hires_080531-N-2296G-009BB.jpg

Việc Trung Quốc đưa ra yêu sách "Đường 9 đoạn" chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế và đáng bị lên án. Hơn nữa, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể là việc cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo quy mô là không thể phủ nhận và rất đáng báo động. Tuy nhiên, hiện có một số quan điểm bất đồng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đó là lý do tại sao bài viết này cố gắng bổ sung cho các lập luận của tác giả Aaron Connelly trên báo Bưu điện Jakarta vào ngày 5/4 vừa qua nhằm cung cấp cho độc giả một ý tưởng tốt hơn về vấn đề này.

Thứ nhất, tác giả ủng hộ quan điểm Indonesia cần thể hiện là quốc gia dẫn đầu khu vực trong việc lên tiếng nghiêm khắc về các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc cần phải tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài ở La Hay (Hà Lan) và chấm dứt sử dụng yêu sách “Đường 9 đoạn” phi lý. Hơn nữa, ông Connelly nghi ngờ rằng chính sách của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) trong việc quyết tâm bảo vệ quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của nước này hồi tháng 6 năm ngoái sẽ đảm bảo việc ngăn chặn lâu dài sức mạnh của Trung Quốc. Nếu chính sách bảo vệ quần đảo Natuna của Tổng thống Jokowi bị hạn chế thì người ta sẽ đặt ra câu hỏi về cách thức ngăn chặn các hành động của Trung Quốc ở những vùng biển rộng lớn hơn ở Biển Đông mà nước này đang ra sức cải tạo, xây dựng? Hơn nữa, việc yêu cầu Trung Quốc từ bỏ hoàn toàn yêu sách “Đường 9 đoạn” của họ lúc này là việc làm rất khó khăn. Tuy nhiên, có một chiến lược tốt hơn để có thể đối phó với quốc gia này, đó là cần phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ tình hình nội bộ của đất nước này và áp dụng một thái độ cởi mở hơn đối với họ.

“Đường 9 đoạn” hiện cũng là một chủ đề đang được tranh luận tại chính Bắc Kinh. Hiện tại chưa có sự đồng thuận giữa các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc đối với yêu sách này. Mặc dù ý tưởng ban đầu về yêu sách “Đường 9 đoạn” được đưa ra hồi đầu năm 1947, trong đó có đề cập đến các đảo ở Biển Đông, nhưng nó không phải là đường biên giới. Ngoài ra, Trung Quốc hiện là một bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó thừa nhận các tiêu chuẩn quốc tế về "sở hữu các đảo". Theo đó, chỉ có một vài đảo lớn ở Biển Đông là phù hợp với tuyên bố về chủ quyền và dựa trên tiêu chuẩn này thì không có đảo nào của Trung Quốc cũng như của Indonesia là có yêu sách chủ quyền hàng hải chồng chéo nhau.

Tất cả các bên liên quan cần tạo ra một môi trường cho Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Nhưng nếu các quốc gia có liên quan luôn tìm cách chỉ trích Trung Quốc thì đó là cách làm thiếu thận trọng. Ý tưởng cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế nếu các quốc gia khác liên tục gây sức ép đối với họ sẽ là một ảo tưởng. Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sẽ là một quá trình dài nhưng chỉ có sự ổn định mới có thể mở đường cho việc này.

Thứ hai, ông Connelly rất quen thuộc với chủ đề chính sách đối ngoại độc lập và chủ động của Indonesia. Tuy nhiên, tác giả Raditio nhận thức được hoạt động đối ngoại độc lập bằng một cách khác, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình ở Biển Đông hiện nay. Về hoạt động, Indonesia không đứng yên trong tình trạng căng thẳng đang diễn ra. Mặc dù quốc gia này không phải là một bên có tranh chấp chủ quyền đối với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng họ đã và đang dẫn đầu các cuộc hội thảo về quản lý các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông kể từ năm 1990. Trong số các quốc gia ở khu vực, Indonesia là nước đi đầu trong việc thúc đẩy UNCLOS. Sau phiên tòa của Tòa trọng tài hồi tháng 7/2016, Indonesia cũng đưa ra một tuyên bố rõ ràng kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế.

Biển Đông gắn liền với những lợi ích cũng như an ninh quốc gia của Indonesia. Quốc gia này luôn cho thấy là nước tiên phong trong việc tôn trọng pháp luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS, và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Không chắc rằng Indonesia có thể đảm bảo những lợi ích này khi áp dụng thái độ đối đầu với Trung Quốc. Indonesia không có bất kỳ mối quan tâm nào trong việc kích động hoặc làm dịu đi căng thẳng, phức tạp nào giữa các bên liên quan ở Biển Đông.

Vai trò lãnh đạo của Indonesia đóng vai trò thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan ở Biển Đông, bao gồm cả Trung Quốc. Đây là vai trò mà Indonesia cần tiếp tục và tăng cường. Không ai mong đợi Indonesia sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong việc chống lại bất kỳ bên nào ở Biển Đông. Jakarta có cách tiếp cận của mình trong việc hỗ trợ phán quyết của Tòa trọng tài dựa trên UNCLOS. Quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc cũng như Mỹ và các nước có yêu sách khác là những ưu tiên của Indonesia. Đặc biệt, Chính quyền của Tổng thống Jokowi đang thu hút mạnh mẽ đầu tư từ nước ngoài để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Điều hợp lý là Jakarta sẽ rất thận trọng trong việc đối phó với Trung Quốc, một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Indonesia, nhưng điều đó không có nghĩa là làm ảnh hưởng tới lập trường của quốc gia này đối với luật pháp quốc tế. Đây là biểu hiện của sự độc lập trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Tác giả cho rằng quan điểm này cũng được Philippines - quốc gia hiện đang có chấp tranh chấp ở Biển Đông - cũng như các nước khác trong khu vực chia sẻ.

Giải pháp kết thúc tranh chấp ở Biển Đông có thể không diễn ra trong thời kỳ của chúng ta, nhưng chúng ta có thể thiết lập một nền tảng cho điều đó bằng cách duy trì sự ổn định chứ không phải làm suy yếu nó.

Tác giả Klaus Heinrich Raditio là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Sydney, Úc. Bài viết đăng trên tờ “Bưu điện Jakarta”.

Vũ Hiền (gt)