20091123china1.jpg

 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi hồi tháng 7/2017, một năm sau vụ kiện nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố: “Với các nỗ lực phối hợp của Trung Quốc, Philippines và các nước ASEAN khác, tình hình ở Biển Đông đã trở nên ổn định và đi theo chiều hướng tích cực”. Nói theo cách khác, việc coi thường luật quốc tế đã có hiệu quả. Với rất ít sự giúp đỡ từ bên ngoài, các nước Đông Nam Á nhỏ bé gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận sự thật. Trung Quốc muốn duy trì xu hướng đó. Một tuần trước khi ASEAN khai mạc hội nghị thường niên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các thành viên ASEAN đoàn kết chống lại “các thế lực ngoài khu vực” - giống như việc “con cáo” khuyên các “chú gà” đừng nên để ai lọt vào chuồng.

Danh tính của các lực lượng bên ngoài này là quá rõ với tất cả các nước. Ngày 7/8, Mỹ, Nhật Bản và Úc đã tổ chức Đối thoại Chiến lược Ba bên và đưa ra một tuyên bố chung, trong đó có đoạn nói về Biển Đông. Tuyên bố có đoạn: “Các bộ trưởng kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 về vụ kiện giữa Philippines-Trung Quốc, bởi đó là phán quyết cuối cùng mang tính ràng buộc pháp lý đối với cả hai bên”. Phản ứng trước tuyên bố rằng Trung Quốc và ASEAN đã đạt được thỏa thuận về bộ khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), tuyên bố “kêu gọi các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đảm bảo rằng COC sẽ được sớm hoàn tất và đó sẽ là bộ quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý, có ý nghĩa, hiệu quả và phù hợp với luật quốc tế”.

Trung Quốc không đánh giá cao lời khuyên như vậy. Ông Vương Nghị nói rằng một số quốc gia “bên ngoài Biển Đông vẫn chìm trong quá khứ và vờ như không thấy các thay đổi tích cực của tình hình hiện tại”. Trung Quốc chính thức ủng hộ chính sách giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán. Tuy nhiên, thực tế sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang được thể hiện rõ. Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền với hầu hết toàn bộ Biển Đông. Do vậy, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng 5/2017 cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với ông rằng nếu Philippines tìm cách thăm dò dầu khí ở Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Manila, Trung Quốc sẽ tuyên bố chiến tranh.

Tháng 8/2017, ASEAN đã kỷ niệm 50 năm thành lập với một loạt các hội nghị diễn ra như thường lệ. Một tuyên bố chung đã được đưa ra sau cuộc họp giữa 10 Ngoại trưởng. Như các năm trước, vấn đề Biển Đông đã được thảo luận nhưng năm nay, tuyên bố chung không nhắc đến tên Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố nhấn mạnh đến “mối quan ngại của một số ngoại trưởng về việc cải tạo đất đá và các hoạt động khác trong khu vực, điều làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể tổn hại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Ngoại trưởng Vương Nghị rất hài lòng với thực tế rằng phân đoạn về Biển Đông năm nay “ngắn hơn những năm trước đó” và không đề cập tới Trung Quốc. Ông cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đã ngừng các hoạt động cải tạo đất đá từ năm 2015.

Tuyên bố này đã bị Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington bác bỏ. Với việc công bố các hình ảnh mới đây, cơ quan này khẳng định: “Hoạt động cải tạo đất đá của Trung Quốc không chấm dứt từ giữa năm 2015 với việc hoàn tất các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Bắc Kinh vẫn tiếp tục cải tạo đất ở phía Bắc, tại quần đảo Hoàng Sa”. Có một người tin rằng Trung Quốc đã ngừng cải tạo đất đá, đó là Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano. Ông đã vận động các bên để không nhắc tới hoạt động này bởi Trung Quốc “không còn cải tạo đất đá nữa”. Tuy nhiên, rõ ràng những người đồng cấp của ông trong ASEAN không hề tin vào điều này và do đó, hoạt động cải tạo đất đã được nhắc lại một lần nữa. Thật trớ trêu là bất chấp việc thua kiện ở Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã giành kiểm soát Biển Đông một cách hiệu quả. Nếu Mỹ, Nhật Bản, Úc và các nước khác không sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn mà chỉ dừng ở các đưa ra các tuyên bố, thì Trung Quốc vẫn thể hiện rằng họ sẽ luôn bất chấp luật pháp quốc tế.

Theo “Ejinsight

Hương Trà (gt)