Thông tin về việc Trung Quốc đóng hàng không mẫu hạm được đưa ra từ nhiều tháng qua. Con tàu này vốn mang tên Varyag, trước đây được đóng theo đơn đặt hàng của hải quân Liên Xô. Tuy nhiên, dự án bị ngừng lại vì Liên Xô sụp đổ năm 1991. Sau đó, Trung Quốc mua lại của Ucraina với giá 20 triệu USD cách đây hơn một thập niên và sửa lại thành tàu sân bay, đặt tên là Thi Lang, tên một Đô đốc thời Minh. Con tàu này hiện đang thả neo ở cảng Đại Liên, phía Đông Bắc Trung Quốc.

Lãnh đạo quân đội Trung Quốc không cho biết khi nào việc tu sửa con tàu sẽ hoàn tất. Theo báo Hồng Kông, trích dẫn các nguồn tin xin giấu tên, sớm nhất tàu Thi Lang có thể được hạ thủy vào cuối tháng 6/2011. Quân đội Trung Quốc trấn an rằng tàu sân bay Thi Lang chủ yếu sẽ được sử dụng để huấn luyện và làm mẫu cho việc đóng tàu trong tương lai. 

Trợ lý Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, ông Thích Kiến Quốc, giải thích rằng theo chiến lược phòng thủ của Trung Quốc, tàu sân bay Thi Lang sẽ không đi vào lãnh hải của các nước khác và "tất cả các nước lớn trên thế giới đều có tàu sân bay - đó là biểu tượng của một nước lớn”. Thế nhưng, Trung Quốc lại đang có tranh chấp về chủ quyền với nhiều nước trong khu vực tại vùng Biển Đông. Thậm chí, Bắc Kinh tỏ thái độ quyết đoán khi khẳng định 80% diện tích Biển Đông thuộc chủ quyền của mình và nhấn mạnh tàu bè nước ngoài không được qua khu vực này nếu không được Bắc Kinh cho phép.

Thời điểm ông Trần Bính Đức chính thức thừa nhận quân đội Trung Quốc đang đóng tàu sân bay không phải là ngẫu nhiên. Nó diễn ra trong bối cảnh đang có căng thẳng tại Biển Đông và Bắc Kinh khẳng định lại tham vọng phát triển hải quân để thực hiện các quyết đoán về chủ quyền trong khu vực này. Ngày 8/6, "Nhân dân nhật báo" cho rằng tranh chấp tại Biển Đông là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với Bắc Kinh vì hai lý do:

Thứ nhất, Trung Quốc là một nước lớn, nhưng không phải là một cường quốc hải quân. Các tranh chấp chủ quyền tại một số đảo ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa lối thông thương của Trung Quốc từ khu vực này ra đại dương.

Thứ hai, nếu không có hải quân mạnh và đủ khả năng bảo vệ các lợi ích trong vùng biển, Trung Quốc sẽ ở vị thế không thuận lợi. Để trở thành một cường quốc có ảnh hưởng, Trung Quốc phải chuyển đổi, từ vị thế một “cường quốc lục địa” thành một “cường quốc hàng hải”. Và tranh chấp tại Biển Đông là một phép thử thực sự để thực hiện mục tiêu này.

Nhìn tổng thể, giới chuyên gia quân sự cho rằng việc Trung Quốc có tàu sân bay sẽ không làm thay đổi cán cân lực lượng tại châu Á-Thái Bình Dương và không phải là một mối đe dọa đối với Mỹ, bởi vì Mỹ có 11 hàng không mẫu hạm. Hiện nay, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có 10 hàng không mẫu hạm của Mỹ và đồng minh. Bên cạnh đó, tàu Thi Lang có nhiều nhược điểm. Đó là tàu thuộc thế hệ cũ, di động chậm, một mục tiêu dễ dàng bị tấn công, hệ thống bảo vệ tàu kém và hải quân Trung Quốc chưa phát triển lực lượng không quân. Thế nhưng, đối với các nước láng giềng nhỏ của Trung Quốc thì sự hiện diện của tàu Thi Lang gây ra nhiều lo ngại.

Một quan chức quân đội khác của Trung Quốc nói với tờ "Thương mại Hồng Công" rằng các nước láng giềng của Trung Quốc không cần phải sợ hãi. Ông khẳng định Bắc Kinh sẽ không điều tàu này vào vùng biển của quốc gia khác.

NCBĐ (tổng hợp)