Một thông báo của Bộ Quốc phòng TQ cũng cho biết tàu sân bay Varyag sẽ trở về cảng sớm để tiếp tục được tân trang và thử nghiệm. Cùng ngày 10/8, một chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, ông Rick Fisher giải thích với AFP rằng: “Tàu Varyag sẽ được cho chạy thử nhiều lần và sẽ được sử dụng để đội máy bay tập luyện, nhưng chiếc hàng không mẫu hạm này coi như đã sẳn sàng yểm trợ tác chiến”.

Theo các nhà phân tích, hành động này có khả năng làm dấy lên các quan ngại mới xung quanh tốc độ phát triển nhanh chóng của quân đội TQ. Theo RFA, việc Bắc Kinh sử dụng hàng không mẫu hạm Varyag trên Biển Đông được công luận thế giới coi là hành động bành trướng quân sự nhằm khống chế và chiếm giữ lãnh hải Biển Đông.

Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh cũng hy vọng rằng việc hạ thủy chiếc tàu Varyag sẽ gây một tác động tâm lý trong khu vực, nhất là đối với những nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với TQ như Nhật Bản và Việt Nam. Theo lời ông Fisher, “TQ muốn hù dọa các đối thủ trên Biển Đông. Đây rất có thể sẽ là vùng biển tuần tra lớn đầu tiên của các tàu ngầm hạt nhân TQ và việc bảo vệ những tàu ngầm này sẽ là một trong những nhiệm vụ của các hàng không mẫu hạm TQ”.

Có lẽ Bắc Kinh ngại rằng chiếc hàng không mẫu hạm làm nổi rõ một hình ảnh hiếu chiến của TQ. Cho nên ngày 10/8, sự kiện này diễn ra khá kín đáo. Tân Hoa Xã chỉ phát một bản tin rất ngắn gọn. Một lý do khác khiến Bắc Kinh hôm nay không muốn tỏ ra tự mãn với chiếc tàu Varyag, đó là vì TQ cần có thêm thời gian để có thể đưa vào hoạt động một đội hàng không mẫu hạm và nói chung trong lĩnh vực này, TQ còn thua rất xa Mỹ.

Trong một cuộc họp báo thường lệ hàng tháng, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ Cảnh Nhạn Sinh xác nhận kế hoạch của TQ cho đóng một số ít tàu sân bay và cùng lúc ông trấn an dư luận về mục đích hòa bình của Bắc Kinh. Ông Cảnh nói TQ sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình và một chính sách ngoại giao độc lập song song với chính sách quốc phòng của TQ. Tàu Varyag sẽ được sử dụng vào mục đích huấn luyện quân sự và nghiên cứu khoa học.

Các nhà phân tích quân sự tại TQ nói phải mất nhiều năm nữa chiếc tàu sân bay này mới có thể hoạt động về mọi mặt và cần hai thập niên nữa TQ mới xây dựng được một chương trình tàu sân bay.

Các chuyên gia độc lập tin rằng Bộ Quốc phòng TQ, tuy không nói ra, nhưng đã tiến hành xây thêm 1, thậm chí 2 chiếc hàng không mẫu hạm nữa. Hầu hết các nhà phân tích quân sự và các nhà bình luận tại TQ nói nước này sẽ cần ít nhất 3 tàu sân bay - một tàu luôn luôn hiện diện ngoài biển, một chiếc đậu tại cảng để sửa chữa và tàu thứ 3 để dùng vào mục đích huấn luyện.

Theo các nhà quan sát, đối với Quân đội Nhân dân Giải phóng TQ, sở hữu một chiếc hàng không mẫu hạm là vấn đề danh tiếng, để không bị thua kém một số nước láng giềng như Ấn Độ và Thái Lan, hiện đã có hàng không mẫu hạm. Như lời ông Dennis Blasko, TQ nay có thể tự hào rằng kể từ nay, họ có một trong những quân đội hiện đại nhất thế giới. Nhưng sở hữu một hàng không mẫu hạm còn là một sự cần thiết về mặt chiến lược đối với Bắc Kinh, vì hiện nay, quyền lợi TQ trải rộng khắp thế giới, nước này cần phải can thiệp xa hơn, đặc biệt là trên các tuyến hàng hải vận chuyển dầu khí cung cấp cho TQ.

Đầu năm 2011, TQ loan báo quyết định gia tăng ngân sách quốc phòng thêm 12,7 %, tương đương gần 92 tỷ USD. Giới quan sát cho rằng con số gia tăng thực sự phải là 300 tỉ USD./.

Hoàng Lan (gt)