùng biển nêu trên có thể bao gồm các tàu hiện đại hơn, như các tàu Hải giám trọng tải 3.000 tấn mới nhất là Hải giám 137 và Hải giám 110, hai tàu đã tham gia các cuộc tuần tra ở biển Hoa Đông và Hoàng Hải tháng 11 vừa qua. Masuda đã đề cập đến những con tàu trên như “một biểu tượng” và cho là chúng “được đóng để gây sức ép lên những nước khác”. Theo chuyên gia này, “nếu như những con tàu đó được vũ trang, khi đó tình hình sẽ hoàn toàn khác”. Masuda chỉ ra rằng, những kế hoạch về lớp tàu tuần tra mới và lớn hơn của Trung Quốc đã được đưa ra từ cách đây một thập kỷ và Trung Quốc đã lên kế hoạch đóng thêm 20 tàu trọng tải 1.000 tấn để bổ sung vào đội tàu 29 chiếc mà nước này có thể đã triển khai. Ông nhận định: “Tôi nghĩ lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng sẽ xem xét nghiêm túc về việc cải thiện các khả năng của họ. Nếu chúng ta không làm điều đó, cán cân sức mạnh bảo vệ bờ biển sẽ bị nghiêng về phía Trung Quốc”. 

Theo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” (ngày 19/12)

Hương Trà (gt)